Khi thầy giáo là văn, nghệ sĩ

Vừa làm công tác giảng dạy, vừa sáng tác, những người thầy là nghệ sĩ không chỉ truyền tải cho học sinh (HS) kiến thức mà còn cả đam mê. Và các sáng tác được viết bởi những người thầy thường đậm chất nhân văn, tình yêu thương.

Viết để truyền kinh nghiệm cho học sinh

Em Nguyễn Khánh Hưng - HS lớp 12A3, Trường THPT Hùng Vương (TP.Tân An) kể, trước đây, em chỉ thích học môn Lịch sử, còn môn Văn đối với em không mấy thú vị. Tuy nhiên, từ khi lên lớp 12 và học Văn cùng thầy Đỗ Thành Hưng (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương), em thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của mình.

“Không biết điều gì khiến em yêu thích môn Văn như vậy. Có lẽ do thầy Hưng giảng bài dễ hiểu, tình cảm và vui vẻ. Chúng em không chỉ được học kiến thức từ sách vở mà còn được truyền đạt kinh nghiệm viết, sửa những lỗi sai thường gặp và đặc biệt là không bị áp lực về điểm số” - Khánh Hưng nói.

Em khẳng định, từ việc không bị áp lực về điểm số, nhận được nhiều lời động viên, khích lệ thay vì trách mắng, Khánh Hưng và các bạn tự tin, thoải mái trong việc thể hiện quan điểm, khả năng của mình trong bài làm. Việc học Văn vì thế trở nên nhẹ nhàng, thoải mái hơn.

Khánh Hưng kể, thầy Hưng là giáo viên đầu tiên sửa cho HS từng lỗi sai nhỏ trong bài kiểm tra. Giờ trả bài kiểm tra, thay vì khiển trách HS vì những sai sót có phần “ngớ ngẩn”, thầy lại dí dỏm phân tích nguyên nhân và hướng dẫn cách tránh những lỗi sai đó trong các bài kiểm tra sau. Sự hài hước, thân thiện và chân thành của thầy giúp HS dễ dàng tiếp thu, ghi nhớ.

Thầy Hưng nói: “Cũng là một người viết nên tôi hiểu được khó khăn của các em. Những vướng mắc khi vào đề, triển khai nội dung hay lập luận,... tôi đều từng gặp phải trong quá trình viết của mình. Tôi thông cảm cho các em và chia sẻ kinh nghiệm với các em. Viết là cách giúp mỗi người cảm nhận sâu sắc, tinh tế hơn về cuộc sống, giúp giải tỏa suy nghĩ và cảm xúc của mình. Tôi không yêu cầu các em phải đạt điểm cao hay trở thành nhà văn, tôi chỉ muốn truyền cảm hứng cho các em và giúp các em thêm yêu tiếng Việt và có thể sử dụng thông thạo, hiệu quả tiếng mẹ đẻ của mình”.

Trong quá trình giảng dạy, thầy Đỗ Thành Hưng (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương, TP.Tân An) duy trì sáng tác truyện ngắn, thơ. Mảng đề tài yêu thích nhất của thầy là về trường lớp, học sinh

Trong quá trình giảng dạy, thầy Đỗ Thành Hưng (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương, TP.Tân An) duy trì sáng tác truyện ngắn, thơ. Mảng đề tài yêu thích nhất của thầy là về trường lớp, học sinh

Với thầy Hưng, viết là điều không thể thiếu trong cuộc sống. Bén duyên với văn chương từ thời HS, thầy có truyện ngắn, thơ, tản văn đăng báo từ khi mới học lớp 10. Từ đó về sau, cậu học trò Đỗ Thành Hưng chưa bao giờ ngừng viết. Khi đã là giáo viên dạy Văn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương và Tổ trưởng Tổ hội đồng bộ môn Ngữ văn tỉnh, thầy vẫn duy trì viết mỗi ngày. Thầy viết thơ, truyện ngắn với nhiều chủ đề: HS, tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, đất nước,... Tuy nhiên, mảng đề tài về trường lớp, HS thường được thầy quan tâm, khai thác.

Thầy Hưng chia sẻ: “Tôi quản lý Chi hội Khuyến học của trường nên tiếp cận nhiều hoàn cảnh HS khó khăn. Trong quá trình vận động hỗ trợ các em, tạo điều kiện để các em được nhận học bổng và tiếp tục việc học, tôi nhận ra, chính các em cũng đem đến cho tôi nhiều bài học về sự kiên trì, nỗ lực và trở thành nguồn cảm hứng cho những trang viết của tôi. Tôi kể lại câu chuyện của các em bằng góc nhìn của mình. Tôi viết để dành lại cho mình, rèn luyện kỹ năng và cũng để hiểu HS hơn”.

Mọi sáng tác đều phải mang tính tích cực

Cũng như thầy Đỗ Thành Hưng, nhạc sĩ Tuấn An cũng là một người thầy. Anh là giảng viên ngành Âm nhạc tại Trường Cao đẳng Sư phạm Long An (nay là phân hiệu của Trường Đại học Sư phạm TP.HCM). Người yêu nhạc biết đến nhạc sĩ Tuấn An qua những ca khúc cổ động tinh thần chống dịch Covid-19 của giáo viên trong tỉnh khoảng năm 2021 nhưng ít người biết rằng, anh bắt đầu sáng tác từ khi còn là sinh viên. Khi chọn học sư phạm âm nhạc, chàng trai trẻ Tuấn An chỉ nghĩ sẽ trở thành một người thầy; việc song hành giữa sáng tác và giảng dạy, anh chưa bao giờ nghĩ đến.

Tuy nhiên, “cái duyên” sáng tác đến với anh rất ngẫu nhiên, khi lớp của anh cần một tiết mục mới về Bác để dàn dựng trong chương trình dự thi tại trường. Anh sinh viên năm nhất Tuấn An lúc đó còn chưa biết rõ về cách viết nhạc nhưng lại sáng tác bài hát Mơ về thăm quê Bác được bạn bè đánh giá cao. Sau này, Mơ về thăm quê Bác là bài hát đoạt giải B cuộc vận động Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nhạc sĩ Tuấn An là giảng viên ngành Âm nhạc của Trường Cao đẳng Sư phạm Long An (nay là phân hiệu của Trường Đại học Sư phạm TP.HCM)

Nhạc sĩ Tuấn An là giảng viên ngành Âm nhạc của Trường Cao đẳng Sư phạm Long An (nay là phân hiệu của Trường Đại học Sư phạm TP.HCM)

Trong suốt quá trình giảng dạy, nhạc sĩ Tuấn An chưa bao giờ ngừng sáng tác. Trước đây, phần lớn ca khúc anh viết chỉ chia sẻ cho bạn bè, thân hữu, tham gia một số cuộc thi trong tỉnh, khu vực và hầu hết đều đoạt giải. Từ sau năm 2021, nhạc sĩ Tuấn An sản xuất nhạc, đăng tải trên kênh Youtube cá nhân, được đông đảo người yêu nhạc khắp nơi đón nhận.

“Là giảng viên âm nhạc, tôi dạy nhiều môn: Nhạc lý, nhạc cụ, thực hành sư phạm âm nhạc, nhập môn sáng tác,... tại Trường Cao đẳng Sư phạm Long An và Đại học Đồng Tháp. Việc sáng tác nhạc mang lại cho tôi nhiều lợi thế, kinh nghiệm, cũng giúp sinh viên hứng thú hơn khi thầy lấy ví dụ cho bài học từ chính sáng tác của thầy. Công việc giảng dạy cũng mang đến cho tôi nhiều đề tài để sáng tác. Điều đó giải thích vì sao nhiều sáng tác của tôi xoay quanh đề tài trường lớp, người dạy, người học,...” - nhạc sĩ Tuấn An nói.

Mới đây, sáng tác Em yêu câu hát quê hương dành cho thiếu nhi của nhạc sĩ Tuấn An được chọn đưa vào sách giáo khoa Giáo dục địa phương. Nhạc sĩ Tuấn An chia sẻ: Ca khúc Em yêu câu hát quê hương giúp các em hiểu và tự hào hơn về quê hương mình. Long An không chỉ vang danh bởi những chiến công thời chống giặc, mảnh đất này còn hiền hòa, dịu ngọt với hình ảnh cánh cò trong lời ru của mẹ, nên thơ trong điệu hò mái dài, mái ố, vui vẻ, rộn ràng trong điệu lý vạn ai,...

Bài hát không chỉ mang đến giai điệu ngọt ngào, êm ái mà còn giúp HS biết nhiều thông tin, kiến thức mới về nghệ thuật dân gian của Long An, góp phần nuôi dưỡng tình yêu quê hương trong các em. Nói thêm về các ca khúc của mình, nhạc sĩ Tuấn An chia sẻ, vì làm công việc giảng dạy nên anh mong muốn truyền tải những điều tốt đẹp trong các bài hát của mình. Dù sáng tác buồn thì thông điệp cuối cùng gửi gắm trong bài hát vẫn mang tính tích cực./.

Quế Lâm

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/khi-thay-giao-la-van-nghe-si-a167264.html