Khi thế hệ trẻ viết tiếp lịch sử bằng tri thức và khát vọng
30/4 là một trong những dấu mốc lịch sử hào hùng của người Việt Nam – ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông liền một dải, khép lại chiến tranh, mở ra một chặng đường mới của hòa bình và phát triển.
Chúng ta được sống trong hòa bình, đi học trong giảng đường đẹp đẽ, kết nối với thế giới bằng công nghệ… Tất cả những điều đó là thành quả của bao máu xương, mồ hôi, nước mắt mà cha ông mình đã đánh đổi. Biết ơn là điều đầu tiên, nhưng quan trọng hơn, là sống sao cho xứng đáng”
Nguyễn Thị Tâm Phương - nguyên Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Học viện Tài Chính
“Không cầm súng, nhưng vẫn có thể chiến đấu”
Theo chị Nguyễn Thị Tâm Phương – nguyên Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Học viện Tài chính, thế hệ đi trước chiến đấu bằng súng đạn, bằng lòng quả cảm để giành độc lập. Còn chúng ta – thế hệ sinh viên hôm nay – có thể “chiến đấu” bằng tri thức, bằng sự sáng tạo, bằng từng lựa chọn đúng đắn trong cuộc sống thường ngày.

Chị Nguyễn Thị Tâm Phương – nguyên Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Học viện Tài chính. Ảnh: NVCC
Tiếp nối tinh thần 30/4 trong thời đại mới không phải là tái hiện chiến tranh, mà là giữ lửa tinh thần: Dám nghĩ, dám làm, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng và đất nước.
Chị Tâm Phương nhấn mạnh: “Hãy học thật tốt, không chỉ để có tấm bằng mà để trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, là người trẻ Việt Nam có năng lực thật sự, có khát vọng thật sự – đó chính là hành động yêu nước trong thời bình”.
Yêu nước kiểu Gen Z
Yêu nước không nhất thiết phải là điều gì đó to tát hay mang tính khẩu hiệu. Đôi khi, nó bắt đầu từ những điều giản dị: Nghiêm túc trong học tập, không gian lận thi cử, nói không với tiêu cực, bảo vệ môi trường sống, giúp đỡ người yếu thế, giữ gìn văn hóa truyền thống trong guồng quay hiện đại...

Thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội là việc làm của Gen Z.
Chúng ta có thể học hỏi bạn bè quốc tế, tiếp cận những nền giáo dục tiên tiến, nhưng vẫn cần nhớ mình là ai, đến từ đâu và đâu là những giá trị không thể đánh mất.
“Đi du học, khởi nghiệp, làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia – tất cả đều tuyệt vời. Nhưng dù bạn ở đâu, đừng quên mình là người Việt Nam. Đó là điều khiến bạn khác biệt, đó là gốc rễ để bạn vững vàng khi ra thế giới”, chị Phương nhắn gửi.
“Bạn đã sẵn sàng sống có lý tưởng chưa?”
Trong thời đại mà mọi thứ thay đổi từng ngày, khi AI, blockchain, khởi nghiệp số... đang hiện diện khắp nơi, thì thứ mà mỗi người trẻ cần giữ lại chính là lý tưởng sống.

Ngày 30/4 là dịp để mỗi sinh viên tự hỏi: “Mình đang sống vì điều gì?” – chỉ là để tốt nghiệp ra trường? Hay là để trở thành người tạo giá trị cho xã hội? Có thể bạn chưa tìm được câu trả lời, nhưng việc không ngừng tìm kiếm cũng đã là một hành trình đáng quý.
Chị Tâm Phương chia sẻ: “Không cần phải là nhà lãnh đạo lớn hay nhà khoa học tầm cỡ. Mỗi người trẻ có thể bắt đầu từ điều nhỏ nhất: Làm tốt việc của mình, không ngại thử thách, dũng cảm vượt qua thất bại và luôn giữ ngọn lửa tích cực trong tim”.
Viết tiếp hành trình trăm năm bằng cả con tim và khối óc
Dù không trực tiếp trải qua chiến tranh nhưng người trẻ hôm nay có sứ mệnh gìn giữ hòa bình, lan tỏa yêu thương và xây dựng một Việt Nam phát triển – hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ngày 30/4 không đơn thuần là một ngày nghỉ lễ. Đó là cơ hội để mỗi sinh viên dừng lại một chút giữa guồng quay học tập, thi cử, deadline… để tự hỏi mình đang sống như thế nào và mình muốn để lại điều gì cho hành trình phát triển chung của đất nước.
“Không hẳn cần những điều lớn lao, đất nước trước tiên cần những người trẻ biết sống tử tế, sống có mục tiêu, có khát vọng, biết gìn giữ và hướng tới những giá trị nhân văn, tốt đẹp”, chị Tâm Phương nhắn nhủ.