Khí thế mới trên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Những thành tựu to lớn đạt được trong thực hiện chính sách dân tộc đã tạo khí thế mới để vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi vững bước cùng cả nước bước vào năm mới 2025 và hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
![Không khí lễ hội ở làng Ốp - làng văn hóa cộng đồng dân tộc Gia Rai phục vụ phát triển du lịch. Ảnh: Trần Dũng](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_01_26_195_51339106/1c10e3dd2492cdcc9483.jpg)
Không khí lễ hội ở làng Ốp - làng văn hóa cộng đồng dân tộc Gia Rai phục vụ phát triển du lịch. Ảnh: Trần Dũng
Mùa Xuân này, gia đình anh Lò Văn Lan (dân tộc Lào, ở bản Mường Luân 1, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) vui mừng có ngôi nhà mới. Gia đình anh thuộc diện hộ nghèo nên vừa được địa phương tạo điều kiện vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 40 triệu đồng, vừa được hỗ trợ 50 triệu đồng để xây căn nhà rộng 45m2, có đầy đủ công trình phụ. Phấn khởi có căn nhà khang trang để chống mưa, che nắng, vợ chồng anh Lan xúc động cảm ơn cấp ủy, chính quyền địa phương, họ hàng và cộng đồng đã giúp đỡ để từ nay, gia đình anh có cuộc sống mới tươi đẹp hơn.
Còn ở làng Ốp, phường Hoa Lư, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai - nơi đồng bào Gia Rai chiếm 98%, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm đầu tư, xây dựng, tu bổ hệ thống thiết chế văn hóa, mở các lớp truyền dạy kỹ năng đánh cồng chiêng, múa xoang; tập huấn kiến thức tổ chức hoạt động du lịch cho bà con; phục dựng một số lễ hội, nghi lễ truyền thống nhằm xây dựng làng thực sự trở thành làng văn hóa cộng đồng, phục vụ phát triển du lịch. Những việc làm đó giúp người dân làng Ốp thêm tự tin, phấn đấu hơn nữa trong bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc để tạo ra sinh kế bền vững.
Trên khắp vùng đồng bào DTTS và miền núi, năm 2024, hàng nghìn hộ đồng bào DTTS được đón nhận niềm vui chuyển vào những căn nhà kiên cố và bán kiên cố như gia đình anh Lan. Hàng chục làng văn hóa cộng đồng đang được trợ lực để phát triển như ở làng Ốp. Những dẫn chứng này cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cả hệ thống chính trị đang tích cực triển khai tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chính sách dân tộc của chúng ta là nhằm thực hiện sự bình đẳng, giúp nhau giữa các dân tộc để cùng nhau tiến lên CNXH”.
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có bước phát triển rõ rệt; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú; thu nhập được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng cải thiện; số hộ nghèo giảm nhanh; giáo dục, y tế được quan tâm; văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp từng bước được bảo tồn và phát huy.
Hiện nay, 98,4% xã vùng DTTS và miền núi có đường ô tô đến trung tâm; 96,7% hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã có trường lớp mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,3% xã có trạm y tế với 83,5% xã có trạm y tế đạt chuẩn, 69,1% trạm y tế có bác sĩ, y tá khám, chữa bệnh cho người dân; trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân; hệ thống kênh mương nội đồng, các công trình thủy lợi nhỏ và vừa được đầu tư, đáp ứng một phần nhu cầu phát triển sản xuất của người dân...
![Niềm vui của gia đình anh Lò Văn Lan bên căn nhà mới. Ảnh: Trần Dũng](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_01_26_195_51339106/1341ef8c28c3c19d98d2.jpg)
Niềm vui của gia đình anh Lò Văn Lan bên căn nhà mới. Ảnh: Trần Dũng
Đặc biệt, thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, đến nay, đã có 5/52 tỉnh, thành phố đạt và vượt trên 2 lần chỉ tiêu mức thu nhập bình quân của người DTTS (tăng trên 2 lần so với năm 2020), 4/52 tỉnh đạt từ 1,5 đến 2 lần; 25/52 tỉnh, thành phố giảm trên 3%/năm hộ nghèo đồng bào DTTS; 31/52 tỉnh, thành phố có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 38/52 tỉnh, thành phố đạt trên 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 18/52 tỉnh, thành phố đạt 100% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 27/52 tỉnh, thành phố đạt và vượt 99% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 29/52 tỉnh, thành phố đạt và vượt 90% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 25/52 tỉnh, thành phố đạt 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh; 29/52 tỉnh, thành phố đạt và vượt 80% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; 23/52 tỉnh, thành phố đạt và vượt 50% thôn có đội văn hóa, văn nghệ hoặc câu lạc bộ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng...
Với quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, khi cơn bão số 3 (tháng 9/2024) gây thiệt hại và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS, Ủy ban Dân tộc đã thành lập các đoàn công tác do lãnh đạo Ủy ban làm trưởng đoàn đi nắm bắt tình hình, thăm hỏi, động viên, giúp đỡ đồng bào khắc phục hậu quả do mưa lũ, sạt lở đất tại các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Tuyên Quang...
Những kết quả đạt được trong thực hiện chính sách dân tộc đã được các địa phương tổng kết tại Đại hội đại biểu các DTTS cấp tỉnh, cấp huyện lần thứ IV, một sự kiện chính trị - xã hội quan trọng đối với cộng đồng các dân tộc Việt Nam diễn ra trong năm 2024. Không khí hồ hởi, phấn khởi tại đại hội đã thể hiện sự đồng thuận và niềm tin vững chắc của đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Năm 2024, năm bản lề trong thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025 khép lại với nhiều kết quả ấn tượng ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thành công đó kết tinh từ sự thống nhất ý chí, hành động giữa ý Đảng và lòng dân, tạo tiền đề để đồng bào DTTS tràn đầy khí thế quyết tâm, cùng cả nước hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.