Khi tiếng nói của người lao động được lắng nghe

Nhu cầu được lắng nghe là một trong những nhu cầu mà đoàn viên, công nhân lao động mong muốn được đáp ứng. Những năm gần đây, các cấp Công đoàn Thủ đô thường xuyên kết nối, phối hợp tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp giữa Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương với công nhân, lao động trên địa bàn. Qua đó kịp thời nắm bắt và giải quyết các chế độ, chính sách liên quan trực tiếp đến người lao động.

Duy trì đối thoại

Nhiều năm qua, mô hình gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động đã được các cấp Công đoàn Hà Nội đặc biệt quan tâm. Qua đó, giúp người lao động có thể mạnh dạn đề xuất, kiến nghị thẳng thắn đến lãnh đạo Thành phố, cấp ủy địa phương những vấn đề vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ. Đồng thời thực hiện tốt việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, tổ chức Công đoàn cũng góp phần tích cực tuyên truyền để đoàn viên, công nhân lao động nghiêm túc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Lãnh đạo quận Tây Hồ đối thoại với người lao động.

Lãnh đạo quận Tây Hồ đối thoại với người lao động.

Cao điểm trong Tháng Công nhân, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố và các quận, huyện, thị xã đã kết nối, phối hợp tổ chức hàng loạt hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người lao động. Tại đây, đoàn viên, người lao động đã thoải mái bộc lộ tâm tư, bày tỏ những vướng mắc liên quan sát sườn đến đời sống việc làm.

Điển hình như LĐLĐ đã phối hợp với UBND Thành phố tổ chức thành công Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội với công nhân lao động Thủ đô năm 2024. Tại đây có trên 600 ý kiến, kiến nghị gửi về từ các đại biểu công nhân lao động và Công đoàn cơ sở. Qua tổng hợp, chủ yếu các ý kiến đề xuất với Thành phố và các sở, ngành liên quan, tập trung vào các nhóm vấn đề: Nhà ở cho công nhân; đời sống, việc làm của công nhân lao động; vấn đề thực hiện chính sách đối với công nhân lao động; an toàn giao thông; nâng cao trình độ chuyên môn và đào tạo nghề; đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp…

Cụ thể như anh Nguyễn Thịnh (Công ty Cổ phần kết cấu thép Bình Phú) đề nghị, Thành phố sớm ban hành thủ tục đầu tư phát triển nhà ở xã hội, như việc giao đất, quyền lợi ưu đãi chủ đầu tư, xác định đúng đối tượng được mua.

Anh Phan Chí Thành (Công ty TNHH Canon Việt Nam, Công đoàn các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội) nêu đề nghị Thành phố ban hành các cơ chế, chính sách giải quyết vướng mắc xoay quanh câu chuyện thủ tục đầu tư, phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân lao động.

Công nhân lao động cũng mong lãnh đạo Thành phố cho biết những chỉ đạo của Thành phố nhằm giảm thiểu tình trạng người lao động xin rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng như hiện nay. Trong đó, anh Đặng Vũ Long (Công ty TNHH Panasonic Appliances Việt Nam) kiến nghị, cơ quan Bảo hiểm xã hội xúc tiến để đồng bộ dữ liệu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính.

Tại các quận, huyện, thị xã, Công đoàn cấp trên cơ sở cũng đẩy mạnh hoạt động đối thoại vì người lao động. Tại Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện Thường Tín với công nhân, viên chức, lao động năm 2024 đã có hơn 100 câu hỏi gửi về.

Hội nghị đối thoại giữa Bí thư Quận ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm với doanh nghiệp và người lao động năm 2024 ghi nhận 17 ý kiến, kiến nghị, tập trung vào 5 lĩnh vực chủ yếu gồm: Xây dựng, quản lý đô thị; lao động, việc làm; bảo hiểm xã hội; văn hóa, giáo dục và đào tạo và một số nội dung khác. Các ý kiến phản ánh, kiến nghị đều mang tính chất xây dựng với thái độ tích cực, với tinh thần thẳng thắn, chân thành, thể hiện sự kỳ vọng, mong đợi đối với lãnh đạo quận.

Hay tại Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn với công nhân, người lao động, đã có 300 lượt ý kiến, kiến nghị. Công nhân lao động đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội, phát triển kinh tế; lĩnh vực liên quan đến đảm bảo an ninh trật tự, giao thông, thủ tục hành chính; lĩnh vực liên quan đến việc cung cấp điện cho sinh hoạt và sản xuất. Vấn đề về lương và phụ cấp: Giáo viên, nhân viên nuôi dưỡng, bảo vệ, y tế, vấn đề về khám chữa bệnh ngoài giờ….

Đáp ứng tối đa nguyện vọng chính đáng

Không chỉ là dịp giúp lãnh đạo Thành phố nắm bắt, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng. Hiệu quả của việc đối thoại được thể hiện rõ ở việc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp yêu cầu các cơ quan chuyên môn phối hợp để giải quyết ngay kiến nghị công nhân lao động nêu; giải quyết một cách thấu đáo…

Là người tham gia buổi đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội với công nhân lao động Thủ đô năm 2024, chị Kim Dung (Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đức Anh) khẳng định, chị đã mạnh dạn nói lên nguyện vọng chính đáng của mình. Kiến nghị của chị cũng được các cấp, ngành quan tâm, giải quyết. Đó là những chính sách liên quan nghiên cứu cải tiến việc nhận và trả kết quả trong quy trình thực hiện các hồ sơ liên quan đến chế độ chính sách đối với người lao động.

“Qua mỗi lần tham dự Hội nghị, tôi đều thấy sự đổi khác và thiết thực bởi các ý kiến, đề xuất của công nhân lao động với Thành phố đều được lãnh đạo Thành phố, LĐLĐ Thành phố tiếp thu, quan tâm, giải quyết thấu đáo. Khoảng cách giữa công nhân lao động và chính quyền được rút ngắn lại”, chị Dung nói.

Trực tiếp giải đáp về vấn đề nhà ở xã hội tại hội nghị đối thoại, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đã đề nghị các sở, ngành rút kinh nghiệm những gì chưa làm được, đặc biệt là chậm triển khai nhà ở xã hội, để làm tốt hơn, đáp ứng với nguyện vọng, mong muốn của công nhân về an cư lạc nghiệp. Về phía Thành phố, khi có Luật Thủ đô (sửa đổi), Hà Nội cũng sẽ có thêm quyền nhất định để ban hành một số cơ chế đặc thù về hỗ trợ cho phúc lợi xã hội nói chung, trong đó có chính sách hỗ trợ để người lao động có thể thuê, mua nhà ở xã hội. Cùng với đó, UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc rà soát, quy hoạch bố trí bổ sung quỹ đất để tiếp tục phát triển nhà ở xã hội; các sở, ngành, địa phương phải cam kết bảo đảm đến 1/10/2024, có thể khởi công ít nhất một dự án và phải bảo đảm chất lượng lâu dài.

Liên quan đến kiến nghị về việc khám chữa bệnh cần đảm bảo thuận tiện cho công nhân lao động, tại các buổi đối thoại, đại diện Bảo hiểm xã hội Thành phố khuyến khích các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường nguồn lực để tổ chức khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế vào ngày lễ, ngày nghỉ.

Tại cuộc đối thoại của người đứng đầu quận Bắc Từ Liêm với công nhân lao động, lãnh đạo quận cũng yêu cầu các phòng, ban, ngành liên quan tích cực tuyên truyền, triển khai các quy định đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp và người lao động.

Đối với kiến nghị liên quan đến hạ tầng cụm công nghiệp, bổ sung các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao, Quận ủy đề nghị UBND quận chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành việc bảo trì, bảo dưỡng hệ thống thoát nước mặt và bàn giao hạng mục vỉa hè trong cụm công nghiệp trong tháng 6/2024.

Cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát, đề xuất các quỹ đất phù hợp để xây dựng nhà văn hóa, điểm vui chơi công cộng, thể dục thể thao, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và người lao động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Nhiều năm qua, mô hình gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động đã được các cấp Công đoàn Hà Nội đặc biệt quan tâm. Qua đó, giúp người lao động có thể mạnh dạn đề xuất, kiến nghị thẳng thắn đến lãnh đạo Thành phố, cấp ủy, chính quyền địa phương những vấn đề vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ.

Ngân Phương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khi-tieng-noi-cua-nguoi-lao-dong-duoc-lang-nghe-173718.html