Giá dầu thế giới lao dốc trước những lo ngại về nguồn cung

Mặc dù khởi động tuần này với đà tăng, song chuỗi ngày giảm liên tiếp sau đó khiến giá dầu thế giới ghi nhận tuần giao dịch ảm đạm nhất trong gần 1 năm.

Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Cairo, Ai Cập. Ảnh: AFP/TTXVN

Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Cairo, Ai Cập. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau khi giảm mạnh vào cuối tuần trước, giá dầu thế giới đã tăng nhẹ trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 2/9, giữa bối cảnh hoạt động xuất khẩu dầu của Libya bị gián đoạn và những lo ngại về việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và những đối tác (OPEC+) sẽ tăng sản lượng giảm bớt.

Tuy nhiên, xu hướng tăng nhanh chóng bị chặn lại. Giá dầu thế giới giảm gần 5% trong phiên giao dịch 3/9, chạm mức thấp nhất trong gần 9 tháng do xuất hiện dấu hiệu các phe phái chính trị tại Libya đã đạt được thỏa thuận giải quyết tranh chấp, vốn khiến sản xuất và xuất khẩu dầu thô của nước này bị đình trệ trong thời gian qua.

Ngoài ra, giá dầu đã giảm còn do dự đoán rằng nhu cầu đang bị cắt giảm do tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Ông Charalampos Pissouros, nhà phân tích đầu tư cấp cao tại công ty môi giới giao dịch hàng hóa XM, cho biết: “Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc yếu hơn dự kiến có thể làm tăng thêm mối lo ngại về hoạt động của nền kinh tế Trung Quốc”.

Giá “vàng đen” tiếp tục lùi sâu trong các phiên giao dịch còn lại của tuần này, xuống mức thấp nhất trong 14 tháng vào phiên 5/9, do lo ngại về nhu cầu tại Mỹ và Trung Quốc, khả năng nguồn cung từ Libya gia tăng lấn át việc kho dự trữ dầu của Mỹ giảm và OPEC+ trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng.

Phiên giao dịch cuối tuần ngày 6/9, giá dầu giảm 2%, sau khi Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng Tám yếu hơn dự kiến, qua đó đẩy thị trường vào tuần giao dịch tồi tệ nhất trong gần 1 năm qua.

Khép lại phiên này, giá dầu thô Brent giao kỳ hạn giảm 1,63 USD, tương đương 2,24%, xuống 71,06 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021. Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng giảm 1,48 USD (2,14%), xuống 67,67 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2023.

Tính chung cả tuần, dầu Brent giảm 10%, trong khi dầu WTI giảm khoảng 8%.

Dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy số việc làm tạo mới tăng ít hơn dự kiến trong tháng 8/2024, nhưng tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,2% cho thấy thị trường lao động đang suy yếu có trật tự và có thể không đảm bảo cho việc cắt giảm lãi suất lớn từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong tháng này.

Ông Bob Yawger, một lãnh đạo của ngân hàng Mizuho, cho biết những lo ngại xung quanh nhu cầu của Trung Quốc cũng tiếp tục gây áp lực lên giá dầu.

Dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 6,9 triệu thùng xuống 418,3 triệu thùng trong tuần trước, so với mức giảm dự kiến là 993.000 thùng trong cuộc thăm dò ý kiến các nhà phân tích của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh).

Ngân hàng Bank of America đã hạ dự báo giá dầu Brent và WTI trong nửa cuối năm 2024 xuống các mức 75 USD/thùng và 71 USD/thùng, giảm so với mức 80 USD/thùng và 75 USD/thùng dự báo trước đó. Trong khi đó, tập đoàn ngân hàng-tài chính Citi Group dự báo giá dầu Brent sẽ đạt trung bình ở mức 60 USD/thùng vào năm tới vì thị trường dự kiến sẽ trở nên dư thừa nguồn cung đáng kể.

Theo các nhà phân tích, cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Libya đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ hơn 1 triệu thùng mỗi ngày sẽ bị loại khỏi thị trường dầu mỏ thế giới.

Ông Hasnain Malik, Giám đốc bộ phận chiến lược vốn chủ sở hữu thị trường mới nổi và cận biên tại hãng phân tích dữ liệu Tellimer, nhận xét: "Giá dầu (được điều chỉnh theo lạm phát) hiện là cực kỳ rẻ. Điều này có thể thu hút các nhà đầu tư dài hạn vào những tài sản liên quan đến dầu mỏ. Nhưng trong ngắn hạn, tăng trưởng nhu cầu yếu và sản lượng gia tăng sẽ khiến giá dầu tiếp tục đi xuống".

Sản lượng dầu thô của Libya đã giảm hơn một nửa kể từ khi chính quyền ở miền Đông Libya tuyên bố đóng cửa mọi hoạt động sản xuất và xuất khẩu mỏ dầu của nước này, trong bối cảnh căng thẳng giữa chính quyền miền Đông và chính phủ được Liên hợp quốc (LHQ) công nhận tại Tripoli (miền Tây) tiếp tục gia tăng. Libya từng ghi nhận mức sản lượng khoảng 1,2 triệu thùng/ngày trước thời điểm chính quyền miền Đông ra lệnh phong tỏa các mỏ dầu.

Bà Vandana Hari, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của hãng phân tích thị trường năng lượng toàn cầu Vanda Insights có trụ ở tại Singapore, đánh giá: "Yếu tố Libya không tạo ra nhiều rủi ro về nguồn cung. Nó thậm chí còn ít là yếu tố thúc đẩy giá dầu khi với các phe phái đối địch ở nước này thỏa hiệp về vấn để kiểm soát ngân hàng trung ương".

Bà Hari nói thêm: "Sự phục hồi của giá dầu từ mức hiện nay phụ thuộc vào tâm lý kinh tế Mỹ, vì nó hầu như không có chỗ dựa nào khác. OPEC+ sẽ vẫn ở chế độ chờ đợi và theo dõi, ít nhất là cho đến cuộc họp chính sách sắp tới của Fed, dự kiến diễn ra vào các ngày 17-18/9".

Chiến lược gia Giovanni Staunovo tại ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) cho rằng thị trường đang "lo ngại quá mức" về lượng dầu bổ sung của OPEC+, nhấn mạnh rằng khối này có thể bổ sung nguồn cung cho thị trường hoặc dừng lại tùy theo các điều kiện của thị trường. Ông Staunovo cho hay Iraq, Kazakhstan và Nga có thể sản xuất ít hơn để bù đắp cho việc họ không tuân thủ hạn ngạch cắt giảm sản lượng theo thỏa thuận của OPEC+. Tháng trước, OPEC thông báo đã nhận được các kế hoạch cập nhật từ Iraq và Kazakhstan để bù đắp cho tình trạng sản xuất quá mức của các nước này trong giai đoạn từ tháng 1-7/2024, với tổng cộng 1,44 triệu thùng/ngày đối với Iraq và 699.000 thùng/ngày đối với Kazakhstan.

Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley tháng trước đã hạ mức dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay xuống còn 1,1 triệu thùng/ngày, từ 1,2 triệu thùng/ngày được đưa ra trước đó, chủ yếu do đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc. Morgan Stanley cũng hạ dự báo giá dầu Brent xuống mức trung bình 80 USD/thùng trong quý IV/2024, từ mức ước tính trước đó là 85 USD/thùng.

Minh Trang (Tổng hợp)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/gia-dau-the-gioi-lao-doc-truoc-nhung-lo-ngai-ve-nguon-cung-20240907124729139.htm