Khi 'Tiếng trống Bắc Lý' vang xa trên khắp mọi miền Tổ quốc
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cùng với các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước, 'tiếng trống Bắc Lý' đã vang xa khắp mọi miền Tổ quốc.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh "làm cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công,” trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cùng với các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực, "tiếng trống Bắc Lý" đã vang xa khắp mọi miền Tổ quốc và trở thành lá cờ đầu của ngành giáo dục Việt Nam khi đó.
Tiếng trống Bắc Lý ngân xa
Cách đây 70 năm, khi đó, Bắc Lý (nay là Trung học Cở sở Bắc Lý) là một ngôi trường cấp II ở vùng chiêm trũng nghèo của huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
Năm 1953, ngày trường mới thành lập cũng là lúc cả miền Bắc vừa dồn sức xây dựng xã hội chủ nghĩa, vừa chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, nên thiếu thốn đủ bề. Chưa có địa điểm cố định nên thầy và trò phải "tạm trú" trong đình, chùa, nhà kho.
Khi đến lớp, học sinh phải tự mang bàn, ghế đi theo. Học ở những nơi "tạm trú" như thế, mùa Hè thì nóng bức, ngột ngạt; còn mùa Đông thì gió lùa, mưa dột, thầy trò rét tím tái... ấy vậy mà chẳng học sinh nào nghỉ học. Rồi từ một khu ruộng trũng, thầy, trò Trường Bắc Lý cùng nhân dân trong xã đã góp hàng nghìn công đào đắp, xây dựng nên ngôi trường có đủ lớp học và vườn trường.
Cuối năm 1960, dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ III, thầy trò Trường Bắc Lý đã vận dụng sáng tạo mục đích, nguyên lý, phương châm giáo dục của Đảng vào thực tiễn nhà trường. Nhà trường luôn gắn học với hành, kết hợp giáo dục với lao động sản xuất.
Ví dụ như khi dạy về chăn nuôi, thầy và trò học, nắm vững lý thuyết trong sách rồi cùng nhau xuống các trại chăn nuôi trong xã xem xã viên chăm sóc lợn, gia cầm. Học về giống lúa, trường nhận ruộng của xã để học sinh tự làm giống, gieo trồng, thu hoạch. Học về toán, học sinh được chỉ dẫn đo đạc ngay tại ruộng vườn. Học hóa, học sinh được cùng gánh vôi với nông dân đi chống chua, rửa mặn cho đất....
Phương pháp dạy và học gắn với thực tế sản xuất này không những giúp thầy, trò củng cố kiến thức một cách vững chắc mà còn góp phần phát triển kinh tế tại địa phương.
Không chỉ có cách dạy và học hay, Trường Bắc Lý còn sáng tạo ra phương pháp độc đáo để duy trì nề nếp học tập. Do là vùng thuần nông thôn, học sinh ngoài giờ đến trường còn phải giúp đỡ gia đình, nên nhiều em không có thời gian học bài. Vì vậy, nhà trường đã ký kết với hợp tác xã, giao cho các đội sản xuất cùng gia đình bố trí chỗ học, lên thời gian biểu học tập vào buổi tối cho con em.
Đến giờ học, đội trưởng sản xuất đánh trống, sau đó giáo viên cùng cán bộ xã đi kiểm tra đột xuất. Những gia đình có góc học tập đúng quy định, con học đúng giờ, kết quả học tập tốt, được cộng công điểm, có thưởng, ngược lại bị trừ thi đua và bị phạt.
Bên cạnh đó, trường cũng tổ chức nhiều phong trào thi đua xây dựng trường sở "biến không thành có,” "biến thiếu thành đủ;” các phong trào rèn luyện tư tưởng, đạo đức, tác phong, giữ gìn vệ sinh và rèn luyện thân thể… dần dần đi vào chiều sâu.
Với phương châm giáo dục: học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn và nhà trường gắn liền với xã hội, Trường cấp II Bắc Lý đã trở thành điểm sáng của ngành giáo dục và được chọn làm điểm để nghiên cứu về cách dạy và học.
Phát động phong trào thi đua “Hai tốt”
Cũng chính từ mô hình dạy và học của Trường cấp II Bắc Lý, tháng 7/1961, trong bài đăng trên báo Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biểu dương “Thành tích vẻ vang” của ngành giáo dục và phát động phong trào thi đua “Hai tốt” (Dạy tốt-Học tốt) trong toàn ngành giáo dục.
Thực hiện lời dạy của Bác, ngày 18/10/1961, ngành giáo dục tổ chức hội nghị tổng kết kinh nghiệm giáo dục tại thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Hội nghị đã nhất trí công nhận Trường cấp II Bắc Lý là lá cờ đầu của toàn ngành giáo dục và phát động phong trào thi đua “Hai tốt,” với khẩu hiệu: “Tích cực thi đua dạy tốt, học tốt. Học tập và làm theo Bắc Lý.”
Trong buổi nói chuyện tại Hội nghị Tổng kết phong trào thi đua "Dạy tốt-Học tốt" của ngành giáo dục phổ thông và sư phạm tháng 8/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu "… Cần phát triển kiểu dạy, kiểu học của Trường Bắc Lý và các trường thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa. Cần nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng nhà trường, thực hiện tốt phương châm nhà trường gắn chặt với xã hội, học đi đôi với hành…." (Theo Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật Hà Nội-2011, tập 14, trang 746)
Kể từ đó, phương pháp dạy và học không ngừng được đổi mới, gắn với thực tiễn cuộc sống của Trường Bắc Lý được nhân rộng ra nhiều địa phương khác, được các trường khắp cả nước học hỏi kinh nghiệm. Sau hai năm phát động phong trào thi đua “Hai tốt,” phong trào thi đua yêu nước của ngành giáo dục đã có thêm nhiều điển hình tiên tiến mới, như các trường: cấp I Hải Nhân (Thanh Hóa), cấp III Chu Văn An và cấp III Đống Đa (Hà Nội), cấp III Ngô Sỹ Liên (Hà Bắc), cấp II Tán Thuật (Thái Bình)...
Đặc biệt, phong trào thi đua “Hai tốt” từ “tiếng trống Bắc Lý” đã tạo ra động lực nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, khởi nguồn của hình thức xã hội hóa giáo dục, lôi cuốn địa phương, gia đình phối hợp chặt chẽ với nhà trường xây dựng cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho con em học tập tốt ở nhà và ở trường.
Với những nỗ lực không ngừng, năm 1962, Trường cấp II Bắc Lý được Bộ Giáo dục công nhận là Đơn vị Lá cờ đầu. Nhà trường còn nhận nhiều phần thưởng cao quý như hai lần được tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương Độc lập hạng Ba và nhiều năm liên tiếp nhận bằng khen của Chính phủ.
Đây cũng là ngôi trường mà rất nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đã từng đến thăm. Những truyền thống được lưu giữ qua nhiều thập kỷ là hành trang để các thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh Trường Trung học Cơ sở Bắc Lý ngày nay tiếp tục phát huy, nối dài hơn nữa thành tích dạy và học.
Trải qua nhiều thập kỷ, phong trào thi đua “Hai tốt” từ “tiếng trống Bắc Lý” ngày càng được triển khai sâu rộng trong toàn ngành giáo dục, với nhiều nội dung đổi mới, sáng tạo trong dạy và học.
Mỗi giáo viên là một bông hoa dạy tốt, mỗi học sinh là một bông hoa học tốt. Đến nay, 100% các trường học trong cả nước đã triển khai phong trào này với những nội dung hoạt động phong phú, sôi nổi và hiệu quả, đồng thời gắn với điều kiện thực tế ở từng nhà trường.
Từ phong trào “Hai tốt,” nhiều điển hình tiên tiến trong giáo viên và học sinh đã xuất hiện, góp phần không nhỏ vào thành tích của toàn ngành./.