Khi tín dụng chính sách không còn là 'vốn mồi'… (Bài 1)

TIN LIÊN QUAN

Khi tín dụng chính sách không còn là "vốn mồi"… (Bài 3)
Khi tín dụng chính sách không còn là "vốn mồi"… (Bài 2)

Các chương trình tín dụng chính sách (TDCS) của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã khẳng định tính ưu việt của một hình thức đầu tư xóa đói giảm nghèo. Xưa nay, TDCS luôn được xem là “vốn mồi”, là “đòn bẩy”, “vốn góp”… cho quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh của các hộ vay. Nhưng, ở Lâm Ðồng, có những nơi, nguồn vốn TDCS đã khẳng định được tính chủ lực, giúp người dân vượt qua nghèo khó một cách căn cơ, bền vững…

Ðạ Ploa - hương vị mới ở vùng đất

từng đặc biệt khó khăn

Chúng tôi đến xã Ðạ Ploa (huyện Ðạ Huoai) ngay sau cơn bão số 2 vừa tan mà ảnh hưởng của hoàn lưu bão gây mưa to, gió lớn khắp Lâm Ðồng, khiến cây trồng bị ngã đổ khá nhiều. Ðạ Huoai có phần may hơn các huyện, thành khác, vì mùa sầu riêng lúc ấy gần như thu hoạch xong. Tàn dư của bão chỉ là những hạt mưa lất phất và đất cỏ còn ướt đẫm; nhưng đâu đó vẫn thoang thoảng đưa hương sầu riêng thật ngọt ngào và quyến rũ.

Chia sẻ niềm vui được mùa! Ảnh: L.Hoa

Ông Trần Thanh Tuyến - Chủ tịch UBND xã Đạ Ploa đưa chúng tôi đi thăm Thôn 2 bằng chiếc xe Toyota đỏ rực vừa sắm được, lướt êm trên những con đường trải nhựa hoàn toàn. Ông kể, nhà có đất nhưng không có người làm, nên vừa rồi bán bớt để lo cho con học đại học và mua được chiếc xe này. Những năm trước, cũng như nhiều nông dân khác ở Đạ Huoai, người dân ở Đạ Ploa trồng cây điều là chủ yếu. Dần dần, điều già cỗi, sâu bệnh, thiên tai… vì thế mà thu nhập của bà con bấp bênh, thiếu thốn.

Cho đến 5-7 năm trở lại đây, từ khi Đạ Ploa chuyển đổi cây điều kém năng suất sang sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, mít, bưởi,… thành công, giúp người dân Đạ Ploa nhanh chóng thoát nghèo, không còn là xã đặc biệt khó khăn và đang ở tâm thế vươn tới một mức sống mới - tiện nghi và hiện đại. Đặc biệt là sầu riêng với khoảng hơn 300 ha/2.230 ha đất sản xuất nông nghiệp (gần 200 ha đang thu hoạch).

Ông Lê Tấn Mẫm - nguyên là cán bộ Hội Nông dân từ ngày đầu giải phóng - nay đã hơn 80 tuổi, nhưng vẫn tích cực tham gia hoạt động TDCS của Hội Cựu chiến binh chính là người mang cây sầu riêng về Đạ Ploa và chứng kiến những đổi thay của xã có tới 70% hộ nghèo. Ông kể lại câu chuyện chuyển đổi cây trồng ở Đạ Ploa hào hứng như tinh thần của người lính chiến năm nào xông pha trên mặt trận sản xuất. Và như hưởng ứng lời ông Mẫm, chúng tôi thấy dường như cả Thôn 2 đang rộn rã vào vụ thu hoạch măng cụt, chôm chôm.

Ông Lê Văn Sái - hộ thoát nghèo ở Thôn 2, xã Đạ Ploa, đang còn dư nợ 30 triệu đồng vốn sản xuất kinh doanh (SXKD) và 12 triệu đồng chương trình hỗ trợ nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn (VSMTNT), có 1,4 ha sầu riêng (200 cây) và trồng xen măng cụt, đã thoát nghèo từ năm 2016. Sau vài lần vay vốn, ông đang dùng nguồn vốn vay mới để đầu tư ống tưới tự động… Cũng như ông Sái, ông Nguyễn Hữu Tâm và ông Danh Thái Bình, đều ở Thôn 2, sử dụng vốn vay của 2 chương trình SXKD và VSMTNT đầu tư cho vườn cây ăn trái chuyển đổi từ vườn điều. Trong đó, ông Danh Thái Bình có hơn 2 ha sầu riêng, ổi, mít (với 300 cây sầu riêng Thái sắp thu). Còn ông Nguyễn Hữu Tâm năm nay đã thu khoảng 70 triệu đồng tiền sầu riêng, trên diện tích 1 ha trồng xen măng cụt, đang chuẩn bị trồng dặm thêm 70 cây.

Ông Nguyễn Văn Đấu - nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đạ Ploa, hiện là Bí thư Chi bộ Thôn 2, cho biết: Thôn 2 có tổng diện tích 229 ha; trong đó, điều còn 142 ha (21 ha điều ghép), 70,6 ha sầu riêng ghép, 40,6 ha sầu riêng hạt lép (30 ha đang cho thu hoạch, sản lượng 14-15 tấn/ha); ngoài ra, còn có chôm chôm, măng cụt và bưởi… Người dân Thôn 2 thuộc 5 dân tộc là Kinh, Châu Mạ, K’Ho, Cill, Kh’me có thu nhập bình quân đầu người đạt 39,5 triệu đồng. Hiện Thôn 2 chỉ còn 2/121 hộ nghèo (tỷ lệ 1,65%), nhưng đã có 1 hộ nhận thoát nghèo nhờ vụ sầu riêng năm nay.

Theo ông Đấu, thu nhập của người dân Thôn 2 tăng chính là nhờ chuyển đổi cây điều sang cây trồng khác, mà nguồn lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi chính là nguồn vốn của NHCSXH.

Đạ Ploa đã góp phần vào thành công của hoạt động TDCS ở huyện Đạ Huoai - huyện hiện đang duy trì tỷ lệ nợ quá hạn 0,13% tổng dư nợ; đồng thời, các chỉ tiêu khác rất tốt, đó là: Tỷ lệ Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) đạt loại tốt và khá là 99,33%, chỉ còn 1 tổ trung bình và không có tổ yếu; tỷ lệ xã được xếp loại tốt trên 70%, tỷ lệ thu nợ đến hạn đạt từ 90% trở lên... Tổng nguồn vốn TDCS của NHCSXH huyện Đạ Huoai đến 30/6/2019 là 198.019 triệu đồng, tăng trưởng 3,8% so với đầu năm, trong đó, vốn huy động đạt 26.121 triệu đồng, đạt 93% kế hoạch. Tổng dư nợ 13 chương trình TDCS đạt 197.511 triệu đồng/4.913 hộ vay/149 Tổ TK&VV, với 74,1% dư nợ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Không riêng gì Thôn 2, cả xã Đạ Ploa, cứ 10 hộ dân thì có 8 hộ là thành viên Tổ TK&VV. Ông Trần Thanh Tuyến khẳng định: Quá trình giảm nghèo, chuyển đổi cây trồng và xây dựng nông thôn mới của Đạ Ploa có vai trò quan trọng của NHCSXH. Đạ Ploa có 941 hộ, trên 50% dân là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng có đến 1.062 lượt hộ đang vay vốn TDCS với dư nợ 30.528 triệu đồng và không có nợ quá hạn. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, toàn xã có 144 lượt hộ vay mới, với số tiền 4.923 triệu đồng. Toàn xã còn 24 hộ nghèo (chiếm 2,55%); 91,19% dân số trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên; cơ sở vật chất, điện, đường, trường, trạm cơ bản khang trang, sạch sẽ… Đạ Ploa đang phấn đấu hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới và nâng mức thu nhập bình quân lên 38 triệu đồng/người/năm ngay trong năm nay.

Bài 2: Ninh Loan - nơi không ai chỉ sống với một nghề

LÊ HOA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201908/khi-tin-dung-chinh-sach-khong-con-la-von-moi-bai-1-2959595/