Khi tin giả tràn lan, công luận chờ đợi.... thông tin chính thống

'Sự thật kịp thời, hấp dẫn được các cơ quan báo chí thông tin nhằm làm chủ mặt trận văn hóa, tư trưởng', PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa khẳng định..

"Trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, thông tin luôn giữ vị trí quan trọng, là cơ hội, nguồn lực để phát triển. Nhiều năm qua, báo chí luôn thể hiện được vai trò của mình trong phản ánh hiện thực, là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội", PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; nguyên Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân khẳng định khi trao đổi về chủ đề 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024).

 PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Báo chí không chỉ phản ánh mà còn có tính phát hiện

PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, việc thực hiện khoán trong nông nghiệp trước đây hay công cuộc đổi mới đất nước, rồi đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực sau này… báo chí luôn giữ vai trò quan trọng.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới… những thông tin về thị trường, quản lý, điều hành kinh tế từ báo chí đã góp phần tích cực, giúp các nhà quản lý thêm thông tin tham khảo đa chiều, điều hành sát sao và linh hoạt với thực tiễn luôn biến động. Đồng thời giúp ổn định tâm lý xã hội, để người dân hiểu, tránh những xáo trộn không cần thiết…

 "Chúng ta lo ngại về thông tin xấu độc, sai lệch ở trên mạng, nhưng đây chính là cơ hội cạnh tranh của báo chí", PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa.

"Chúng ta lo ngại về thông tin xấu độc, sai lệch ở trên mạng, nhưng đây chính là cơ hội cạnh tranh của báo chí", PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa.

Một chức năng không kém phần quan trọng của báo chí, đó là tính phát hiện, khả năng dự báo. Trong lịch sử phát triển của báo chí, những giai đoạn bước ngoặt, các vấn đề lớn đều có sự dự báo, cảnh báo từ báo chí.

Những vấn đề do báo chí phát hiện có ý nghĩa rất lớn, làm nên uy tín của báo chí trong xã hội. Đây là vấn đề đáng suy nghĩ, kể cả trong hoạt động tác nghiệp cùa nhà báo cũng như trong quản lý, chỉ đạo báo chí.

PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa cho hay, giá trị cốt lõi của báo chí là tìm kiếm sự thật, nói lên sự thật. Đây cũng chính là thế mạnh, lợi thế của báo chí trong cuộc cạnh tranh với mạng xã hội.

“Nếu thông tin trên mạng vừa nhanh, vừa hấp dẫn, lại vừa đúng thì báo chí làm sao cạnh tranh được? Chúng ta lo ngại về thông tin xấu độc, sai lệch ở trên mạng, nhưng đây chính là cơ hội cạnh tranh của báo chí. Khi tin giả đưa rất nhiều trên mạng, người ta chờ đợi sự thật từ báo chí”, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa cho hay.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, để làm được điều đó, báo chí phải “xung trận” vào những vấn đề nóng bỏng, bức thiết của đời sống mà dư luận quan tâm. Rất đáng ngại nếu mạng xã hội có những chuyện nói rất sai lệch, đưa những thông tin nhiễu loạn, cần tới báo chí lên tiếng mà báo chí lại im lặng, né tránh, giữ “an toàn”, “mũ ni che tai”.

“Báo chí phải có công chúng. Mà muốn có công chúng thì báo chí phải nói sự thật một cách nhanh, chính xác, kịp thời, tin cậy. Và điều đặc biệt, khi có công chúng thì sẽ có sự chi trả, bởi nhu cầu được biết của công chúng luôn rất cao. Đây sẽ là nguồn tài chính bền vững của báo chí”, ông Nghĩa nói.

Tháo gỡ chính sách để báo chí làm tốt truyền thông chính sách

Nguyên Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân nêu quan điểm, để báo chí thực hiện được những chức năng của mình, cần phải gỡ “vướng” nhiều thứ. Trong đó, kinh tế báo chí, cơ chế đặt hàng, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá… là những vấn đề còn tồn tại nhiều bất cập.

" Chúng ta luôn khẳng định, báo chí là món ăn tinh thần. Đã là món ăn thì phải ngon. Thực phẩm tuy bổ dưỡng nhưng khó nuốt, khô khan, thậm chí đắng ngắt thì nó là thuốc chữa bệnh mất rồi…”, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa.

" Chúng ta luôn khẳng định, báo chí là món ăn tinh thần. Đã là món ăn thì phải ngon. Thực phẩm tuy bổ dưỡng nhưng khó nuốt, khô khan, thậm chí đắng ngắt thì nó là thuốc chữa bệnh mất rồi…”, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa.

Hiện nay, chúng ta đã có các thông tư của Bộ Thông tin và Truyền thông cho từng loại hình báo chí, nhưng nhiều thể loại vẫn chưa được đưa vào quy định để chi trả nhuận bút, đặc biệt là các thể loại báo chí hiện đại.

Định mức thấp cũng là một vấn đề, ông Nghĩa nhận được nhiều phản ánh, nhất là từ các đài truyền hình địa phương. Chính sách về thuế, như thuế giá trị gia tăng, thuế doanh nghiệp áp với báo chí… cũng cần được xem xét. Bởi chức năng của báo chí là thông tin. Sửa Luật Thuế không đơn giản, nhưng vẫn cần phải làm, càng sớm càng tốt, vì đến thời điểm này cũng đã là quá chậm.

Có quan niệm cho rằng, chỉ cần đưa thông tin lên là định hướng được dư luận. Điều đó hoàn toàn không đúng, bởi vấn đề là đưa thế nào. Truyền thông chính sách chỉ có hiệu quả khi nó được đặt trong tổng thể của một nền truyền thông hoặc trên tổng thể các phương tiện truyền thông hấp dẫn công chúng, có người đọc, người nghe, người xem.

Cách đây 3/4 thế kỷ, trong Thư gửi lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng ở chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo”…

Chúng ta vẫn luôn khẳng định, báo chí là món ăn tinh thần không thể thiếu của xã hội. Đã là món ăn thì phải bổ, phải bảo đảm an toàn thực phẩm, nhưng đồng thời cũng phải ngon miệng.

“Nếu thực phẩm tuy bổ dưỡng nhưng khó nuốt, khô khan, thậm chí đắng ngắt thì nó là thuốc chữa bệnh mất rồi…”, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa phân tích và khẳng định thêm rằng, để làm được truyền thông chính sách, thì báo chí phải có người đọc.

Những tờ báo được công chúng yêu thích, đón nhận sẽ là tờ báo làm truyền thông chính sách tốt nhất. Thực tế nhiều cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và đã sống được bằng công chúng của mình”, ông Nghĩa nói.

Mai Loan

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/khi-tin-gia-tran-lan-cong-luan-cho-doi-thong-tin-chinh-thong-2003232.html