Khi trái tim luôn hướng về nhau

Trên sườn đồi vàng rực rỡ những chùm hoa dã quỳ bung nở, Thiếu tá Ngô Đình Tính, Phó chủ nhiệm Hậu cần-Kỹ thuật Lữ đoàn Pháo binh 40 (Quân đoàn 34) cùng đi dạo bên người bạn đời của mình là chị Nguyễn Thị Thắm, giáo viên dạy trẻ khuyết tật tại TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum). Cả hai cùng thưởng thức vẻ đẹp của hương đồng, gió nội và tận hưởng những giây phút hạnh phúc bình dị bên nhau.

Năm 2015, sau khi tốt nghiệp Khoa Tâm lý giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục), chị Thắm trở về quê nhà Thanh Hóa, xin vào làm việc tại một trung tâm kỹ năng mềm. Một buổi tối, trên Facebook có lời mời kết bạn từ một chàng trai mặc quân phục, chị Thắm lướt qua nhưng không mấy ấn tượng nên không trả lời tin nhắn.

Là người nhanh nhẹn, hoạt bát, chị Thắm tranh thủ thời gian bán hàng online. Một buổi tối đang bán hàng, bỗng có một nickname quen quen vào bình luận với nội dung cố ý trêu đùa khiến chị bực mình, bấm điện thoại gọi video call cho chủ nhân để trực tiếp "chấn chỉnh". Thế nhưng khi nhìn thấy khung hình bên kia là chàng trai có khuôn mặt khôi ngô, kèm theo nụ cười hiền, thế là bao nhiêu ngôn từ định nói ra lại ngượng ngùng, không nói thành lời. Sau cuộc gọi ấy, cả hai thường xuyên nhắn tin chuyện trò qua lại. Lần anh về nghỉ phép cuối năm đó, cả hai đã có buổi hẹn hò đầu tiên sau 5 tháng “yêu qua điện thoại”.

Tổ ấm hạnh phúc của vợ chồng anh Ngô Đình Tính và chị Nguyễn Thị Thắm. Ảnh do nhân vật cung cấp

Tổ ấm hạnh phúc của vợ chồng anh Ngô Đình Tính và chị Nguyễn Thị Thắm. Ảnh do nhân vật cung cấp

Anh và chị tuy cùng quê Thanh Hóa, nhưng anh công tác ở Đắk Lắk, cách nhau 1.200km nên ít có dịp gặp gỡ. Nhắc đến đây, chị nhẩm tính: “3 năm quen biết, yêu nhau (tính cả lần gặp đầu tiên và ngày cưới), chúng tôi gặp mặt đúng 5 lần. Chẳng có đi chơi, tặng quà, chỉ có chiếc điện thoại làm “ông tơ bà nguyệt”.

Sau đám cưới, anh trở về đơn vị công tác, còn chị ở lại quê nhà làm tròn vai dâu hiền, vợ thảo. Năm 2019, chị sinh con trai Ngô Minh Tiến trong niềm vui chào đón của hai bên nội, ngoại. Anh bận công tác không về được, mãi đến khi con được 15 tháng tuổi, chị bàn với anh để mẹ con chị vào Kon Tum lập nghiệp để gia đình có cơ hội gần nhau.

Vợ con vào Kon Tum, anh được đơn vị tạo điều kiện cho mượn nhà công vụ. Gọi là gần chồng hơn trước, chứ đơn vị anh công tác cách chỗ mẹ con chị ở 120km. Sống nơi đất khách quê người, không có ai thân thiết, thỉnh thoảng anh chỉ được về thăm vợ con dịp cuối tuần, trong khi đó, công việc chị chưa ổn định. Năm 2021, chị sinh cháu gái thứ hai Ngô Đan Thanh. Một mình xoay xở với hai con nhỏ, kinh tế gia đình chỉ trông vào đồng lương của anh khiến chị luôn phải cân nhắc, tính toán chi tiêu sao cho thật hợp lý. Nhớ lại khoảng thời gian khó khăn đó, chị bảo: “Vào trong này, vợ chồng đều xa quê, không có nội, ngoại đỡ đần, mọi chuyện trong gia đình một mình tôi gánh vác...”. Có những đêm, cả hai con ốm, cùng khóc, đòi mẹ bế khiến chị vừa thương con, vừa tủi thân. Nhưng nhớ đến những lời dặn dò, động viên của anh mỗi khi gọi điện thoại về nhà là chị thấy mạnh mẽ và thêm động lực để cố gắng. Khi con gái thứ hai được 7 tháng tuổi, anh Tính ra Hà Nội học, chị lại đưa các con về quê, đợi anh học xong, cả gia đình lại bồng bế nhau vào Kon Tum.

Lúc này, các con đã lớn và đi học, chị mở lớp học tại nhà dạy trẻ khuyết tật, vừa đúng chuyên ngành học, đồng thời cũng là được trở lại với công việc mình yêu thích. Ngoài thời gian rảnh, tận dụng mảnh đất phía trước căn nhà công vụ, chị Thắm còn tăng gia sản xuất, trồng rau sạch để tăng dinh dưỡng cho bữa ăn gia đình, vừa để vơi bớt nỗi nhớ chồng.

Vất vả là vậy, nhưng lúc nào chị cũng giữ tinh thần lạc quan, chị tâm sự, khi chấp nhận yêu và làm vợ bộ đội là đã xác định những khó khăn, vất vả bản thân sẽ phải trải qua. Chỉ có điều, mỗi người đón nhận và giải quyết những khó khăn đó như thế nào. Với anh chị, hạnh phúc là khi trái tim luôn hướng về nhau và cùng nhìn về một hướng.

TRẦN THANH HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/khi-trai-tim-luon-huong-ve-nhau-809926