Khi trẻ bị sốt cao bất thường: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Phần lớn nguyên nhân khiến trẻ bị sốt là do nhiễm virus, vì vậy trẻ sẽ tự hết sốt và trở lại bình thường sau vài ngày. Tuy nhiên cha mẹ không nên chủ quan, có những biểu hiện cần phải đưa con đến bệnh viện ngay.
1. Trẻ bị sốt thế nào?
Sốt là một triệu chứng thường gặp ở trẻ em. Bình thường, nhiệt độ cơ thể của trẻ sẽ dao động trong khoảng từ 36.5 – 37.5 độ C. Khi trẻ bị sốt, nhiệt độ cơ thể của trẻ sẽ tăng lên trên 38 độ C. Sốt không phải là một bệnh xuất hiện đơn lẻ mà là một phần phản ứng tự nhiên của cơ thể khi bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn.
Trên thực tế, trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh bị sốt là tình trạng rất thường gặp, tuy nhiên, không phải tất cả sốt là nguy hiểm, là bệnh nặng, đôi khi đó là cách cơ thể chống lại sự nhiễm trùng.
Trẻ bị sốt nếu không được chăm sóc tốt thì có thể dẫn đến co giật và biến chứng viêm não, viêm màng não... Chính vì thế, các bậc phụ huynh cần phải biết làm gì khi trẻ bị sốt và có cách chăm sóc trẻ bị sốt đúng nhất.
2. Nguyên nhân khiến trẻ bị sốt?
Sốt do mặc quá ấm: Phụ huynh thường mặc cho con nhiều lớp quần áo vì nghĩ con rét, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Thói quen này dễ khiến bé bị sốt do cơ thể trẻ sơ sinh chưa có khả năng điều nhiệt hoàn thiện.
– Sốt do tiêm chủng: Sau khi trẻ tiêm phòng các bệnh như uốn ván, sởi, ho gà,… thường có dấu hiệu bị sốt.
– Sốt do mọc răng: Khi sắp mọc răng, con sẽ khóc nhiều, biếng ăn kèm theo sốt nhẹ trong khoảng thời gian ngắn. Sau khi mọc răng mới trẻ cũng thường bị sốt.
– Sốt do cảm nắng: Thời tiết nóng nực là một trong những nguyên nhân phổ biến gây sốt ở trẻ nhỏ và người lớn.
– Sốt do cảm cúm: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất. Bé sẽ đi kèm các biểu hiện như ho, sổ mũi, nghẹt mũi, đau họng kèm với sốt trong 2-3 ngày.
– Sốt do viêm tai: Bé sốt cao kèm theo dấu hiện như biếng ăn, đau tai, chảy mủ, nghe không rõ. Những bé chưa nói được sẽ có các biểu hiện rõ rệt: kéo tai, ngoáy tay vào tai.
– Sốt xuất huyết: Trẻ có các dấu hiệu sốt xuất huyết như: các chấm xuất huyết ở da, chảy máu mũi, máu chân. Trẻ bị sốt cao trong 3 ngày; nặng hơn bé sẽ đi ngoài ra phân đen, đau bụng, chân tay lạnh, cơ thể mệt mỏi.
– Sốt do sởi: Hiện tượng sốt cao đi kèm các dấu hiệu khác như sổ mũi, ho nhiều, mắt đỏ. Từ ngày thứ tư, da bé xuất hiện vết ban sởi, đặc biệt ở mặt.
– Sốt do viêm phổi: Con thường sốt cao, thở khò khè, ho, nôn, bỏ ăn bỏ bú. Nếu nặng hơn, môi và chân bé sẽ tím tái lại
– Sốt phát ban: Sốt đi kèm với phát ban khắp cơ thể, bé sẽ khỏi sau 3-7 ngày.
– Sốt do viêm màng não: Dấu hiệu sốt viêm màng não mủ thường đi kèm cổ cứng, thóp phồng, nôn mửa, mệt mỏi, con ngủ li bì và nhạy cảm với ánh nắng.
– Sốt do nhiễm trùng máu: Con sốt cao liên tục, nhiễm trùng, nôn mửa, thở nhanh, bỏ ăn, có thể phát ban...
3. Khi trẻ bị sốt, cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện nếu thấy những biểu hiệu sau:
- Trẻ dưới 2 tháng tuổi bị sốt trên 38 độ C, trẻ lừ đừ, ngủ li bì hoặc khó đánh thức trẻ.
- Trẻ từ 2-4 tháng tuổi (trừ khi sốt xảy ra trong vòng 48 giờ sau khi tiêm phòng và trẻ không có triệu chứng nặng nào khác).
- Sốt trên 40 độ C ( nhất là đối với trẻ dưới 3 tuổi).
- Trẻ đau khi đi tiểu.
- Sốt kéo dài trên 24 giờ mà không có nguyên nhân rõ ràng.
- Hạ sốt hơn 24 giờ rồi lại sốt tái phát.
- Sốt kéo dài trên 72 giờ do bất kỳ nguyên nhân nào.
4. Cách chăm sóc trẻ bị sốt
+ Kiểm tra, giám sát nhiệt độ
Khi trẻ bị sốt, thân nhiệt của trẻ tăng cao khiến trẻ cảm thấy khó chịu, mệt mỏi. Khi trẻ bị sốt trên 38,5 độ C, mẹ có thể hạ nhiệt cho con bằng cách: Cho bé uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ, thường là acetaminophen hoặc ibuprofen.
Lưu ý, mẹ không dùng aspirin để hạ sốt cho trẻ, nhất là các cơn sốt có liêu quan đến bệnh thủy đậu hoặc các bệnh nhiễm trùng do virus khác. Hơn nữa, trong một số trường hợp, aspirin có thể khiến trẻ bị suy gan. Ngoài ra, mẹ nên tránh dùng ibuprofen khi trẻ bị sốt dưới 3 tháng tuổi hoặc đang có dấu hiệu mất nước.
+ Uống nhiều nước:
Điều này giúp con bổ sung lượng nước bị mất đi do sốt. Nếu bé đang bú mẹ thì mẹ nên tăng cữ bú để tăng sức đề kháng.
+ Mặc quần áo thoáng mát khi trẻ bị sốt:
Mẹ nên cởi bớt quần áo, chăn ấm để cơ thể con hạ bớt nhiệt, giúp hạ sốt hiệu quả.
+ Chườm mát cơ thể trẻ bằng nước ấm:
Pha nước ấm như nước tắm cho bé, sau đó nhúng khăn rồi đặt vào 2 hõm nách và 2 bẹn, 1 khăn lau toàn thân trong vòng 30 – 45 phút. Cha mẹ cần thay khăn nhúng nước ấm liên tục đến khi thân nhiệt bé giảm. Nước ấm bốc hơi làm giãn mạch máu, giúp con hạ sốt một cách nhanh chóng.
+ Bổ sung dinh dưỡng để con tăng sức đề kháng
Khi bị sốt trẻ thường chán ăn. Tuy nhiên cha mẹ vẫn cần cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho con. Điều này sẽ giúp cơ thể trẻ có nhiều năng lượng, tăng sức đề kháng và có thể đẩy lùi cơn sốt một cách nhanh chóng.
Chế độ dinh dưỡng của trẻ khi bị sốt phải đảm bảo có đủ lượng protein cho cơ thể, ít chất béo và cung cấp đủ calo cho các hoạt động của trẻ. Thông thường, trong 2-3 ngày đầu kể từ khi trẻ bắt đầu sốt, mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn dạng mềm, dễ tiêu hóa như súp, cháo, ngũ cốc và bổ sung thêm vitamin cho trẻ thông qua nước ép trái cây hoặc các loại trái cây mềm như chuối, cam, đu đủ,… Đồng thời, các bữa ăn nên được chia nhỏ ra, mỗi bữa cách nhau khoảng 2h và sau đó, tăng dần khoảng cách giữa các bữa lên 4h.
Khi trẻ bị sốt, bố mẹ nên tránh cho trẻ ăn các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo, cay và chứa nhiều chất xơ. Không ép trẻ ăn nếu trẻ không thích vì điều này có thể khiến trẻ cảm thấy sợ hãi, tình trạng biếng ăn trở nên nghiêm trọng hơn.
+ Chú ý quan sát các biểu hiện của trẻ
Điều quan trọng khi chăm sóc trẻ bị sốt là theo dõi các biểu hiện của trẻ, từ đó, có biện pháp y tế hỗ trợ kịp thời. Sốt là một trong những triệu chứng ban đầu của một số bệnh nguy hiểm. Do đó, nếu nhiệt độ cơ thể của trẻ đã được giảm xuống dưới 39 độ C, trẻ uống đủ nước nhưng vẫn cảm thấy mệt mỏi, các biểu hiện sốt khác của trẻ không có dấu hiệu cải thiện, rất có thể trẻ đang gặp một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
+ Cho trẻ nhiều thời gian để nghỉ ngơi
Sốt khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, do đó, trẻ sẽ cần nhiều thời gian để nghỉ ngơi hơn bình thường. Mẹ cần đảm bảo không khí trong phòng thông thoáng và duy trì nhiệt độ phòng của trẻ ở mức phù hợp.
5. Cách phòng tránh sốt ở trẻ em
- Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
- Đảm bảo giấc ngủ cho trẻ.
- Thực hiện chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh.
- Vệ sinh thực phẩm cẩn thận trước khi chế biến và nấu chín kỹ trước khi cho trẻ ăn.
- Tập cho trẻ thói quen rửa tay với xà phòng khử khuẩn trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Dùng giấy che miệng và mũi khi ho và hắt hơi, sau đó vứt chúng vào thùng rác…