Khi Triều Tiên không còn 'miễn nhiễm' Covid-19 sau hai năm phong tỏa biên giới

Trước đại dịch Covid-19 bùng phát, chính phủ Triều Tiên đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn tốc độ lây lan của SARS-CoV-2.

Các quan chức Triều Tiên kiểm tra nguồn cung dược phẩm tại nhà thuốc để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.

Các quan chức Triều Tiên kiểm tra nguồn cung dược phẩm tại nhà thuốc để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.

Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết kể từ cuối tháng 4 đến ngày 17/5 đã ghi nhận 1.715.950 người có triệu chứng sốt, trong đó 691.170 người đang được điều trị, 1.024.720 người đã hồi phục và 62 ca tử vong. Tuy nhiên, không rõ có bao nhiêu trường hợp có triệu chứng sốt do Covid-19.

Trong 24 giờ tính từ ngày 16/5 – 17/5, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Triều Tiên đã ghi nhận 232.880 người có triệu chứng sốt, 205.630 người đã hồi phục và 6 ca tử vong.

Trước sự bùng phát và lây lan mạnh mẽ của đại dịch, Triều Tiên đã nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp phòng dịch quyết liệt.

Theo đó, ngày 12/5, Triều Tiên đã phong tỏa toàn quốc; Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã trực tiếp thị sát hiệu thuốc và văn phòng quản lý để kiểm tra nguồn cung dược phẩm sau khi chỉ trích việc phân phối thuốc chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Đến nay, Triều Tiên tiếp tục cách ly tập trung với những trường hợp có triệu chứng mắc Covid-19; ban hành hướng dẫn điều trị Covid-19 nhằm ngăn chặn tình trạng sử dụng thuốc sai quy định; huy động 3.000 binh sỹ thiết lập một hệ thống hỗ trợ hoạt động 24/24 để mang nhu yếu phẩm và thuốc men đến các nhà thuốc trong thủ đô Bình Nhưỡng nói riêng và các địa phương khác nói chung; hơn 1,4 triệu cán bộ, giáo viên và học sinh trong lĩnh vực y tế cộng đồng và phòng chống dịch sẽ tham gia xét nghiệm, điều trị và nghiên cứu phác đồ điều trị; thành lập 500 nhóm phản ứng nhanh để hỗ trợ phát hiện và giúp đỡ các ca mắc mới.

Tuy nhiên, KCNA cho biết phát biểu trong cuộc họp Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên ngày 18/5, Chủ tịch Kim Jong-un đã chỉ trích “thiếu sót của chính phủ khiến tình hình trở nên phức tạp và khó khăn hơn” trong bối cảnh “thời gian là mạng sống”.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã chỉ trích công tác phòng chống dịch chưa hiệu quả của quan chức nước này. (Nguồn: KCNA)

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã chỉ trích công tác phòng chống dịch chưa hiệu quả của quan chức nước này. (Nguồn: KCNA)

Các chuyên gia nhận định không loại trừ khả năng Bình Nhưỡng sẽ đẩy mạnh công tác phòng dịch Covid-19 chặt chẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Đáng chú ý, ngày 17/5 Báo Rodong Sinmun (Triều Tiên) đã đăng tải bài viết về biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của một số nước khác, trong đó đề cập tới vaccine và thuốc Paxlovid của Pfizer nhưng không nêu đích danh nhà sản xuất Mỹ. Tuy nhiên, tờ báo này khẳng định các biện pháp này có giá thành cao và không thực sự hiệu quả trước biến chủng mới. Do đó, các biện pháp phòng chống, cách ly nghiêm ngặt vẫn rất cần thiết.

Đến nay, Hàn Quốc tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ vaccine, thuốc điều trị và nhân lực giúp Triều Tiên chống dịch; Washington cũng ngỏ ý sẽ cấp vaccine và thuốc điều trị cho Bình Nhưỡng nếu được đề xuất. Phát biểu ngày 13/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết: “Với tư cách là đồng chí, láng giềng và bạn bè, Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ và hỗ trợ đầy đủ cho Triều Tiên trong cuộc chiến chống dịch”.

Ngày 17/5, Yonhap dẫn nguồn tin giấu tên cho biết 3 máy bay của hãng Air Koryo (Triều Tiên) đã tới Thẩm Dương, Liêu Ninh (Trung Quốc) tiếp nhận vật tư y tế. Song Triều Tiên và Trung Quốc chưa xác nhận tin này.

Lưu Huỳnh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khi-trieu-tien-khong-con-mien-nhiem-covid-19-sau-hai-nam-phong-toa-bien-gioi-184075.html