Khi trực giác chỉ là sáo rỗng
Trong một số trường hợp, mỗi người cần phán đoán tình huống dựa trên trực giác. Tuy nhiên, nếu quá phụ thuộc vào cảm tính, chúng ta có thể đối mặt những bất lợi đáng ngờ.
Thực tế, “trực giác” của chúng ta hoạt động với cơ chế khá đơn giản. Linh cảm vốn bắt nguồn từ thói quen hoặc bài học mà ta chứng kiến, nghe được từ người khác.
Trực giác có thể giúp ích khi mọi người còn nhỏ và đang tập làm quen với thế giới. Tuy nhiên, trong xã hội phức tạp và thay đổi nhanh chóng hiện nay, giác quan thứ 6 này dễ khiến chúng ta mắc sai lầm, thậm chí rơi vào nguy hiểm, theo Psychology Today.
Rập khuôn
Thực tế, trực giác của con người thường là tìm kiếm những hình mẫu, kiểu cách lặp lại và đơn giản để đưa ra hướng xử lý vấn đề.
Để hình dung điều này, mọi người hãy xem xét câu đố như sau: Nếu 5 máy làm 5 viên gạch mất 5 phút, vậy 100 máy sản xuất 100 viên gạch mất bao nhiêu phút?
Đây là một trong những câu hỏi thuộc cognitive reflection test, bài kiểm tra về mức độ tin cậy vào trực giác của con người. Kết quả cho thấy một tỷ lệ lớn người tham gia trả lời “100”. Tuy nhiên, đây là câu trả lời sai.
100 máy tạo thành 20 nhóm 5 máy. Mỗi nhóm 5 máy này sẽ làm được 5 viên gạch trong 5 phút. Vì vậy, 100 máy cùng làm sẽ tạo ra được 20x5=100 viên gạch. Tất cả đều hoạt động một lúc nên câu trả lời chính xác phải là 5 phút.
Có thể thấy, đa số mọi người mắc lỗi “100” dựa trên linh cảm theo khuôn mẫu đơn giản là 5-5-5 trong câu hỏi.
Thêm vào đó, kiểu trực giác này còn dễ làm chúng ta rơi vào xấu hổ. Tiêu biểu phải kể đến câu chuyện của phát thanh viên đài MSNBC và thành viên ban biên tập báo New York Times vào năm 2022. Khi đó, doanh nhân Mike Bloomberg là ứng cử viên của đảng Dân chủ cho chức Tổng thống Mỹ. Ông chi một số tiền đáng kể cho quảng cáo để thu hút sự chú ý và ủng hộ nhiều hơn.
Khi đang phát sóng trực tiếp trên đài truyền hình, phát thanh viên MSNBC và biên tập viên New York Times đã đọc một bài đăng trên Twitter có nội dung: “Bloomberg đã chi 500 triệu USD cho quảng cáo trong khi dân số Mỹ là 327 triệu người. Ông ấy có thể đưa mỗi người 1 triệu USD mà vẫn còn dư tiền đấy”.
Cả hai tiếp tục ca ngợi và dùng bài viết này để nói về việc đang có quá nhiều tiền đổ vào chính trị. Song, thực tế, 500 triệu USD chia cho 327 triệu người thì mỗi cá nhân chỉ nhận về 1 USD và 53 xu.
Thúc đẩy thói quen bất lợi
Một vấn đề đáng ngờ khác của trực giác là chỉ hiệu quả nhất khi ở những hoàn cảnh quen thuộc và ổn định. Theo đó, mọi người dễ dàng bỏ qua hay thờ ơ trước những sự kiện hiếm gặp hay khác lạ.
Tuy nhiên, dù ít xảy ra hay chỉ diễn ra một lần, kiểu sự việc bất ngờ này vẫn có thể tiềm ẩn rủi ro và đe dọa đến cuộc sống của chúng ta.
Ví dụ: Khi cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn (subprime mortgage crisis) gây ra cuộc Đại suy thoái năm 2008, tất cả những gì các nhà đầu tư đang làm là “kinh doanh như bình thường”.
Họ đầu tư và làm việc theo linh tính như mọi ngày nhưng không hề hay biết đó có thể là rủi ro chưa từng xảy ra trước đó.
Trực giác phải đi đôi cùng kinh nghiệm thực tiễn
Dù tiềm ẩn rủi ro, tại sao vẫn có nhiều sách vở và chuyên gia ca ngợi trực giác?
Thực tế, việc suy nghĩ để tìm giải pháp đúng đắn không hề dễ dàng. Vì vậy, nhiều người cảm thấy dễ chịu hơn lựa chọn linh cảm của bản thân.
Thêm vào đó, não bộ của chúng ta còn có xu hướng phóng đại lợi ích của trực giác từ vài trường hợp thành công trước đó.
Đặc biệt, mọi người cần hiểu được rằng nhiều người sử dụng trực giác hiệu quả là vì kiến thức và bề dày kinh nghiệm của họ.
Để hiểu rõ hơn, bạn hãy thử đặt mình vào vị trí của một chuyên gia trong lĩnh vực bất kỳ. Khi đó, phán đoán của bạn có thể xem là “trực giác”. Song, bạn cần hiểu rằng loại trực giác này có thể là thành quả học hành và nghiên cứu trước đó của mình.
Cuối cùng, mọi người chỉ nên tin vào “giác quan thứ 6” khi đã là chuyên gia hoặc nắm vững kiến thức thiết yếu. Nếu không, trực giác sẽ chỉ dẫn chúng ta đi đến những quyết định sai lầm.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khi-truc-giac-chi-la-sao-rong-post1418061.html