Khi trưởng thôn chưa phải là đảng viên: Khó khăn, hạn chế trong công tác điều hành

Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là những người gần dân, sát dân, là cánh tay nối dài của các cấp ủy đảng, chính quyền. Tuy nhiên, hiện nay một số trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố chưa là đảng viên nên gặp khó khăn trong việc tiếp thu, triển khai thực hiện chủ trương, nghị quyết của cấp trên tại các khu dân cư, cũng như hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Đồng chí Nguyễn Tài Quý (người đứng bên trái), trưởng thôn 8, xã Cán Khê (Như Thanh) tuy chưa phải là đảng viên nhưng luôn nhiệt tình, năng nổ trong công việc. Ảnh: Lê Quốc

Từ những bất cập...

Thực tế cho thấy, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên sẽ có điều kiện trực tiếp cùng chi ủy, chi bộ bàn bạc, xây dựng nghị quyết sát với thực tiễn hơn và khi nắm chắc nghị quyết của chi bộ, chủ trương chỉ đạo của cấp ủy cấp trên thì việc triển khai thực hiện chủ trương của Đảng sẽ được thuận lợi hơn; đồng thời sẽ phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu của đảng viên trong công việc, lối sống.

Ngược lại, khi trưởng thôn chưa phải là đảng viên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo sẽ gặp nhiều khó khăn. Các chủ trương, nghị quyết của chi bộ đều do bí thư chi bộ truyền đạt lại để trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố tiếp thu, triển khai thực hiện. Trong khi đó, việc thực hiện có đầy đủ, nghiêm túc hay không lại tùy thuộc vào cá nhân trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.

Gần 22 năm làm Trưởng khu phố Trùng, thị trấn Lang Chánh, ông Vi Chí Hoàng thuộc như lòng bàn tay hoàn cảnh của gần 200 hộ trong khu phố. Ông Hoàng thường xuyên đến từng nhà vận động, tuyên truyền bà con chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thi đua lao động sản xuất. Để người dân thi đua phát triển kinh tế, trưởng khu phố Vi Chí Hoàng phối hợp với hội nông dân thị trấn tổ chức cho các hội viên đi tham quan, học hỏi các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả tại các vùng lân cận. Nhờ sự năng động, nhạy bén của người đứng đầu khu phố; sự cần cù, chịu khó của người dân, ở khu phố xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả; đời sống người dân ngày càng nâng cao; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ gia đình văn hóa hàng năm đạt trên 70%. Phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao được quan tâm, phát triển mạnh mẽ.

Có uy tín, được người dân yêu mến, nhưng hiện, ông Hoàng vẫn chưa phải là đảng viên. Ông Hoàng chia sẻ: Khi chưa là đảng viên, không được tham dự các buổi sinh hoạt chi bộ, không trực tiếp truyền tải những ý kiến, nguyện vọng chính đáng của người dân đến chi ủy; bởi vậy, có lúc việc triển khai nghị quyết của cấp ủy đến người dân chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, để nắm bắt được những nghị quyết, chỉ thị mới của cấp ủy cấp trên, tôi thường xuyên phải tự tìm hiểu qua sách báo; đôi lúc việc cập nhật chưa đầy đủ.

Ông Hoàng Văn Bình, Trưởng khu phố Trung Thắng, thị trấn Hậu Lộc tham gia công tác phong trào tại khu phố từ năm 2010, từng đảm nhiệm nhiều công việc như: Phó chi hội trưởng chi hội nông dân... Trên 10 năm tham gia công tác tại khu phố, ông hiểu rõ hoàn cảnh của từng hộ dân. Ông tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Có uy tín, được Nhân dân tín nhiệm, đến đầu năm 2015, ông được bầu giữ chức trưởng khu phố; nhưng đến nay ông vẫn chưa là đảng viên. Ông Bình chia sẻ: “Tôi không được tham gia đầy đủ các cuộc họp quán triệt, triển khai nghị quyết của cấp ủy cấp trên, của chi bộ khu phố nên không kịp thời cập nhật chủ trương mới, nghị quyết mới của Ðảng; đều phải chờ đồng chí bí thư chi bộ khu phố quán triệt, sau đó tôi mới tổ chức họp dân để vận động, tuyên truyền, triển khai trong khu phố, dẫn đến có lúc chưa kịp thời, hiệu quả như mong muốn...”.

... đến việc thiếu nguồn

trưởng thôn

Mặc dù trưởng thôn chưa phải là đảng viên sẽ khó khăn trong công tác điều hành, lãnh đạo, triển khai chỉ thị, nghị quyết của Đảng đến với người dân, song hiện nay, số trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố chưa phải là đảng viên còn chiếm tỷ lệ cao tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Xã Cán Khê (Như Thanh) có 5 trưởng thôn chưa phải là đảng viên. Trong đó, 1/2 số trưởng thôn có độ tuổi trên 50, người trẻ nhất cũng 35 tuổi. Hầu hết trưởng thôn trên đều được bầu nhiệm kỳ 2020-2022. Đảng bộ cũng rất quan tâm đến việc bồi dưỡng đội ngũ trưởng thôn để kết nạp vào Đảng. Tuy nhiên, đa số trưởng thôn trên 50 tuổi không “mặn mà” với việc vào Đảng cho rằng mình đã nhiều tuổi; một số trưởng thôn dưới 50 tuổi lại ngại vào Đảng vì “sợ” gánh trách nhiệm. Ông Hà Ngọc Tiến, Bí thư Chi bộ thôn 8, xã Cán Khê, cho biết: Chi bộ thôn 8 có 23 đảng viên, song hiện nay nguồn kết nạp rất khó khăn. Đa số thanh niên của thôn học xong THPT hoặc các trường chuyên nghiệp đều đi làm... Một số người hoạt động không chuyên trách của thôn là những người nhiệt tình với công việc, được bà con tin tưởng nhưng khi chi bộ vận động, giới thiệu vào Đảng thì không nhận.

Hiện nay, trên địa bàn xã Thành Thọ (Thạch Thành), còn một trưởng thôn chưa phải là đảng viên. Đồng chí Bùi Văn Sáu, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thành Thọ, cho biết: Đội ngũ trưởng thôn khi vào Đảng, đặc biệt là được tham gia cấp ủy có thêm điều kiện phát huy vai trò trong thực tiễn. Trực tiếp triển khai nhiệm vụ ở địa bàn dân cư, nên họ nắm bắt được nhiều vấn đề cụ thể, góp ý kiến sát với nguyện vọng của quần chúng và các cán bộ, đảng viên, giảm được khâu thông báo, truyền đạt tinh thần nghị quyết đến ban lãnh đạo thôn. Tuy nhiên, công tác phát triển Đảng tại địa phương còn những hạn chế. Cụ thể như tại chi bộ thôn Thọ Trường chỉ có 12 đảng viên, hiện công tác phát triển Đảng của chi bộ gặp khó khăn do thiếu nguồn. Tuổi trung bình của đảng viên trong chi bộ cũng trên 50 tuổi, đặt ra bài toán cho cấp ủy, chính quyền xã trong việc phát triển đảng đối với trưởng thôn chưa là đảng viên và giới thiệu đảng viên ứng cử trưởng thôn.

Qua tìm hiểu được biết, thực trạng trên có rất nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là do thiếu nguồn cán bộ để làm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố. Hiện nay, các chi bộ ở thôn, tổ dân phố, đảng viên đa số tuổi cao (có chi bộ tuổi đảng viên bình quân trên 60) vì vậy không giới thiệu được đảng viên để Nhân dân bầu làm trưởng thôn. Một số nơi có đảng viên đang trong độ tuổi lao động, chi bộ có giới thiệu nhưng vì uy tín thấp nên Nhân dân không tín nhiệm. Bên cạnh đó đa số các thôn, tổ dân phố hiện nay, thanh niên đến tuổi trưởng thành phần lớn vào đại học và tham gia nghĩa vụ quân sự, sau khi tốt nghiệp đại học ít trở về công tác ở địa phương; số bộ đội xuất ngũ và lực lượng thanh niên không có điều kiện học tập lên cao hầu hết đi làm ăn xa, số ở lại thôn, tổ dân phố chủ yếu là phụ nữ, người cao tuổi và trẻ em. Những thanh niên không thuộc diện nêu trên ở lại thôn, tổ dân phố nhìn chung học vấn thấp, kết hôn sớm, ngại phấn đấu vào Đảng.

Với những quần chúng được Nhân dân bầu làm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, các chi bộ đều quan tâm giáo dục, bồi dưỡng để kết nạp vào Đảng. Tuy nhiên, một số trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố có năng lực, có nguyện vọng phấn đấu vào Đảng nhưng lại vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình hoặc có những vướng mắc về tiêu chuẩn chính trị nội bộ nên không đủ điều kiện kết nạp vào Đảng.

Để khắc phục tình trạng trên, các cấp ủy đảng trong tỉnh đang tập trung rà soát, khắc phục, đồng thời tiến tới thực hiện linh hoạt mô hình bí thư, phó bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.

Lê Quốc

Bài 2: Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-dang/khi-truong-thon-chua-phai-la-dang-vien-nbsp-kho-khan-han-che-trong-cong-tac-dieu-hanh/137390.htm