Khi tu hú kêu

Ông ngoại phe phẩy quạt với chiếc võng. Buổi chiều hè nắng oi ả. Ông trở mình, mồ hôi rịn theo sống lưng. Trên vách, ông treo mấy tấm tranh vẽ chuyện Tam Quốc. Nếu không vì mấy bức vẽ này thì giờ này tôi đã loanh quanh ngoài vườn. Ông ra giá, nếu tôi không lang thang ngoài nắng, ông sẽ kể tiếp chuyện Tào Tháo.

Ảnh do tác giả cung cấp

Ảnh do tác giả cung cấp

Ông ngoại vốn là thầy nho, khi kể chuyện ông luôn luôn có âm lên, âm xuống. Đã bao năm qua, tôi không bao giờ quên được, và nó đã một cách vô thức dẫn dắt cuộc đời tôi.
Chợt tiếng chim tu hú từ vườn cây. Loại chim này không kêu nhiều, “Tu hú! Tu hú!”, cụt ngủn năm mười tiếng, sau đó là hàng loạt các loại chim nhao nhao kêu lên đánh đuổi. Chim tu hú màu đen như quạ, to con hơn chim sáo sậu, với đuôi dài đen nhánh như tà áo của mụ phù thủy. Chim tu hú lúc ẩn, lúc hiện, lúc kêu đầu tây lúc đầu đông.
Ông ngoại nói khi tu hú kêu, là mùa cá chuồn tới, là mùa mít kết trái, bởi vậy : “Ai về nhắn với Nậu Nguồn, mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên”, Nậu Nguồn là người dân tộc miền núi cao, họ đem mít non xuống đổi cá chuồn của dân đi biển. Cứ tu hú kêu vào tháng tư, tháng năm, mùa gió nam thổi mạnh là mùa dân biển trúng đậm cá chuồn.
Tôi nhảy vội xuống, chạy ra góc vườn sau trèo lên cây gáo nhìn vào chiếc ổ chim cà cưỡng. Cà cưỡng là giống chim hiền lành dễ thương. Tiếng hót của đôi cà cưỡng trong vườn ông ngoại thật an bình, hạnh phúc. Cặp vợ chồng chim cà cưỡng làm tổ bằng các que củi khô và rơm rạ. Tổ chim to mà cực giản đơn, ba chiếc trứng màu xanh ngọc nằm gọn chính giữa. Cà cưỡng là loại chim sống trong thuở thanh bình : “nhà không khóa cửa, vườn không rào dậu …”.
Ông ngoại bảo tu hú kêu ở đâu là nó đã nhắm đến một tổ chim nào đó. Tu hú không bao giờ làm tổ, nó chỉ rình tổ chim nào có sẵn, đẻ vào đó nhờ ấp giúp. Và tu hú thích nhất là gởi trứng vào tổ chim cà cưỡng.
Cứ thấy ba trứng màu xanh ngọc của cà cưỡng nằm giữa tổ, tôi cảm thấy yên tâm. Tôi tuột xuống chạy vào nhà, bô bô kể :
- Con tu hú bay xa rồi ông, con chèo bẻo đuổi đánh riết, nó bay đâu mất. Tổ cưỡng bông vẫn còn nguyên ba trứng.
- Chắc còn nguyên ba trứng cà cưỡng không con?
- Chắc mà ông!
Ông ngoại khề khà:
- Tu hú nó tinh ma lắm, sau khi hút hết lòng trắng, lòng đỏ trứng chim cà cưỡng, nó lại hất vỏ trứng chim cà cưỡng ra khỏi tổ, rồi mới đẻ vào. Trứng tu hú bằng trứng cà cưỡng nhưng màu vàng nhạt lấm chấm đen, nâu, rằn ri. Tu hú ăn một trứng đẻ vào đó một trứng, mấy ngày sau sẽ ăn một trứng nữa và đẻ một trứng. Tu hú chỉ đẻ có hai trứng thôi. Chim cà cưỡng không phân biệt được màu.
- May quá, con xem rồi, vẫn còn nguyên ba trứng chim cà cưỡng ông ngoại à.
Ngoại chợt thở dài.
- Khi chim tu hú đã kêu, thì ông sợ không dễ gì cản được nó! Như Bá Sa trong truyện Tam Quốc thôi con. Tào Tháo ám sát Đổng Trác không thành, chạy trốn. Trên đường đi qua huyện Trung Mâu, Tào Tháo bị bắt. Quan huyện Trần Cung khâm phục, đã cùng Tào Tháo trốn đi. Tào Tháo và Trần Cung đi ngang nhà người quen cũ là Bá Sa, bèn xin vào ngủ nhờ một đêm. Bá Sa bảo 2 người tắm rửa nghỉ ngơi, rồi lên ngựa đi mua rượu. Tào đang nằm trong phòng, nghe sau nhà có tiếng mài dao. Tháo nói: “Chuyện này đáng nghi đấy! Hay nó đi báo quan bắt mình?". Hai người lại nghe có người nói: “Đầu tiên phải trói nó lại!” Tào Tháo lnói với Trần Cung: “Ta phải xuống tay trước”. Thế là, hai người tuốt kiếm xông vào, một hơi hại chết tám người. Hại xong, đi vào nhà bếp, chỉ thấy một con lợn treo bốn vó, sắp bị chọc tiết. Hai người mới vỡ lẽ, ân hận nên vội đi khỏi đó. Đi được hơn hai mươi dặm, lại gặp Bá Sa. Ba Sa hí hửng khoe rượu ngon và đã trói con lợn duy nhất ở nhà mình để đãi khách. Tào Tháo nhân lúc Bá Sa sơ hở, giết luôn Bá Sa. Trần Cung trách Tào Tháo đã biết mình lầm, lại còn giết thêm người, là đại bất nghĩa. Tào Tháo dõng dạc nói: “Ta thà phụ người còn hơn để người phụ ta, nếu Bá Sa về thấy mọi người trong nhà bị chết, thì dễ gì không sinh oán hận, vậy trừ trước là xong". Trần Cung hoảng sợ, quay ngựa bỏ đi.
Chiều hôm sau, tôi cột chặt chiếc ná dây thun với mấy hòn sỏi, chờ tu hú kêu, là chạy ra đánh đuổi. Tôi chợt giật mình, khi nghe con chèo bẻo hét toáng. Tôi đứng yên nhìn con tu hú lì lợm giữa bụi tre. Nó thản nhiên trước mọi lời chửi mắng, hằn học của lũ chim vây quanh. Bỗng góc bên kia vườn, có tiếng tu hú kêu gãy gọn hai tiếng : “Tu hú! Tu hú!”, rồi bay ra khỏi bụi tre. Mấy con chèo bẻo, cà cưỡng bay đuổi theo. Tôi quay vào nhà kể với ông ngoại :
- Con tu hú bay đi rồi.
- Con bị lừa rồi! Con tu hú trống dụ cho chèo bẻo và cả nhà cà cưỡng bông đuổi theo, không để ý đến tổ để cho con mái bay vào ăn trứng và đẻ vào đó! Nơi nó rêu rao kêu lớn là nơi nó không làm điều ác; nơi nó đã có ý đồ làm thì nó lại im lặng không kêu!
Tôi vội leo lên cây nhìn tổ cà cưỡng. Trước mắt tôi, hai trứng màu xanh ngọc nằm bên một trứng rằn ri. Tôi nhìn xuống đất, một vỏ trứng cà cưỡng nằm giữa đám cỏ. Ngực tôi như đau thắt lại. Tôi đã bị con tu hú trống lừa chạy xuống cuối vườn, cà cưỡng và chèo bẻo cũng bị lừa vì tiếng kêu của tu hú. Tôi tuột xuống cây, lượm vỏ trứng xanh lơ còn ươn ướt nhơn nhớt tròng trắng.
- Ngoại ơi! Nó ăn hết một trứng cà cưỡng rồi ngoại.
- Ông đã nói mà!
- Ông ơi, thôi đừng nói chuyện tu hú nữa, ông kể chuyện Tam Quốc đi ông.
- Chuyện nào cũng chỉ là chuyện, ông ôn tồn nói, còn cuộc sống thì vẫn chảy trôi thôi. Bạc nhược như Hiến Đế, tham dâm như Đổng Trác, thiếu quyết đoán như Lưu Bị …mới là dòng chảy cho Tào bơi đến đích. Người ta cứ hay chê bai Tào tàn ác, thủ đoạn, gian manh nhưng mấy ai thấy chính sự ham hưởng thụ của mình đã sản sinh ra Tào. Tào vẫn là Tào và cà cưỡng vẫn phải nuôi con tu hú mà con!
Sau mươi ngày, con tu hú mái cũng hoàn thành được nhiệm vụ bảo tồn nòi giống với hai chiếc trứng rằn ri nằm cạnh hai chiếc trứng màu xanh lơ của đôi cà cưỡng. Hai con cà cưỡng thi nhau ấp. Khu vườn chợt như đã trở lại bình an, yên vui vì đôi chim tu hú đã bay đi xa.
Rồi một buổi sáng, tôi leo lên cây nhìn, bốn con chim non đỏ hỏn gác đầu bên nhau. Hai con đen thủi, mồm há rộng đỏ hỏn, hai con lông tơ trắng mỏ vàng.
- Ông ơi, ổ chim nở rồi. Con lên xem nó nở bốn con, hai đen hai trắng xám.
- Tu hú sẽ húc, sẽ đạp cho chết bớt 2 con cà cưỡng kia để nó có nhiều thức ăn hơn, bản năng tranh ăn của chúng rất mạnh.
Tôi hỏi ngoại :
- Ông ơi, bố mẹ tu hú có về chăm sóc con không?
- Bản năng sinh tồn dạy nó cách đánh lừa để đạt mục đích. Việc kêu bên đông, lừa bên tây; việc chỉ ăn một nửa số trứng của cà cưỡng, để tình máu mủ của cà cưỡng mẹ nghe tiếng kêu chiêm chíp của con mà phải lo mồi về nuôi.
Cặp cà cưỡng vẫn hì hục từ mờ sáng cho đến tối mịt đi kiếm đủ mồi. Có lần, tôi thấy con cà cưỡng mẹ tha một con nhái bén về, vừa tới tổ đã bị mỏ con tu hú đen đúa chồm tới kéo giật về, thiếu điều nuốt luôn chiếc đầu của con cà cưỡng mẹ. Nó liên tục ăn, liên tục kêu chach chách. Hai con cà cưỡng bố mẹ cũng quen dần với mấy đứa con hung bạo như là một định mệnh.
Rồi một buổi xế chiều, đi học về, tôi lên cây thăm tổ chim, chỉ thấy hai con tu hú con bên một con cà cưỡng con nhúi đầu bên góc tổ. Nhìn xuống gốc cây, một con chim non nằm ngửa, kiến bu đầy. Tôi nhặt xác con chim non đem về hỏi ngoại :
- Ông ơi, hai con tu hú húc cho con cà cưỡng rớt xuống bể bọng đái chết rồi ông! Còn một con, làm sao cứu hả ông!
- Ông đã nói cháu rồi! Nó sẽ hất một con và sẽ giữ lại một con, nó không giết chết hết đâu, vì giết hết thì lấy gì cà cưỡng sau này mà ấp trứng cho nó nữa. Thiên nhiên nó có quy luật riêng. Ngày xưa, ngoại đã khóc khi nhìn con cà cưỡng non bị hất xuống chết ở góc vườn từ ngọn cây. Biết làm sao được cháu ơi! Rồi ngày nào, đến tuổi nào đó con sẽ hiểu như ông đang hiểu rằng cái ác, cái thiện nó nương tựa nhau trong duyên nghiệp. Mình có làm được gì đâu con?
Rồi vào một buổi sáng, hai con tu hú con đã bay ra khỏi tổ. Tôi leo lên cây, giữa tổ là chú cà cưỡng con vẫn bình thản nằm yên. Lòng tôi chợt vui khi thấy một con cà cưỡng tha về một con dế than, chim con đứng lên nhẹ nhàng đón lấy. Tôi vẫn tiếc nuối khi nói với ông:
- Ông ơi, nếu không bị hất ra khỏi tổ thì giờ này đã có một cặp chim cà cưỡng đẹp biết mấy. Và uổng công con cà cưỡng bố mẹ quá ông!
- Thiên nhiên mà con. Cặp cà cưỡng sẽ tiếp tục khờ khạo và sẽ cứ mãi như thế. Sang năm vào giữa tháng năm âm lịch, khi gió nồm thổi mạnh, khi mùa cá chuồn đầy ắp ghe thuyền, thì tu hú lại kêu.

Chuyện quê

Nguyễn Quang Tuyến

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/khi-tu-hu-keu-a15529.html