Khi Tuchel vượt Guardiola ở chung kết Champions League

Pep Guardiola có lần thứ 3 liên tiếp ôm hận trước Thomas Tuchel và lần này đến ở trận đấu quan trọng nhất của mùa giải bóng đá châu Âu.

58% thời lượng kiểm soát bóng, chơi ép sân trong phần lớn thời gian trận đấu nhưng tất cả đều trở nên vô nghĩa khi Manchester City chỉ sút trúng đích được đúng một lần. Chelsea không cần tấn công quá nhiều, nhưng mỗi một đường lên bóng của họ đều ẩn giấu sự nguy hiểm khủng khiếp.

"The Blues" đã dứt điểm trận đấu một cách đơn giản nhất có thể bằng trí tuệ của một người Đức (Thomas Tuchel), thể hiện dưới đôi chân của một người Đức (Kai Havertz) và đúng theo triết lý của một người Đức khác (Franz Beckenbauer): Kẻ mạnh không phải là kẻ chiến thắng, kẻ chiến thắng mới là kẻ mạnh.

 Tuchel thắng thế Pep. Ảnh: Getty Images.

Tuchel thắng thế Pep. Ảnh: Getty Images.

Muối và hạt tiêu

Những ngày giá lạnh ở Munich năm 2014, trong quán bar Schumann’s, bên cạnh những ly bia hảo hạng của nước Đức, Thomas Tuchel ngồi nhìn Pep với vẻ ngưỡng mộ không che giấu. Đó không phải là lần đầu tiên Tuchel được gặp thiên tài người Tây Ban Nha, nhưng đó mới thực sự là cuộc bàn luận sôi nổi đầu tiên về vấn đề mà cả hai luôn quan tâm, quan tâm đến mức ám ảnh: Chiến thuật.

Cho đến thời điểm ấy, Tuchel vẫn là một fan của Pep. “Guardiola là người giỏi nhất, ngay cả khi ông ấy không thừa nhận điều đó. Quãng thời gian của ông ấy ở Barcelona thực sự đã để lại ấn tượng lâu dài trong tôi. Là một người hâm mộ ông ấy, tôi đã học hỏi được nhiều điều. Barcelona dưới thời Pep là chuẩn mực để tôi hướng tới”. Tuchel đã thật thà tâm sự như thế về suy nghĩ đối với người mà ông coi như bậc tiền bối.

Trong cuộc nói chuyện sôi nổi giữa Pep và Tuchel vào mùa đông năm ấy, người ta nói cả hai đã lấy muối và hạt tiêu để thể hiện những ý tưởng chiến thuật của mình. Sau cuộc gặp gỡ, vị HLV trẻ người Đức đã thốt lên: “Câu chuyện hồi đó thật tuyệt vời với tôi”. Bốn tháng sau, Tuchel nhận lời dẫn dắt Borussia Dortmund, và tên tuổi của ông bắt đầu nổi bật từ lúc ấy. Nhưng suốt quãng thời gian cả hai cùng ở Đức, Tuchel vẫn không thể vượt nổi Pep Guardiola. Các đội bóng của Tuchel toàn hòa và thua trước Bayern của Pep.

Chỉ có điều, ít ai để ý, từ việc bị thua tan tác ở những trận đối đầu đầu tiên, Tuchel đã giúp các học trò của ông dần dần không còn sợ hãi trước đoàn quân của Pep. Trong 2 trận đấu cuối cùng ở Đức giữa hai người, đó đều là những trận hòa không bàn thắng. Và đó đều sẽ là những điểm tựa để Tuchel tiến tới đánh bại Pep sau này.

Sai lầm của Pep Guardiola

Giữa khung cảnh ăn mừng đầy sôi động của Tuchel và các học trò, Pep đi thẳng qua nơi đặt chiếc cúp Champions League mà không hề liếc nhìn nó. Ông không lạ gì chiếc cúp này cả. Nó đã thuộc về ông khi ông ở Barcelona, cả với tư cách cầu thủ lẫn HLV. Nhưng tâm trạng của Pep chắc chắn vẫn là sự cay đắng xen lẫn tiếc nuối. Trong một bài viết trên ESPN, nhà báo Mark Ogden cho rằng đó có thể là sự pha trộn giữa giận dữ và cáu kỉnh, nhưng phần lớn sẽ là sự hối tiếc cho suy nghĩ quá cầu toàn của Pep.

Đây không phải lần đầu, Pep suy nghĩ cầu toàn ở những trận đấu mang tính chất quyết định. Cách xây dựng Man City của Pep luôn là tìm cách gây sức ép và mở tỷ số trước đối phương, sau đó kiểm soát thế trận và giành chiến thắng.

Trong mùa giải này, Man City đã có chuỗi 21 trận thắng liên tiếp trên mọi đấu trường và thống kê chỉ ra họ có thể đang là đội bóng mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, chỉ “có thể”, bởi danh hiệu ấy phải được chứng minh bằng chiếc cúp Champions League. Và một lần nữa, Pep lại thất bại, chỉ khác một chút so với những lần trước, ông bị thua ở trận chung kết cúp châu Âu và là lần đầu tiên.

“Tôi đã làm những gì tôi nghĩ là tốt nhất”. Pep nói sau khi nhận chiếc huy chương bạc và hôn lên nó, hành động khiến nhiều cổ động viên nổi đóa. Nhưng không ai hiểu tại sao trong trận đấu quan trọng nhất lịch sử của Man City, ông lại bất ngờ để Gundogan cô độc ở hàng tiền vệ và cất đi cả Fernandinho lẫn Rodri trên băng ghế dự bị.

Vấn đề ở chỗ này, phần lớn mùa giải, tiền vệ người Đức thường xuyên chơi dâng cao tấn công trong một sơ đồ anh được hai người đồng đội mạnh mẽ hỗ trợ phía dưới để che chắn hàng thủ. Kết quả được thể hiện bởi 17 bàn thắng của Gundogan ở mùa giải này, nhiều gấp 3 lần số bàn thắng của anh cho Man City trong bất kỳ mùa nào trước đó, thậm chí còn nhiều hơn cả tổng số bàn mà anh ghi trong quãng thời gian khoác áo Dortmund.

Tuy nhiên, tính toán của Pep đã thất bại toàn tập. Gundogan lép vế hoàn toàn trước sự mạnh mẽ của Kante bên phía Chelsea và liên tục phải vất vả chống đỡ sự tấn công trẻ trung và tràn đầy năng lượng của Havertz hay Mount.

 Pep lỡ hẹn với danh hiệu Champions League cùng Man City. Ảnh: Getty Images.

Pep lỡ hẹn với danh hiệu Champions League cùng Man City. Ảnh: Getty Images.

Sự điều chỉnh của Pep còn đến từ việc ông tung Bernando Silva vào sân ngay từ đầu. Tham vọng của Pep là với khả năng sáng tạo của cầu thủ người Bồ Đào Nha, Man City sẽ ghi bàn dẫn trước. Kết cục thật nghiệt ngã, Bernando chẳng làm được gì và bị thay ra sau một giờ hoàn toàn mờ nhạt trên sân.

Nhưng không gì tai hại bằng cái cách mà Pep sử dụng Kevin De Bruyne. Ngôi sao số một Man City bỗng thấy mình như một người thừa trong vị trí số 9 ảo đầy xa lạ. Anh không tạo ra được những đường chuyền đột biến cho đồng đội trong khi những nỗ lực đột phá cá nhân chỉ toàn thất bại trước bức tường thép của các hậu vệ Chelsea. Khuôn mặt buồn rười rượi của De Bruyne trên khán đài sau khi chấn thương và bị thay ra không chỉ vì anh không thể tiếp tục chơi trận chung kết, mà có lẽ còn cả vì màn trình diễn đầy thất vọng trên sân.

Khi cầu thủ xuất sắc của mình không tạo ra điều kì diệu, Man City sẽ cần đến những người trợ thủ, ở đây là Phil Foden và Raheem Sterling. Nhưng chính sơ đồ mà Pep đưa ra đã khiến cả hai đều không còn là chính mình. Foden nỗ lực thể hiện bản thân, nhưng những gì anh có chỉ là những đường tấn công đơn độc hoặc dễ dàng bị đối thủ đoạt lại bóng ngay trước vòng cấm địa. Trong nỗ lực của sự tuyệt vọng, Man City liên tục tạo ra những đường bóng bổng vào khung thành của Mendy, một sự châm biếm không hề nhẹ khi nơi đó sừng sững hai tòa tháp Christensen và Rudiger.

“Hy vọng chúng tôi sẽ quay trở lại đây (ý chỉ trận chung kết) trong tương lai”, Pep nói với sự buồn bã không che giấu. Nhưng ai mà biết được, liệu Sheikh Mansour có còn đủ kiên nhẫn với ông không?

Sự sáng tạo của Tuchel

Thái độ thoải mái của HLV người Đức trước trận chung kết có lẽ đã khiến cho các học trò của ông tự tin vào một chiến thắng. Chelsea trước Tuchel là một Chelsea khủng hoảng, liên tục bị các đối thủ đánh vỗ mặt ở trên mọi đấu trường. Nhưng Tuchel không nghĩ đội bóng này vô dụng. Ông đã thổi một thứ năng lượng kỳ diệu để các cầu thủ hồi sinh.

Trong cuộc phỏng vấn từ cách đây nhiều năm, Ralf Rangnick, kiến trúc sư của Leipzig, đã nói về Tuchel như thế này: “Thomas là HLV tài năng lớn, với trí thông minh tuyệt vời và rất tham vọng. Anh ấy rất giỏi đối phó với các đối thủ mạnh, có khả năng hùng biện và cũng thành thạo cả việc phải xử lý thế nào trước giới truyền thông”.

Tuchel chưa bao giờ ngừng học hỏi. Khi vẫn là cầu thủ còn khá trẻ, ông đã liên tục hỏi Rangnick về mọi vấn đề nằm ngoài phạm vi đơn thuần của hậu vệ. Dường như tham vọng của Tuchel để trở thành HLV hàng đầu thế giới đã bắt đầu từ lúc ấy.

Giống như Pep, Tuchel cũng luôn cố gắng sáng tạo trong mọi vấn đề. Chỉ khác biệt một điểm, ông không thích nói quá nhiều về mình dù bản thân vẫn là người thoải mái trong giao tiếp. Người ta thường chứng kiến Tuchel ngồi nghiền ngẫm một mình trong phòng, nhìn chằm chằm vào những biểu đồ rối rắm hoặc xem những cuốn sách mà các học trò của ông không tài nào hiểu nổi nó viết về vấn đề gì.

Eugen Polanski, cựu cầu thủ của Mainz 05, đã nói về ông thầy cũ của mình với vẻ hài hước: “Quá trình đào tạo dưới tay Tuchel phức tạp lắm, bạn cần có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông mới hiểu được ấy chứ”. Tuchel thường xuyên thay đổi kích thước sân mà ông cho các cầu thủ tập ở bên trong đó. Ông không thích cắt ngang, thay đổi và chỉnh sửa những đường lên bóng của học trò trong trận đấu. Mà để có được điều ấy, mọi cầu thủ cần thấm nhuần tư tưởng của Tuchel.

 Tuchel hồi sinh Chelsea. Ảnh: Getty Images.

Tuchel hồi sinh Chelsea. Ảnh: Getty Images.

Sự thành công ở mọi nơi mà Tuchel đặt chân đến không hề ngẫu nhiên. Ở đâu, ông cũng cố gắng tạo lập sự đoàn kết trong nội bộ. Ăn trưa cùng nhau và bắt tay mỗi khi gặp mặt, đó là quy định của Tuchel với các học trò của mình. Khi Tuchel đến Chelsea, ông có được sự tôn trọng của cầu thủ. Một HLV đã giành 2 danh hiệu vô địch Ligue 1 và vào trận chung kết Champions League cùng Paris Saint-Germain là sự đảm bảo cho công cuộc hồi sinh của "The Blues".

Chỉ có điều, ít ai ngờ sự hồi sinh này đến nhanh và đi tới vinh quang chóng vánh như thế. Trước tiên, chúng ta cần thấy nỗ lực của Tuchel trong việc vá lại hàng thủ. Tuyến phòng ngự, nơi mà Chelsea hay mắc sai lầm dưới thời Lampard, đã như lột xác hoàn toàn. Họ có một loạt các trận đấu giữ sạch lưới trước những đối thủ lớn nhất mình phải đối đầu trong phần còn lại của mùa giải, trong đó bao gồm cả chính Man City.

Chính tư tưởng ấy đã được Tuchel áp dụng trong trận chung kết dù rằng ông, cũng như Pep, là tín đồ của lối chơi tấn công lãng mạn. Nếu Tuchel chơi đôi công với Pep, có thể ông sẽ thất bại trước bậc thầy của lối đá này. Nhưng chính vì biết mình, biết ta, HLV người Đức đã tạo ra thế trận phòng ngự gần như hoàn hảo.

Chelsea chấp nhận nhường thế trận cho Man City, bẻ gãy tất cả đợt tấn công của đối thủ trước khi phản công đầy sắc bén. Tất cả đều dựa vào tốc độ cực nhanh của những chàng trai trẻ nơi tuyến đầu và bàn thắng của Havetz là sự hoàn hảo về phối hợp, nhãn quan và khả năng dứt điểm.

Có thể tóm lược thế này, trong khi Pep phức tạp hóa vấn đề thì Tuchel làm ngược lại. Ông đơn giản hóa mọi thứ, bỏ hết lối chơi quen thuộc của mình và tiếp cận theo “kiểu Mourinho”, trùng hợp thay cũng ở trên sân bóng nơi mà Mourinho đã thành danh năm nào. Một lần nữa, Tuchel lại sáng tạo. Và một lần nữa, ông lại chiến thắng Man City, lần thứ 3 trên 3 mặt trận chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng.

“Chúng tôi không có mục tiêu nào khác ngoài việc giành cúp vô địch”, lời phát biểu của Tuchel trước thềm trận đấu cuối cùng đã thành hiện thực. Sau thất bại ở chung kết Champions League năm ngoái, ông đã trở lại và điền tên mình vào danh sách những vị HLV vĩ đại.

Cảm xúc trái ngược của cầu thủ Man City và Chelsea Đội bóng thành London vỡ òa cảm xúc với chức vô địch Champions League sau 9 năm, trong khi Sergio Aguero và các đồng đội ngậm ngùi nhìn đối thủ lên ngôi.

Vũ Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khi-tuchel-vuot-guardiola-o-chung-ket-champions-league-post1221205.html