Khi tuổi trẻ chung sức chuyển đổi số

Nhận thức rõ vai trò của đoàn viên, thanh niên tham gia chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong thực tiễn cuộc sống, thời gian qua, các cấp bộ đoàn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã tích cực, chủ động, đi đầu trong việc tham gia vào quá trình xây dựng chính quyền số, xã hội số, đã và đang mang lại hiệu quả tích cực, góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Xác định công tác chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các huyện, thị, thành đoàn và đoàn trực thuộc thường xuyên thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số đối với phát triển kinh tế - xã hội cho cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên và học sinh, sinh viên. Hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú: tuyên truyền trên website, Facebook, tuyên truyền trực quan, tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố; tuyên truyền trong các trường trung học phổ thông; tổ chức diễn đàn, tọa đàm, đối thoại, nói chuyện chuyên đề, hội thi và xây dựng các công trình...; lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội. Kết quả tổ chức được trên 50 cuộc, thu hút trên 7.000 đoàn viên, thanh niên tham gia. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn triển khai ứng dụng phần mềm quản lý đoàn viên của Trung ương Đoàn cho 100% các cấp bộ đoàn - hội, đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia ứng dụng. Xây dựng chuyên mục chuyển đổi số trên Website Tỉnh đoàn đăng tải các hoạt động chuyển đổi số của các đơn vị huyện, thị, thành đoàn. Đến nay, có trên 20 bài viết về chuyển đổi số trong chuyên mục. Trong quý I/2024, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng mô hình và ra mắt được 7 công trình “Xây dựng bản đồ số, số hóa các tài liệu, hiện vật, thông tin về các địa danh lịch sử, địa chỉ đỏ” trên địa bàn tỉnh, góp phần cụ thể hóa Chương trình thực hiện chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Công trình số hóa thông tin bia chiến thắng Bố Thảo, Phường 7, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) giúp người dân, du khách dễ dàng tìm đến. Ảnh: KIM NGỌC

Công trình số hóa thông tin bia chiến thắng Bố Thảo, Phường 7, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) giúp người dân, du khách dễ dàng tìm đến. Ảnh: KIM NGỌC

Công trình “Số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ” tại thành phố Sóc Trăng do Thành đoàn thực hiện đã hoàn thiện và chính thức đi vào vận hành. Đây là sản phẩm số hóa di tích lịch sử - văn hóa đầu tiên của thành phố Sóc Trăng, góp phần cụ thể hóa Chương trình thực hiện chuyển đổi số thành phố Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh và thực hiện thao tác quét mã QR, người dân, du khách gần xa đã có thể nhận được những thông tin về di tích lịch sử đến thăm. Hiện mã QR của công trình đã triển khai xây dựng tại 4 địa điểm trên địa bàn thành phố Sóc Trăng, gồm: Đài chiến thắng Mậu Thân 1968 - Tiểu đoàn Phú Lợi anh hùng, Phường 2; Khu di tích lịch sử Trường Taberd Sóc Trăng, Phường 6 và Nhà lưu niệm thành phố và bia chiến thắng Bố Thảo, Phường 7.

Theo đồng chí Nguyễn Trần Anh Duy - Bí thư Thành đoàn Sóc Trăng thời gian tới, Thành đoàn sẽ tiếp tục phối hợp các ngành chuyên môn nhân rộng thực hiện công trình tại các điểm di tích, địa chỉ đỏ trên địa bàn, đồng thời tích hợp thêm thông tin, sách nghiên cứu về các địa điểm. Quét mã QR tại các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ là sự sáng tạo trong công tác quảng bá điểm đến, mang lại hiệu quả thiết thực đối với du khách gần xa.

Không riêng Thành đoàn Sóc Trăng, Ban Thường vụ Huyện đoàn - Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Thạnh Trị tham gia hỗ trợ mô hình “Tổ hợp tác bán hàng online” - mô hình kinh tế hợp tác do thanh niên làm chủ áp dụng chuyển đổi số tại ấp Trung Bình, xã Tuân Tức, huyện Thạnh Trị. “Tổ hợp tác bán hàng online” được thành lập với 6 thành viên, do chị Sơn Thị Bé Hà - Bí thư Chi đoàn ấp Trung Bình làm tổ trưởng, chuyên kinh doanh online trên Facebook các mặt hàng mỹ phẩm, đồ gia dụng với xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng; các thành viên với từng nhiệm vụ khác nhau như: đăng bài quảng cáo sản phẩm, đóng gói đơn hàng, giao hàng, thống kê tình hình kinh doanh… thu nhập của các thành viên dao động từ 3 - 7 triệu đồng/tháng.

Đoàn thanh niên trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: KIM NGỌC

Đoàn thanh niên trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: KIM NGỌC

Huyện đoàn - Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện đã hỗ trợ hướng dẫn cài đặt phần mềm quản lý bán hàng, hướng dẫn tổ hợp tác sử dụng sàn Tiktok để mở rộng phạm vi kinh doanh. Thông qua hoạt động hỗ trợ, “Tổ hợp tác bán hàng online” đã có thêm những kiến thức hữu ích, đặc biệt là tiếp cận, hiểu rõ về chuyển đổi số. Tổ hợp tác là mô hình kinh tế hợp tác tiêu biểu của thanh niên tại địa phương, góp phần tuyên truyền, vận động người dân và thanh niên ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, Ban Thường vụ Huyện đoàn - Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Thạnh Trị còn hỗ trợ mô hình “Tổ hợp tác phun thuốc bằng máy bay nông nghiệp” - mô hình kinh tế hợp tác do thanh niên Danh Đức Phú, ngụ ấp Trung Nhất, xã Lâm Tân, huyện Thạnh Trị làm chủ. Tổ hợp tác này tại ấp Trung Nhất, xã Lâm Tân, huyện Thạnh Trị, có 4 thành viên, với thiết bị chính là máy bay nông nghiệp DJI Agras T40 (Agridrone), vốn đầu tư 480 triệu đồng. Huyện đoàn - Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện đã kết nối chuyên gia tư vấn chuyên sâu với hình thức trực tuyến để thành viên tổ hợp tác có thêm nhiều kiến thức, thông tin bổ ích trong quá trình ứng dụng công nghệ thông qua thiết bị bay; đồng thời hỗ trợ quảng bá hoạt động của tổ hợp tác, giúp tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng trong và ngoài huyện Thạnh Trị, mở rộng phạm vi hoạt động.

Riêng Huyện đoàn Mỹ Xuyên làm rất tốt việc duy trì các hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng trong suốt thời gian qua. Theo Phó Bí thư Huyện đoàn Mỹ Xuyên Mai Thanh Minh, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, Ban Thường vụ Huyện đoàn Mỹ Xuyên chỉ đạo 100% đoàn cấp xã duy trì vận hành hiệu quả tổ công nghệ số cộng đồng tại các ấp trên địa bàn huyện với các hoạt động trọng tâm như sau: tuyên truyền hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản dịch vụ công; sử dụng dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến; thành lập đội hình tình nguyện hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, cài đặt ứng dụng VNeID, đăng ký tài khoản dịch vụ công trực tuyến, cài đặt các ứng dụng số như app Công dân Sóc Trăng. Kết quả trong 6 tháng đầu năm 2024, 100% đoàn xã, thị trấn tiếp tục duy trì, triển khai duy trì vận hành tổ công nghệ số cộng đồng tại 103 ấp trên toàn huyện, đã hỗ trợ đăng ký định danh điện tử mức 1 cho 135 người; hỗ trợ kích hoạt định danh điện tử mức 2 cho 119 người; hỗ trợ 247 người dân nộp hồ sơ trực tuyến; hướng dẫn 79 người dân cài đặt ứng dụng Công dân Sóc Trăng.

Với việc triển khai nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo trong công tác chuyển đổi số đã thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ của đoàn viên, thanh niên, quần chúng nhân dân, phát huy tinh thần đóng góp sức trẻ trên địa bàn tỉnh vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia và sự phát triển của tỉnh.

KIM NGỌC

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/chuyen-doi-so/khi-tuoi-tre-chung-suc-chuyen-doi-so-74861.html