Khi vai trò cơ quan dân cử được phát huy

HĐND tỉnh là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Quyền đại diện của HĐND được thực hiện thông qua việc ban hành các nghị quyết theo quy định pháp luật; đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, góp phần quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững; đảm bảo quốc phòng - an ninh; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhân dân, kịp thời giải quyết những vấn đề mà cử tri, dư luận quan tâm.

Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng: HĐND tỉnh quyết định nhiều vấn đề quan trọng qua các kỳ họp

Trong năm 2023, Thường trực HĐND tỉnh quyết định triệu tập 7 kỳ họp HĐND (2 kỳ họp thường lệ, 5 kỳ họp chuyên đề). Kết quả, thông qua 65 báo cáo; ban hành 130 nghị quyết (trong đó, có 124 nghị quyết liên quan đến lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; 6 nghị quyết liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ thuộc thẩm quyền). Trong các kỳ họp, đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung phân tích, đánh giá những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân; lưu ý những tác động và khó khăn mới phát sinh, những vấn đề cần rút kinh nghiệm và đề xuất giải pháp thiết thực, hiệu quả phù hợp với xu thế phát triển chung và tình hình thực tiễn của địa phương; quyết tâm thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Để các nghị quyết của HĐND tỉnh đi vào cuộc sống, Thường trực HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện các nghị quyết vừa được thông qua, đảm bảo đúng trình tự, quy định của pháp luật. Thường trực HĐND, các ban của HĐND và các tổ đại biểu HĐND tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri, kịp thời báo cáo kết quả kỳ họp. Qua đó, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để kịp thời phản ánh, kiến nghị với HĐND, UBND, các cơ quan chức năng; tăng cường trọng trách là người đại biểu của nhân dân. Thường xuyên giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh trong thời gian tới.

Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Trong năm 2023, HĐND tỉnh đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Từ đó, đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của đại biểu HĐND đối với mình để phấn đấu rèn luyện nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác.

Giám sát, khảo sát là một trong những chức năng quan trọng của HĐND tỉnh và được thực hiện hiệu quả. HĐND, Thường trực HĐND tổ chức các cuộc giám sát chuyên đề với các nội dung: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; việc giải quyết các kiến nghị cử tri... Ngoài các chuyên đề giám sát, HĐND tỉnh giao các ban của HĐND tỉnh, tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Trung ương, các nghị quyết của HĐND tỉnh và tổ chức các cuộc giám sát, khảo sát theo chương trình, kế hoạch đề ra trong năm.

Qua cuộc giám sát đã đánh giá, xác định được cụ thể tình hình, kết quả, hiệu quả triển khai trong việc ban hành, thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của tỉnh trong thời gian qua. Từ đó, có giải pháp nâng cao hiệu quả trong việc triển khai thực hiện các chính sách của tỉnh đã ban hành và sẽ ban hành trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đánh giá được kết quả thực hiện các mục tiêu giảm nghèo hằng năm, đây cũng là cơ sở quan trọng để triển khai các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, hoạch định các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Với trách nhiệm của người đại biểu nhân dân trước cử tri, tôi mong muốn đại biểu HĐND tỉnh phát huy dân chủ, trách nhiệm, đáp ứng nguyện vọng, niềm tin của cử tri và nhân dân trong tỉnh. Với quyết tâm và sự tin tưởng đó, HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh xin chúc toàn thể cán bộ, chiến sĩ, công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân và toàn thể cử tri, nhân dân bước sang năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng. Đồng thời, chỉ đạo các ngành, các cấp xem xét, giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất chính đáng của cử tri; những vấn đề liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, đời sống của nhân dân.

Đồng chí Võ Kim Chuyền - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Sóc Trăng: Tập trung thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, giám sát

Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Sóc Trăng có 7 thành viên; trong đó trưởng ban và phó trưởng ban hoạt động chuyên trách, các ủy viên hoạt động kiêm nhiệm. Ban thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, trên cơ sở quy chế hoạt động của HĐND. Ban phụ trách các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, thông tin, thể dục, thể thao và chính sách tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Võ Kim Chuyền - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại kỳ họp HĐND tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Đồng chí Võ Kim Chuyền - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại kỳ họp HĐND tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Trong năm 2023, Ban Văn hóa - Xã hội đã tổ chức xây dựng chương trình, kế hoạch và phối hợp tiến hành 2 cuộc giám sát, 3 cuộc khảo sát chuyên đề. Cụ thể là, giám sát tình hình thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; việc thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Sóc Trăng từ năm 2020 đến nay; khảo sát cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học và đội ngũ giáo viên năm học 2023 - 2024; khảo sát công tác quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy các khu di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh; khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-HĐND, ngày 30/8/2022 của HĐND tỉnh về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp 45 trạm y tế tuyến xã.

Song song với việc giám sát, khảo sát theo chuyên đề, Ban Văn hóa - Xã hội cũng thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát thường xuyên bằng văn bản về việc triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội đối với UBND và một số sở, ban, ngành tỉnh; giám sát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của UBND và nghị quyết của HĐND huyện, thị xã, thành phố; giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, việc trả lời chất vấn của UBND tỉnh và các sở, ngành có liên quan đến lĩnh vực văn hóa - xã hội. Qua công tác giám sát, khảo sát tại các địa phương, đơn vị, Ban Văn hóa - Xã hội đã kịp thời phát hiện những tồn tại, bất cập và có những kiến nghị, đề xuất phù hợp. Sau các cuộc giám sát, khảo sát, tôi chủ trì xây dựng và ban hành báo cáo đánh giá kết quả thực hiện, những mặt làm được, chưa được và kiến nghị những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện đạt hiệu quả hơn các nghị quyết của HĐND tỉnh trong lĩnh vực văn hóa - xã hội.

Bên cạnh đó, Ban Văn hóa - Xã hội còn tham mưu tổ chức đoàn giám sát của HĐND tỉnh giám sát về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 theo tinh thần Nghị quyết số 37/NQ-HĐND, ngày 29/6/2022 và Nghị quyết số 83/NQ-HĐND, ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh. Tham gia đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”; đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động số 34-CTr/TU, ngày 21/1/2014 của Tỉnh ủy về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...

Với những hoạt động tích cực, Ban Văn hóa - Xã hội góp phần đảm bảo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt của Thường trực HĐND tỉnh. Thực hiện tốt công tác thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại các kỳ họp với trách nhiệm cao, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, việc ban hành nghị quyết của HĐND được sự đồng thuận cao trong nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND.

Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng khóa X Trần Khắc Tâm: Đại biểu HĐND đóng góp tích cực trong quá trình phát triển của tỉnh Sóc Trăng

Qua các buổi tiếp xúc cử tri, tôi nhận thấy tâm trạng chung của người dân là rất phấn khởi, kỳ vọng vào tương lai phát triển của quê hương, bởi năm 2023 có nhiều dấu mốc quan trọng đối với Sóc Trăng chúng ta. Là một đại biểu dân cử, tôi đã trực tiếp tham gia nhiều công việc của HĐND tỉnh và cảm nhận được những đổi thay đang dần tạo hiệu quả ngày một tốt hơn với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 5,77% là một nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị, đặc biệt trong bối cảnh tình hình quốc tế phức tạp, ảnh hưởng xấu đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của nước ta.

Theo tôi, sự kiện quan trọng nhất là Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở để Sóc Trăng đẩy mạnh phát triển toàn diện. Chủ tịch Quốc hội và Phó Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều lãnh đạo bộ, ngành tham dự lễ công bố quy hoạch cho thấy sự quan tâm của Trung ương đối với sự phát triển của Sóc Trăng. Quy hoạch sẽ tạo ra tiền đề để khơi dậy tiềm năng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hướng tới phát triển bền vững. Năm 2023, chúng ta đã chứng kiến lễ khởi công 2 dự án hạ tầng lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và dự án cầu Đại Ngãi. Các sự kiện nêu trên là dấu mốc quan trọng chuẩn bị cho tương lai phát triển của Sóc Trăng nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng khóa X Trần Khắc Tâm. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng khóa X Trần Khắc Tâm. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Để thực hiện khối lượng công việc rất lớn, HĐND tỉnh đã triệu tập tới 7 kỳ họp, trong đó có 5 kỳ họp chuyên đề để xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng. Với vai trò trung tâm của Thường trực HĐND tỉnh, các ban, tổ HĐND tỉnh, các đại biểu chuyên trách, tôi thấy rằng cơ quan dân cử đã hoạt động thường xuyên, liên tục với cường độ cao để làm tròn trách nhiệm trước cử tri. Các đại biểu HĐND ngày càng gần dân, sâu sát với công việc, lắng nghe ý kiến cử tri, đóng góp vào sự thành công của các kỳ họp.

Là thành viên của Ban Kinh tế - Ngân sách, tôi rất tâm đắc với các hoạt động giám sát và khảo sát của HĐND, trong đó Ban Kinh tế - Ngân sách đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa, hiệu quả. Đáng chú ý là cuộc giám sát về việc triển khai các nghị quyết của HĐND tỉnh về thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2022 và các dự án tồn đọng; tình hình thực hiện quy định của pháp luật về tạm ứng, thu hồi tạm ứng ngân sách tỉnh và ngân sách cấp huyện năm 2021.

Trước những vấn đề cử tri quan tâm, Ban Kinh tế - Ngân sách đã tiến hành các cuộc khảo sát như khảo sát tình hình nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh; tình hình đầu tư, mở rộng hệ thống và chất lượng nước sinh hoạt khu vực nông thôn. Qua các cuộc giám sát, chúng tôi đã thu thập được nhiều thông tin, ghi nhận nhiều ý kiến của cử tri, chuẩn bị nội dung để đóng góp cho HĐND tỉnh xây dựng, sửa đổi các quy định, ban hành chính sách phù hợp hơn với thực tiễn cuộc sống.

Với nhiều nghị quyết, chính sách được ban hành trong thời gian qua, tôi cho rằng, công việc của HĐND trong thời gian tới càng nặng nề hơn, đòi hỏi Thường trực HĐND, các ban, tổ và các đại biểu phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới đáp ứng được nguyện vọng, đòi hỏi của cô bác cử tri đã tin yêu, gửi gắm vào những người đại diện cho mình tại cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở địa phương.

Ông Thạch Diên, ấp Giồng Chùa B, xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng): Nhiều kiến nghị đã được ngành chức năng quan tâm giải quyết

Là một trong những cử tri thường xuyên dự các buổi tiếp xúc cử tri định kỳ, tôi đã chủ động phản ánh, kiến nghị, đề xuất giải quyết những vấn đề bất cập ở địa phương.

Tôi tâm đắc nhất khi tham gia các buổi tiếp xúc cử tri là các phản ánh đều có sự trao đổi, phản hồi thông tin của cơ quan chức năng. Đồng thời, mọi vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị đều được HĐND, đại biểu HĐND tổng hợp và chuyển tới cấp có thẩm quyền nghiên cứu, giải quyết; cử tri cũng đồng tình với cách giải quyết và trả lời của các cơ quan hữu quan. Các địa phương, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã quan tâm nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết đến cùng những kiến nghị chính đáng của cử tri và nhân dân trong tỉnh. Công tác giám sát, đôn đốc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri được quan tâm đúng mức nên có những sự việc được theo dõi, giải quyết đến cùng.

Các cuộc tiếp xúc cử tri có nhiều đổi mới về hình thức, nội dung, địa điểm tiếp xúc. Một số cuộc tiếp xúc cử tri đã bố trí để cả đại biểu HĐND tỉnh, huyện và xã cùng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Cách làm này đã tiết kiệm được thời gian, công sức của cử tri, các ý kiến, kiến nghị được các đại biểu phân loại, giải trình và tiếp thu đầy đủ.

Cử tri Thạch Diên, ấp Giồng chùa B, xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) nói về con đường mà ông đã từng có ý kiến phản ánh qua các cuộc tiếp xúc cử tri, được HĐND tiếp thu chuyển đến các cơ quan chức năng giải quyết. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Cử tri Thạch Diên, ấp Giồng chùa B, xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) nói về con đường mà ông đã từng có ý kiến phản ánh qua các cuộc tiếp xúc cử tri, được HĐND tiếp thu chuyển đến các cơ quan chức năng giải quyết. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Những ý kiến, kiến nghị của cử tri thời gian qua đã được HĐND các cấp chuyển đến UBND các cấp và các cơ quan liên quan giải quyết và trả lời cử tri rõ ràng, cụ thể, đúng thời gian quy định. Chẳng hạn như, trong năm 2023, qua những kiến nghị của tôi, HĐND, đại biểu HĐND các cấp đã tiếp thu và chuyển đến ngành chức năng giải quyết đến nơi đến chốn các nội dung: nạo vét kênh thủy lợi; làm 3 cầu giao thông nông thôn ở Giồng Chùa và An Tập; nâng cấp, mở rộng lộ Giồng Chùa… Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhân dân trong việc đi lại, sinh hoạt, sản xuất. Qua đó, càng thể hiện rõ hơn vai trò, trách nhiệm trong việc đại diện, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân của HĐND và đại biểu HĐND, góp phần tăng cường lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Tôi mong muốn đại biểu HĐND tiếp tục phát huy, đổi mới, sáng tạo, làm tròn trách nhiệm là đại biểu của cử tri và nhân dân, nhất là sắp xếp thời gian, công việc để tham gia đầy đủ các buổi tiếp xúc cử tri. Hoạt động của đại biểu HĐND vừa phải bám sát chương trình, kế hoạch công tác của HĐND, vừa phải bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ của huyện và phù hợp với mong muốn của cử tri.

Có thể nói, vai trò của HĐND được nâng lên trong hệ thống chính trị; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định; quyết định chủ trương, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng chính quyền, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân. Các nghị quyết của HĐND được xây dựng, ban hành trên cơ sở chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và bám sát tình hình thực tế. Hoạt động của Thường trực HĐND, các ban HĐND, đại biểu HĐND sát cơ sở, phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của cử tri.

PHƯỚC LIÊU

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/chinh-tri/khi-vai-tro-co-quan-dan-cu-duoc-phat-huy-69008.html