Khi 'văn hóa hoa hồng' đã là thói quen cố hữu

Hội thảo về liêm chính trong kinh doanh sáng 21/9, đại diện giới doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước đều đồng thuận quan điểm, muốn xây dựng nền kinh doanh liêm chính cần thay đổi tư duy từ chính con người.

Tại hội thảo giới thiệu “Chỉ số kinh doanh liêm chính Việt Nam” – VBII ngày 21/9, bà Đinh Thị Bích Xuân, Phó Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, VCCI cho rằng, hơn bao giờ hết, áp dụng bộ chỉ số về kinh doanh liêm chính sẽ là công cụ đắc lực giúp cải thiện môi trường kinh doanh.

“Tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, sự liêm chính là những yếu tố chính để xác định một hệ thống quản trị tốt và khẳng định sự tồn tại của một môi trường kinh doanh công bằng ở bất kỳ quốc gia nào”, bà Xuân nói.

Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đã thăng hạng trong Chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, tăng 26 bậc trên toàn cầu (từ 113 năm 2017 lên bậc 87 năm 2021). Theo Chỉ số Pháp quyền của Dự án Tư pháp Thế giới, Việt Nam là một ngoại lệ trong số các nước ASEAN khi tăng thứ hạng lên vị trí 87.

Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng tham nhũng vẫn dễ dàng xảy ra ở một số lĩnh vực nhất định. Một báo cáo khảo sát doanh nghiệp do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) công bố tháng 6/2022 cho thấy, ít nhất 1 trong số 3 doanh nghiệp tham gia mua sắm công sẵn sàng thực hiện các khoản thanh toán không chính thức nhằm giành được hợp đồng từ Chính phủ.

Theo báo cáo, điều đáng lo ngại là "văn hóa hoa hồng" hoặc "các khoản thanh toán không chính thức" đã trở thành thói quen cố hữu đến mức các doanh nghiệp sẵn sàng trả ngay cả khi không ai yêu cầu.

Kinh doanh liêm chính, cần sự thay đổi từ chính tư duy con người

Phát biểu tại hội thảo, ông Thomas H. Trần, Giám đốc Tuân thủ tại một công ty dược phẩm đa quốc gia đến từ Anh quốc cho rằng mỗi doanh nghiệp, mỗi cá nhân cần có ý thức chủ động thực hành liêm chính.

Theo ông Thomas H. Trần, liêm chính trong kinh doanh phải đến từ ý thức tự giác tuân thủ của mỗi người, để làm được điều này thì cả lãnh đạo và nhân viên doanh nghiệp cần đoàn kết và xây dựng chung định hướng, "không phải như đèn giao thông, cứ đợi hiện đèn nào thì dừng đèn đó".

“Một sinh viên mới ra trường mà làm việc gian lận sẽ hỏng cả một tương lai. Một phụ nữ phải chịu sự lợi dụng, quấy rối để có cơ hội trong công việc sẽ gây hệ lụy đến nhiều vấn đề. Để ngăn chặn những điều này, doanh nghiệp cần có Nhà nước hỗ trợ nhưng doanh nghiệp cũng cần tự thay đổi chính mình”, ông Thomas H. Trần nói.

Từ trái qua phải: bà Đinh Thị Bích Xuân, VCCI; ông Phí Ngọc Tuyển, Thanh tra Chính phủ; bà Diana Torres, Trợ lý trưởng đại diện UNDP; bà Đỗ Thị Lan Phương, FLA tại Việt Nam; ông Thomas H. Trần. Ảnh: Phương Thảo.

Từ trái qua phải: bà Đinh Thị Bích Xuân, VCCI; ông Phí Ngọc Tuyển, Thanh tra Chính phủ; bà Diana Torres, Trợ lý trưởng đại diện UNDP; bà Đỗ Thị Lan Phương, FLA tại Việt Nam; ông Thomas H. Trần. Ảnh: Phương Thảo.

Bà Đỗ Thị Lan Phương, Quản lý Cấp cao khu vực Đông Nam Á, Tổ chức Lao động Công bằng (FLA) tại Việt Nam cũng cho rằng, muốn xây dựng nền tảng kinh doanh nghiêm chính, cần có sự hỗ trợ và tham gia của các bên, nhưng sự thay đổi từ chính doanh nghiệp là điều kiện tối thiểu.

FLA đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát về yêu cầu minh bạch đối với các doanh nghiệp. Theo bà Lan Phương, nhiều doanh nghiệp tham gia khảo sát đã nhận định rằng, việc đáp ứng các bộ tiêu chí về thực hành liêm chính trong kinh doanh là khó và những yêu cầu đó chỉ phù hợp với các nước châu Âu.

“Nhưng thực chất đây đều là những quy chuẩn toàn cầu về hình dung của một doanh nghiệp kinh doanh liêm chính, minh bạch và bền vững”, bà Phương nói.

Chính phủ sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp

Lắng nghe ý kiến tại hội thảo, ông Phí Ngọc Tuyển, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ khẳng định, việc phát triển tăng cường liêm chính trong hoạt động kinh doanh sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc.

Công tác triển khai phòng chống tham nhũng tại khu vực ngoài Nhà nước đã sớm được đưa vào Luật từ năm 2012. Chính phủ Việt Nam và các nước trong khu vực cũng đã cùng thành lập quy tắc kinh doanh liêm chính.

“Điều này đặt ra yêu cầu, các doanh nghiệp muốn phát triển bền vững buộc phải tăng cường tính liêm chính trong kinh doanh. Đây vừa là yêu cầu bắt buộc và vừa là quyền lợi của các doanh nghiệp”.

Ông Phí Ngọc Tuyển, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ

Khẳng định việc phát triển chỉ số VBII là hoạt động đồng hành với công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ hiện nay, ông Tuyển cho rằng, Nhà nước chỉ là cơ quan định hướng, mang tính trọng tài, còn việc phòng chống tham nhũng khu vực tư nhân cần sự vào cuộc của nhiều bên liên quan, trong đó đặc biệt là bản thân các doanh nghiệp.

“Tất cả con đường đi đến bể khổ là chưa chế định lòng tham. Lời khuyên cho các doanh nghiệp là muốn có lợi ích nhưng cũng cần kiểm soát lòng tham và chọn con đường đúng đắn”, ông Tuyển nói.

Theo Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, "doanh nghiệp thường có câu hỏi 'Chính phủ sẽ giúp gì khi văn hóa phong bì ngấm tương đối sâu'. Tôi có thể khẳng định, Chính phủ sẽ luôn để ‘cửa mở’ để tiếp nhận ý kiến bằng bất cứ con đường nào. Qua đó, đối thoại, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ, miễn là doanh nghiệp đó có nguyện vọng xây dựng một nền kinh doanh liêm chính”, ông Phí Ngọc Tuyển khẳng định.

Phương Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/khi-van-hoa-hoa-hong-da-la-thoi-quen-co-huu-post11659.html