Khi vật dụng lao động trở thành... văn hóa

Mốt 'chơi trội' của các khách sạn, nhà hàng, quán cà phê sang trọng và khu du lịch nghỉ dưỡng ở Tây Nguyên bây giờ là chưng treo những vật dụng lao động của đồng bào bản địa Tây Nguyên. Trên các kệ, tường ở gian lễ tân, nhìn những chiếc gùi, nỏ, nơm bắt cá, giỏ đựng cá, xà gạt, liềm, cây lao, quả bầu khô, áo thổ cẩm, chiếc cồng, chiếc chiêng... thấy dễ thương gì đâu!

Đó đây, trong những căn nhà bình thường ở phố hay biệt thự ngoại ô, gia chủ cũng tìm đôi hiện vật như thế về chưng. Giữa đồ điện tử như ti vi màn hình phẳng hiện đại, dàn máy nghe nhạc, kệ để rượu Tây, chiếc piano, cây guitar, chậu kiểng... người ta phối điểm chiếc ghè, cây đàn goong, ding páh, ding tar tà, chiếc nỏ...

Cuộc chơi “chân mộc” nên thơ lan đi nhẹ nhàng, thầm ý, như một mạch lắng, ngầm. Có gì đó ngỡ bình thường nhưng thật ra rất tinh tế, tự đòi hỏi vượt qua thông thường. Và đây đó ở Gia Lai, Kon Tum, Đak Lak, Đak Nông, Lâm Đồng có những người đi sưu tập những bộ vật dụng làm rẫy, có người đi sưu tập bộ vật dụng làm ruộng, người khác thì sưu tập vật dụng trong nhà bếp, vật dụng lễ hội; có người đi sưu tập những bộ ghè (ché), bộ ching (chiêng)...

Không phải ngẫu nhiên mà ông Chủ tịch Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên khi lập “Bảo tàng thiên đường cà phê” ở TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đak Lak) lại cho người của mình đi khắp nơi để sưu tập các đồ dùng của các sắc dân bản địa. Đến độ, ông còn mua nguyên một bảo tàng tư nhân về các vật dụng ấy ở Bảo Lộc mang về trưng bày. Thế là, du khách ở các đô thị đồng bằng và nhất là khách Tây khi đến cái thiên đường kia của ông họ cứ ghé mắt vào khu trưng bày gùi, nỏ, giỏ sơn dã... kia nhiều hơn là hệ thống các trường phái máy rang xay, pha chế cà phê cổ kim mà ông đưa từ các nước trên thế giới về. “Thiên đường cà phê” của ông ta bước ra từ đại ngàn Tây Nguyên mà.

*

Quy luật trên cả địa cầu này nó thế, càng hiện đại, tiện nghi, nhanh chóng và xô bồ thì con người càng mơ ước những gì trầm tĩnh, đơn sơ, chất phác. Mà những điều đó chỉ có thể sinh ra từ cỏ cây và tâm hồn người đời với cỏ cây. Đó là cái nền văn minh thảo mộc. Nền văn minh đậm quánh, đặc sắc, mọi thứ đều từ rừng, mà ở Gia Lai này, cũng như toàn cõi Tây Nguyên từng là, từng thuộc về.

Văn hóa sinh ra từ sự thật ở đời sống, kết tích bằng những thế kỷ thấm vào từng tế bào đời sống và viên thành, mà thế giới văn hóa này của Tây Nguyên thì quá mênh mông, như mơ, tưởng tượng, thật mà như huyền ảo. Nó như ta nhớ về Pơtao Ia, Pơtao Puih, như ta nhớ về những hình ảnh bà con sơn nguyên ngày nào trên rẫy lúa cạn, những chuyến đi săn, những con thuyền độc mộc trên sông, những cây đàn t’rưng bên bến nước của plei, những tượng gỗ nhà mồ, những điệu xoang, những lời hmon...

Một bộ sưu tập ghè (ché) của người Xtiêng ở Tây Nguyên. Ảnh: Nguyễn Hàng Tình

Một bộ sưu tập ghè (ché) của người Xtiêng ở Tây Nguyên. Ảnh: Nguyễn Hàng Tình

Giữa thời buổi đến cái đầu sinh học còn có ngay máy sấy tóc, chậu chén còn có máy rửa, cái nhành cây bé con còn có kéo điện cắt cành như chớp... thì thảo mộc trong veo làm sao không là thứ “xa xỉ tâm hồn”. Cái gì mất đi người ta mới tiếc nuối. Cái gì lụi tàn nó mới rực rỡ thâm sâu. Loài người bắt đầu khát khao sự thiện lành. Loài người thèm hoài niệm. Loài người bắt đầu đi tìm ký ức.

Cái gì đẹp, có giá trị, long lanh thì nó réo gọi xuyên thủng tâm hồn người đời, cho dù không sinh ra và lớn lên trong không gian đó, là người đô thị hay đồng bằng. Dư hương của một nền văn minh-nền văn minh độc đáo trên đất nước Việt Nam đầy sinh động và chìm nổi, dư thừa niềm vui và dư thừa chua cay này. Khi nó trở thành ký ức thì nó phát sáng. Nó là sản phẩm của tinh thần, trở thành... văn hóa. Khác với hmon hay “Không gian văn hóa cồng chiêng” là văn hóa phi vật thể, thì những vật dụng thô sơ kia là vật thể, là “thông tin”, là di chỉ, là vật chất chạm, cầm, nhìn thấy được.

*

Trong mạch dòng những người trân quý, thèm hoài niệm, cần ký ức kia thì chắc chắn sẽ có những người nắm bắt điều đó để đi săn lùng những đồ vật của nền văn minh thảo mộc. Người ta sẽ kiếm sống, kiếm tiền, trục lợi trên nó, coi là một “nghề mới”, bằng cách đi vào các buôn làng nài nỉ, gạ gẫm, xin xỏ, mua, đổi... của bà con để mang về bán cho những người trân quý thèm chưng khoe nó thực sự. Nghĩa là, những đồ vật dân dã bình thường đó cũng trở thành “hàng hóa” và dĩ nhiên nó có thị trường lặng lẽ của nó mà không ồn ào như những hàng hóa thực dụng đại trà thông thường khác. Nó đặc biệt trong bản chất bình dị tưởng không có gì đáng giá, “lên ngôi” của nó.

Những vật dụng đó lạc hậu? Không, nó không lạc hậu mà là chân phương, tinh tế, thuộc về một nền văn minh, một thời đại. Do vậy, nó sừng sững chói sáng sự thiện lành, thuận hòa trước trời đất. Ai, nơi đâu, chốn nào yêu thương nó là đã trao những “vương miện” cho nó-nền văn minh thảo mộc. Thế nhân còn nhớ nó, nghĩa là nó không hề “chết” mà thành huyền thoại.

NGUYỄN HÀNG TÌNH

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202101/khi-vat-dung-lao-dong-tro-thanh-van-hoa-5717116/