Khi virus đập tan 'giấc mơ Mỹ' của dân nhập cư
Xa lộ Buford từng là nơi các tiểu thương nhập cư bắt đầu sự nghiệp và theo đuổi 'giấc mơ Mỹ'. Nhưng năm nay, mọi thứ bị đảo lộn.
Theo New York Times, Sagar Alam là một người Bangladesh nhập cư vào Mỹ. Ông đến Atlanta năm 1994, lúc mới 16 tuổi. Nay ở tuổi 42, Alam hiện sống ở bang Georgia và từng kinh qua hàng chục công việc để mưu sinh. Ông từng chạy bàn, rửa bát và phục vụ món ăn tại các lễ hội.
Đến đầu những năm 2000, Alam tiết kiệm đủ tiền mua một tiệm bánh pizza và bán lại kiếm lời. Năm 2017, ông cùng một vài người bạn người Mỹ gốc Bangladesh mở một nhà hàng ẩm thực Nam Á. Khách hàng bước nhà hàng thường nhìn thấy Alam mỉm cười đón họ.
Monsoon Masala - nhà hàng của Sagar Alam - nằm ở góc xa của trung tâm thương mại trên đường cao tốc Buford. Nơi đây là hành lang đông dân ở quận DeKalb và nằm phía đông bắc của khu vực đô thị Atlanta, nơi kết nối các cộng đồng trung lưu với các vùng ngoại ô giàu có ở phía đông bắc.
Mối nguy của các nhân viên tuyến đầu
Xa lộ Buford nổi tiếng là nơi tập trung nhiều nhà hàng, được thực khách địa phương yêu thích. Hồi trước đại dịch, tất cả 35 bàn trong nhà hàng của Alam đều kín chỗ vào các ngày cuối tuần. "Chúng tôi từng thu tới 10.000 USD/tháng", Alam nói với New York Times.
Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi khi đại dịch SARS-Cov-2 lan tràn sang nước Mỹ. “Công việc kinh doanh chậm lại vào cuối tháng hai, và bắt đầu tệ hơn vào tháng ba”, Alam ngập ngừng nhớ lại. Đầu tháng 4, sau khi chính quyền Atlanta ra lệnh đóng cửa quán bar, câu lạc bộ đêm và hạn chế tụ tập những địa điểm hơn 10 người, hoạt động kinh doanh của Alam hoàn toàn sụp đổ.
Trường học đóng cửa, đường phố vắng tanh và người dân hạn chế tiêu tiền. Không ai mua đồ ăn từ nhà hàng. Alam buộc phải ngừng trả lương và sa thải toàn bộ nhân viên phục vụ, chỉ giữ lại 4 nhân viên chính thức. Ông nói: “Tôi không thể sa thải họ với không một xu dính túi như vậy".
Khi virus vẫn hoành hành khắp tiểu bang, Alam không thể tiếp tục mở cửa nhà hàng, nhưng vẫn nhận các đơn hàng mang đi. "Nếu tôi hoặc một trong những nhân viên của tôi nhiễm bệnh, đó sẽ là vấn đề lớn. Nếu khách hàng nhiễm bệnh, vấn đề đó lại càng lớn hơn, điều này rất nguy hiểm với chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cần sống", Alam nói.
"Tôi tin và cầu nguyện sớm có vaccine chống Covid-19 này", ông than thở.
Theo tạp chí y khoa The Lancet, áp lực kinh tế từ dịch bệnh đè nặng lên các nhóm dân cư Mỹ thu nhập thấp. Giới nhân viên văn phòng có thể làm việc từ xa, nhưng hàng triệu người khác như y tá, nhân viên cửa hàng tạp hóa, nhân viên bưu điện và nhân viên vệ sinh lại không có lựa chọn nào như vậy.
Chuyên gia Sharrelle Barber thuộc Trường Y tế Công cộng Dornsife của Đại học Drexel cho biết: “Những người lao động tuyến đầu ở Mỹ thường là người da đen hoặc da màu. Họ không có đặc quyền được ở nhà trong đại dịch".
"Tôi cầu nguyện sớm có vaccine chống đại dịch Covid-19 này" - Sagar Alam, dân nhập cư Mỹ gốc Bangladesh.
Dữ liệu cho thấy cư dân da màu và những người nhập cư mắc bệnh với tỷ lệ cao hơn so với nhóm người Mỹ khác. Họ cũng có tỷ lệ tử vong cao hơn và gánh chịu nhiều hệ quả về kinh tế hơn.
Gói kích thích kinh tế do chính phủ và quốc hội Mỹ thông qua cũng không giúp cải thiện tình hình của nhóm người này. Tính đến giữa tháng 4, các cơ sở lưu trú và ngành công nghiệp thực phẩm, khu vực tập trung nhiều người nhập cư, chỉ nhận được 9% trong số 349 tỷ USD hỗ trợ các doanh nghiệp trả lương cho công nhân, mặc dù người lao động trong ngành này bị chịu ảnh hưởng từ đại dịch nặng nề nhất.
"Giấc mơ Mỹ" không màu hồng
Chỉ 10 tháng trước đó, Alam từng mơ về việc mở thêm cửa hàng thứ hai của Monsoon Masala. Giờ đây, tất cả những gì ông mong mỏi là làm sao giữ cho nhà hàng tồn tại. Kế hoạch biến một nửa không gian của nhà hàng thành sảnh hookah kết hợp quầy bar bị chủ nhà phản đối vì quy định của chính quyền địa phương. Alam bế tắc tìm lối mưu sinh. Ôn g lo lắng về tương lai của gia đình. "Tôi và vợ nên làm gì, phải làm gì, sẽ làm gì?", ông buồn bã.
Một nghiên cứu gần đây của Robert Wood Johnson Foundation và trường Y tế Công cộng Harvard ước tính khoảng 33% hộ gia đình da trắng ở Mỹ phải đối phó với các vấn đề tài chính nghiêm trọng liên quan đến đại dịch. Con số này đối với các hộ gia đình da đen là 60% và lên tới 72% đối với các gia đình gốc La tinh.
Từ những năm 1980, hàng nghìn người nhập cư chuyển đến khu vực xa lộ Buford bởi giá thuê nhà phải chăng và lượng khách dồi dào nhờ lưu lượng xe đông đúc di chuyển qua lại khu vực. Theo một ước tính gần đây, có hơn 1.000 doanh nghiệp trên đường cao tốc tại khu này thuộc sở hữu của người dân nhập cư.
Bà Rebekah Cohen Morris, thành viên hội đồng thành phố Doraville, chia sẻ: “Xa lộ Buford là một bức tranh xã hội phức tạp. Đây là nơi mọi người đổ về từ khắp nơi trên thế giới để thực hiện ước mơ của họ, nhưng cũng là nơi có rất nhiều người sống trong tình cảnh bấp bênh từ lâu”.
Bà Morris cho biết thêm những người nhập cư kém may mắn này làm những công việc được trả lương thấp và chỉ đủ trả tiền thuê nhà. "Cuộc sống của họ rất chật vật", cô nói.
Theo bà Morris, nhiều người dân ở xa lộ Buford mắc kẹt giữa nỗi sợ virus và cái nghèo. “Bạn bè của tôi chật vật giữa lựa chọn ra ngoài lao động hay hạn chế tiếp xúc xã hội. Họ không có đủ tiền tiết kiệm để trang trải cuộc sống và cần lao động, nhưng lo sợ khả năng lây nhiễm khi ra ngoài".
Trong tháng 4, tỷ lệ thất nghiệp ở DeKalb là 13,3%, cao hơn tỷ lệ toàn tiểu bang là 12,6%, mức cao nhất đối với bang Georgia trong nhiều thập kỷ.
Doraville có khoảng 55% là người Mỹ Latinh và phần lớn những người nhập cư gần đây không có giấy tờ tùy thân. “Nếu không có giấy tờ, bạn không thể nhận phiếu thực phẩm hoặc sự hỗ trợ từ Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị, cũng như không thể nhận được tiền cứu trợ từ chính phủ", bà Morris cho biết thêm.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khi-virus-dap-tan-giac-mo-my-cua-dan-nhap-cu-post1149077.html