Khi vợ chồng không hòa hợp

Người ta thường giải thích lý do một cuộc hôn nhân đổ vỡ là do vợ chồng không hợp nhau. Khi có quá nhiều thứ không hòa hợp thì nảy sinh mâu thuẫn và dẫn đến ly hôn.

Chị T ở Tây Hòa chia sẻ: Kết hôn với anh D, là đồng nghiệp tưởng rằng giống nhau nhiều thứ thì sẽ dễ dàng xây dựng hạnh phúc, nhưng sống với nhau được gần mười năm thì sóng gió nổi lên. Chị có tính chi tiêu rộng rãi, đặc biệt trong các dịp hiếu hỷ, các mối quan hệ gia đình, bạn bè. Trong khi đó, anh D tính hay cân đo, tính toán. Có lần em gái chị hỏi mượn tiền, số tiền chưa được nửa tháng lương của chị nhưng anh D có vẻ không vui. Anh bảo cứ như vậy sẽ tạo tâm thế dựa dẫm. Chị T buồn nhiều, nghĩ phía chồng, chồng chi tiêu thoải mái nhưng với gia đình vợ lại ky bo. Chị không chấp nhận lý lẽ chỉ giúp đỡ khi thật sự cần thiết mà vin vào ý nghĩ, chồng không muốn giúp đỡ gia đình vợ. Vậy là ấm ức và nhiều chuyện linh tinh tương tự vậy, không có gì lớn lao nhưng tình cảm rạn nứt dần...

Chị C ở Sông Hinh, là giáo viên, hai vợ chồng đã có hai con học đại học, sống với nhau tận 20 năm, có thể nói là đủ thời gian để hiểu nhau đến chân tơ kẽ tóc nhưng vẫn đi đến khủng hoảng không thể cứu vãn. Chị bảo chồng không vũ phu, không rượu chè, cờ bạc mà lo tu chí làm ăn, lo lắng cho vợ con. Nhưng tính chồng gia trưởng, lại thêm ăn nói thô lỗ. Không chỉ những lúc chỉ có hai vợ chồng mà ngay trước mặt con cái, gia đình vợ và bạn bè, anh cũng bộc lộ tính cách đó. Nhiều lần chị bị tổn thương vì thấy bị xúc phạm, nhưng nếu đề cập đến chuyện đó thì anh bảo “con người anh như vậy hồi giờ rồi!”. Lâu dần, từ nhẫn nhịn, bất mãn, cam chịu, chị trở nên bất cần và dễ dàng nổi nóng nếu anh lại “bệnh cũ tái phát”. Đến nỗi, sự có mặt của chồng cũng không cần thiết với chị nữa.

Thiết nghĩ, những chuyện bất đồng về sở thích, quan điểm hay gia trưởng, nói năng cộc cằn không nghiêm trọng đến nỗi vợ chồng phải chia tay. Đừng cầu toàn, đừng quan trọng hóa vấn đề. Chẳng phải người xưa đã tổng kết “giang sơn dễ đổi bản tính khó dời”. Hãy cố gắng “thuần hóa” để hạn chế hoặc chấp nhận khuyết điểm của chồng/vợ nhằm duy trì hôn nhân nếu nó chưa tới mức trầm trọng. Hôn nhân chỉ vững bền, hạnh phúc khi có sự cố gắng vun đắp của cả hai vợ chồng.

BÍCH NHÀN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/236489/khi-vo-chong-khong-hoa-hop.html