Khi ý Đảng hợp lòng dân
Hiệu quả của tín dụng chính sách đem đến không chỉ là giá trị kinh tế mà hơn cả là những vấn đề xã hội được giải quyết, cuộc sống của một bộ phận không nhỏ người nghèo, người yếu thế đã từng bước được cải thiện, nâng cao. Qua đó góp phần củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với đảng, nhà nước trên cơ sở hòa hợp ý đảng, lòng dân.
Ngày 22/11/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI ban hành Chỉ thị số 40- CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40). Chỉ thị ra đời đã tạo bước đột phá, kết nối sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) hỗ trợ, thúc đẩy nhóm yếu thế trong xã hội vươn lên, thay đổi cuộc sống.
Tín dụng Chính sách xã hội "Chìa khóa" mở lối thoát nghèo
Chị Trần Thị Thái ở thôn 5, xã Quảng Thạch cũng đã vượt qua cái nghèo bằng sự cần cù và những trợ giúp từ Hội phụ nữ xã cùng với nguồn vốn chính sách, Trước đây, chị Trần Thị Thái ở Thôn 5 thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở thôn 5, xã Quảng Thạch (huyện Quảng Trạch). Chồng mất sớm, mình chị lam lũ nuôi các con ăn học, bản thân lại hay đau ốm, nên cũng không làm lụng được nhiều, cũng chỉ cố gắng bữa cơm bữa cháo, mẹ con sống qua ngày. Trước hoàn cảnh khó khăn của chị Thái, Hội LHPN xã không chỉ có những động viên kịp thời về vật chất, tinh thần mà còn mang đến cơ hội thoát nghèo cho gia đình thông qua việc hỗ trợ xây dựng “Mái ấm tình thương” đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn chị vay vốn từ NHCSXH để phát triển chăn nuôi. Chị Thái chia sẻ, với số tiền 70 triệu đồng được vay, tôi mua bò về nuôi, trồng thêm rừng tràm, nhờ chịu khó chăm sóc, lại được các cán bộ kỹ thuật bám sát, hướng dẫn cách phòng bệnh nên đàn bò phát triển khỏe mạnh, mỗi năm sinh sản thêm được vài con. Tiền bán bò con bán nghé, chị lại đầu tư chăn nuôi thêm, gà, vịt để vừa có thức ăn và vừa bán có thêm thu nhập, kinh tế khá dần lên. "Chính tôi cũng không tin nổi mình có thể vượt qua chừng ấy khó khăn để có được cuộc sống như ngày hôm nay. Tất cả cũng nhờ có sự quan tâm của Hội LHPN các cấp, các ngành dành cho những người nghèo như chúng tôi, nhờ nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH"- chị Thái xúc động chia sẻ.
Một điển hình khác cho thấy sự bền bỉ, kiên trì vượt khó đó là gia đình chị Phan Thị Nguyệt, ở Thôn Tân An, xã Quảng Thanh trước đây là hộ nghèo của xã. Cả gia đình có 4 nhân khẩu. Chồng chị thì hay đau ốm, mặc dù chăm chỉ làm ăn, nhưng cái nghèo vẫn đeo bám mãi. Khi được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, gia đình chị đầu tư máy móc và nguyên liệu sản xuất bánh đa nem. “Vốn chính sách lãi suất thấp, thời gian vay dài nên tôi cũng dễ dàng xoay xở”- chị Nguyệt chia sẻ. Từ nguồn vốn vay chị Nguyệt đã phát triển quy mô sản xuất, tạo thu nhập ổn định, đời sống cũng ngày một cải thiện, đến nay gia đình chị đã thoát nghèo. Không những thế, với quy mô sản xuất của chị, cũng đã tạo công ăn việc làm cho 03 hội viên phụ nữ trong thôn với thu nhập từ 4,5 – 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Chị Nguyễn Thị Hiền, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn chi hội Phụ nữ thôn Pháp Kệ xã Quảng Phương có hơn 20 năm làm "cánh tay nối dài" chính sách tín dụng đến với hộ nghèo, cận nghèo cho biết: Các chương trình tín dụng do NHCSXH thực hiện thực sự cần thiết và phù hợp với người nghèo, cận nghèo và gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một hình thức đầu tư cho người nghèo, với các khoản vay nhỏ, lãi suất thấp, thời gian vay hợp lý và đặc biệt có sự đồng hành sát sao của cả hệ thống chính trị, nguồn vốn đã phát huy sức mạnh tổng hợp, giúp nhiều gia đình giải được bài toán thoát nghèo.
Câu chuyện của chị Thái, chị Nguyệt chỉ là 2 điển hình minh chứng về một quyết sách đúng đắn của Đảng, chuyển mạnh cách làm từ cho người nghèo "con cá" bằng cách đưa "cần câu", tạo bước đột phá trong việc kết nối sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng NHCSXH hỗ trợ người nghèo, các đối tượng chính sách xoay chuyển đói nghèo để không ai bị "bỏ lại phía sau".
Tín dụng chính sách xã hội - Chắp cánh" những ước mơ
Không chỉ là “chìa khóa" mở lối thoát nghèo, không chỉ là đòn bẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn, tín dụng chính sách còn góp phần hiện thực hóa những giấc mơ học tập, chinh phục tri thức, giấc mơ về một ngôi nhà kiên cố để an cư lạc nghiệp của nhiều người.
Cho đến bây giờ, chị Dương Thị Tâm (Xóm 5, thôn Thanh Bình, xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch) vẫn không quên cảm giác vừa mừng, vừa lo khi cầm trên tay tờ Giấy báo trúng tuyển Đại học của các con. Nỗi lo của chị Tâm được giải tỏa khi đồng vốn chính sách "gõ cửa" gia đình chị. Nhớ lại những ngày đầu, chị Tâm ngậm ngùi chia sẻ: "Con đỗ Đại học mừng mừng tủi tủi bởi không biết lấy tiền đâu cho con đi học khi phải nuôi 6 đứa con ăn học. Kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào 2 mẫu ruộng. Nhưng thương con, muốn các con học hành đến nơi đến chốn, được sự giới thiệu của Hội phụ nữ xã, cứ như thế, lần lượt các con thi đỗ vào Đại học, Cao đẳng, chị Tâm đều được hỗ trợ mọi thủ tục để vay vốn học sinh sinh viên từ NHCSXH... các con có thêm nguồn trang trải, chi phí học tập.
Hiện nay, 4 người con của chị đã học hành thành đạt, có việc làm ổn định và đã lập gia đình, còn 2 người hiện đang là sinh viên Trường Đại học. Trong ngôi nhà nhỏ treo đầy những giấy khen của các con, chị Tâm không giấu được niềm hạnh phúc. "Các con của tôi có được thành công như ngày hôm nay tất cả là nhờ có sự quan tâm của địa phương, nhờ chính sách tín dụng nhân văn của Đảng, Nhà nước".
Niềm vui trong những ngôi nhà mới
Với thu nhập của vợ chồng trẻ còn thấp, việc có được một ngôi nhà riêng là điều xa vời đối với chị Võ Thị Loan, thôn Tân An, xã Quảng Thanh (huyện Quảng Trạch). Tuy nhiên, do gia đình có nhiều thế hệ cùng sống chung trong ngôi nhà cũ chật chội đã khiến vợ chồng chị Thùy nghĩ đến việc làm nhà. Biết đến chính sách cho vay nhà ở xã hội, lãi suất thấp, thời gian trả nợ kéo dài, chị quyết định vay 500 triệu đồng, cộng với số tiền tích cóp được để xây dựng ngôi nhà mơ ước.
Cũng như chị Loan, gia đình chị Phạm Diệu Thùy thôn Phú Lộc 2, xã Quảng Phú chưa bao giờ nghĩ có được ngôi nhà khang trang với diện tích sàn gần 130 m2 như hiện nay. Chị Thùy chia sẻ: "Nếu vay các ngân hàng thương mại thì chắc chúng tôi không dám, vì lãi suất quá cao. Thật may mắn khi có chương trình cho vay nhà ở xã hội, lãi suất thấp, thời hạn vay dài, việc trả gốc, lãi linh hoạt nên vợ chồng tôi yên tâm vay vốn. Các thủ tục vay được cán bộ ngân hàng trực tiếp hướng dẫn tận tình, ngay từ đầu nên cũng khá dễ dàng".
Niềm vui của chị Loan, chị Thùy cũng là tâm trạng chung của các hộ gia đình khi được vay vốn ưu đãi. Với gói hỗ trợ từ NHCSXH đã góp phần giải quyết khó khăn, tạo điều kiện cho người nghèo, lao động, công nhân, viên chức thu nhập thấp có được căn nhà khang trang. Điều này một lần nữa khẳng định, tín dụng chính sách là một định chế tài chính công sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, kịp thời đồng hành cùng mỗi người dân trong mỗi giai đoạn quan trọng của đời người, đó là học tập, lập nghiệp, khởi nghiệp, an cư…
Tô đậm thêm tính nhân văn của chính sách
Với vai trò là “cầu nối” giúp nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) đến với chị em phụ nữ trên địa bàn huyện, tính đến thời điểm 30/9/2024, Hội LHPN huyện đã và đang tham gia quản lý dư nợ ủy thác từ NHCSXH 184,792 tỷ đồng, quản lý 84 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) với 3.609 hộ vay. Các thành viên vay vốn tham gia gửi tiết kiệm đạt trên 96,8% với số dư tiết kiệm là 13,428 tỷ đồng.
Rõ ràng hiệu quả đầu tư nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ tính bằng những giá trị kinh tế đạt được mà còn là điểm tựa vững chắc cho người nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Thông qua nhiều chương trình cho vay vốn đa dạng, phong phú từ NHCSXH, Hội Phụ nữ các cấp luôn quan tâm, chú trọng đa dạng hóa nguồn lực, tạo sinh kế giúp hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng; hộ có học sinh - sinh viên khó khăn thì được tiếp thêm động lực để tiếp tục đến trường hoàn thành hoài bão, ước mơ của các em. Nhiều chị đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đầu tư chuyển đổi hình thức sản xuất, kinh doanh; chú trọng phát triển các ngành nghề truyền thống, từng bước cải thiện và nâng cao mức sống gia đình.
Có thể khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân và ngày càng đi vào cuộc sống. Để phát huy hơn nữa hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, phù hợp với bối cảnh, tình hình phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới, thời gian tới, các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn huyện tiếp tục quan tâm quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40. Nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách trong quá trình tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/khi-y-dang-hop-long-dan-159298.html