Khích lệ học sinh, sinh viên nghiên cứu khoa học

Nhiều năm nay, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Bình Dương luôn quan tâm, khuyến khích học sinh (HS), sinh viên (SV) nghiên cứu khoa học (NCKH) để phát triển tư duy và khả năng nghiên cứu, phục vụ quá trình học tập, công tác. Theo đó, mỗi năm có hàng trăm đề tài, dự án, sáng kiến của HS, SV được nghiệm thu, ứng dụng thực tiễn, tạo thành phong trào thi đua sáng tạo trong toàn ngành.

Cuối tháng 6 vừa qua, Đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất vật liệu composite từ vỏ xe phế liệu, keo dán tổng hợp UF và nhựa phế thải” của em Nguyễn Phúc Khang (Trường THPT chuyên Hùng Vương ở TP Thủ Dầu Một) đã đoạt giải tư tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia HS trung học năm học 2019-2020, do Bộ GD&ĐT tổ chức. Đây là một trong những đề tài, sáng kiến được Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương lựa chọn, trao giải nhất trong cuộc thi cấp tỉnh (cuộc thi thu hút 97 đề tài, dự án của HS thuộc 70 trường khối trung học toàn tỉnh tham gia). Cô Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hùng Vương, cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT, từ đầu năm học, nhà trường đã chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch NCKH, khuyến khích HS các lớp đăng ký sáng kiến. Hội đồng khoa học nhà trường thẩm định ban đầu và hỗ trợ tác giả thực hiện ý tưởng. Chúng tôi luôn có chính sách ưu tiên cho HS có đề tài, sáng kiến được nghiệm thu thành phẩm nhằm động viên các em vừa học tập tốt, vừa say mê NCKH giúp ích cho bản thân và tập thể”.

 Tham quan sản phẩm nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương).

Tham quan sản phẩm nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương).

Việc tổ chức các cuộc thi sáng tạo là cơ hội để HS, SV thực hành NCKH, hình thành và phát triển kỹ năng tư duy logic; đồng thời giúp các cơ quan chức năng phát hiện những đề tài có tính khả thi để đầu tư, ứng dụng thực tiễn. Thực tế NCKH ở các trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương những năm qua cho thấy, đối với các dự án thuộc lứa tuổi HS trung học cơ sở, tuy kiến thức các em được trang bị chưa nhiều nhưng đã có sự sáng tạo và năng lực nhất định, bước đầu định hình phương pháp NCKH; đã có một số sáng kiến mang tính khả thi. Còn ở bậc THPT, chất lượng các sáng kiến khá hơn, đa dạng lĩnh vực, bám sát thực tế học tập và đời sống hằng ngày. Nhiều sáng kiến có giá trị thực tiễn cao, thể hiện tư duy nghiên cứu khá tốt. Ở bậc cao đẳng, đại học, phong trào SV NCKH phát triển mạnh mẽ. Điển hình như Trường Đại học Thủ Dầu Một, cuộc thi SV NCKH và Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ” năm 2020 thu hút 323 đề tài đăng ký với 650 SV thuộc 9 khoa tham gia. Nhà trường đã nghiệm thu 180 đề tài và trao giải cho 38 đề tài của các nhóm SV đạt chất lượng tốt. PGS, TS Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ Dầu Một, cho biết: "Từ việc xác định đề tài đến quá trình triển khai nghiên cứu đề tài cho thấy, HS, SV có tư duy tốt cần được khích lệ. Những ý tưởng sáng tạo của các em đã được hiện thực hóa và giải quyết nhiều vấn đề nảy sinh trong thực tiễn".

Để phong trào NCKH của HS, SV ngày càng phát triển, đạt hiệu quả cao, cần tiếp tục khơi dậy niềm đam mê sáng tạo cho các em từ sớm. Theo bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương, các nhà trường cần tạo điều kiện thuận lợi cho HS, SV tham gia NCKH; đẩy mạnh đổi mới cách dạy, cách học, hướng tới sự phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho HS, SV; chủ động đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền hỗ trợ các em thực hiện thành công ý tưởng sáng tạo trên thực tế.

Bài và ảnh: DUY PHONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/khich-le-hoc-sinh-sinh-vien-nghien-cuu-khoa-hoc-635237