Khích lệ tinh thần làm việc và cơ chế bảo vệ cán bộ
Ông Bùi Văn Xuyền - nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết.
PV: Là người từng tham gia thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021, ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện?
Ông Bùi Văn Xuyền: Hiện nay sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì áp lực công việc đối với cán bộ càng nhiều. Bởi khi các đơn vị hành chính “lớn lên” do 2 hay 3 nơi sáp nhập làm 1 thì công việc nhiều lên, địa bàn rộng ra trong khi đó cán bộ thì tinh giản. Cho nên trong tinh giản biên chế, bố trí cán bộ sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính phải giữ được cán bộ có năng lực. Đây là vấn đề lớn. Phần lớn những người có năng lực, sau khi có tinh giản biên chế thì họ chuyển ra ngoài khu vực nhà nước để sang nơi có mức thu nhập cao hơn, môi trường làm việc thoải mái hơn.
Việc tinh giản biên chế hay sắp xếp các đơn vị hành chính trong thời gian tới đây được diễn ra theo lộ trình. Kèm theo đó là phải sắp xếp cán bộ, xử lý cán bộ dôi dư, lựa chọn người làm được việc ở lại, xây dựng cơ chế chính sách làm sao để phù hợp với từng địa bàn. Ví dụ trước đây 3 xã nhưng giờ nhập làm 1 xã, cán bộ có 100 người nhưng giờ còn có 30 người. Số lượng dân tăng, địa bàn rộng thì trách nhiệm cao. Do đó phải tính toán và xây dựng cơ chế hợp lý để cán bộ ở lại có thể làm việc được.
Tôi cho rằng cơ chế chính sách phải đi kèm với ngân sách, vấn đề nguồn lực chính là tiền. Sáp nhập các đơn vị hành chính để giảm chi từ ngân sách thì khi bộ máy đã tinh gọn, chúng ta cũng phải đảm bảo chế độ chính sách hợp lý. Bởi sau khi tinh giản thì phải đảm bảo tính hiệu quả.
Theo ông trong tinh giản và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2023-2030 cần có cơ chế nào để giữ lại “người tinh”, tránh việc giữ lại người “chưa tinh”?
- Đây là vấn đề thuộc về cơ chế và đãi ngộ. Do đó Bộ Nội vụ cần nghiên cứu và tham mưu trình Chính phủ, Quốc hội. Về cơ chế chúng ta đã tính toán, bàn nhiều năm nay nhưng vẫn chưa đưa ra được chính sách hiệu quả. Chế độ tiền lương hiện chưa đảm bảo các vấn đề của đời sống cho cán bộ công chức, viên chức. Từ trước đến nay họ chủ yếu vẫn dựa vào các nguồn thu nhập khác như “chân trong chân ngoài”, vừa làm trong khu vực nhà nước, vừa làm thêm ở ngoài, không loại trừ có tiêu cực, tham nhũng vặt.
Bây giờ công việc được giao nhiều, làm không hết việc vậy thời gian đâu mà làm thêm ở ngoài. Chưa kể hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm mạnh mẽ nên có một bộ phận cán bộ công chức có tâm lý e ngại, sợ sai. Vì thu nhập, lương vẫn vậy mà làm thì có thể bị sai, bị xử lý.
Cho nên vấn đề về thu nhập và điều kiện làm việc cần phải được cải thiện bằng cơ chế chính sách. Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo nghị quyết của trung ương thì chúng ta phải tiếp tục thực hiên. Có điều xử lý cán bộ dôi dư là vấn đề rất cần quan tâm.
Thực tế đang có một bộ phận cán bộ đùn đẩy né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm, thưa ông?
- Chúng ta đã đẩy mạnh xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng. Trong khi đó chính sách ban hành có cái chưa được rõ ràng nên trong quá trình tổ chức thực hiện tại cơ sở có nhiều thứ bị hạn chế. Cho nên họ ngại và sợ trách nhiệm, làm có khi bị sai, bị xử lý trách nhiệm. Đây là vấn đề Trung ương đã nhìn nhận ra.
Bên cạnh việc xây dựng cơ chế chính sách thì cần theo dõi quản lý công tác cán bộ tại cơ sở. Làm sao phải khích lệ được họ làm việc, cơ chế chính sách thu hút người tài và cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Vì thế Bộ Nội vụ cần tham mưu cho Chính phủ ban hành chính sách thúc đẩy và thu hút người có năng lực vào làm việc trong các cơ quan nhà nước. Tạo điều kiện cho họ phát huy hết các năng lực của mình, phương tiện làm việc để họ phát huy tính năng động sáng tạo của mình trong công việc chứ không phải sợ không dám làm.
Để giữ người tài, tránh việc “tinh giản nhầm” phải làm sao, thưa ông?
- Để giữ người làm được việc cần có cơ chế và nhiều thứ đi kèm theo. Chế độ tiền lương chỉ là một chuyện. Vì lương cao thì trách nhiệm cũng phải cao. Lương chỉ là một yếu tố bởi kèm theo các chế độ động viên, khen thưởng, tôn vinh. Bởi khi tinh giản biên chế thì công việc của mỗi người phải làm nhiều hơn, trách nhiệm cao hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!
Việc tinh giản biên chế hay sắp xếp các đơn vị hành chính trong thời gian tới đây được diễn ra theo lộ trình. Kèm theo đó là phải sắp xếp cán bộ, xử lý cán bộ dôi dư, lựa chọn người làm được việc ở lại, xây dựng cơ chế chính sách làm sao để phù hợp với từng địa bàn. Ví dụ trước đây 3 xã nhưng giờ nhập làm 1 xã, cán bộ có 100 người nhưng giờ còn có 30 người. Số lượng dân tăng, địa bàn rộng thì trách nhiệm cao. Do đó phải tính toán và xây dựng cơ chế hợp lý để cán bộ ở lại có thể làm việc được.