Khiếu nại chính quyền 'làm khó' việc cất nhà ở tạm

Ông Nguyễn Hoàng Sơn (sinh năm 1960, đường Hùng Vương, phường 2, TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp) khiếu nại cho rằng UBND thị trấn Chợ Mới (Chợ Mới) ngăn chặn đương sự cất nhà ở tạm trên phần đất hương hỏa do ông quản lý (tổ 16, ấp Long Hòa, thị trấn Chợ Mới).

Trình bày vụ việc, ông Nguyễn Hoàng Sơn cho biết, phần đất cất nhà ở tạm là của ông nội, cho cha ông (Nguyễn Hữu Hiền) làm đất hương hỏa, không được bán hay sang nhượng cho người khác. Phần đất này diện tích khoảng 2.000m2, phía trước đã cho ông Nguyễn Văn Hòa cất nhà ở, phía sau bỏ trống, chôn cất nhiều ngôi mộ, nay còn 9 ngôi mộ. Đất này có ranh giới rõ ràng, không tranh chấp. “Gia đình tôi có 10 anh em, trong đó có đến 8 người định cư ở nước ngoài, người em gái có chồng ở xa, bản thân tôi được cha mẹ, anh em giao quản lý đất hương hỏa nhưng vợ chồng mưu sinh ở TP. Cao Lãnh. Sau ngày cha mẹ tôi chết, không có người quản lý nên số đất bị lấn chiếm, thậm chí đến khi về viếng mồ mã ông bà, cha mẹ cũng gặp khó khăn. Gần đó, có một số bà con thân tộc nhưng không hỗ trợ việc quản lý, ngược lại còn đòi phân chia đất với lý do là của ông bà để lại. Để gỡ khó việc này, gia đình tôi quyết định cất tạm ngôi nhà ngang 4m, dài 10m (bằng cây tạp, lợp tole) ở liền kề phía sau nhà ông Nguyễn Văn Hòa. Ngày 7-1, gia đình tôi vừa dựng lên, bị cán bộ địa phương đến ngăn cản” - ông Sơn cho biết.

Ông Nguyễn Hoàng Sơn bên khung sườn nhà tạm vừa bị tháo dỡ

Tìm hiểu sự việc cho thấy, liền kề phần đất ông Sơn đang cất tạm có đất của tộc họ ông, đối diện có phần đất ông bà, cha mẹ ông sinh sống. Riêng phần đất ông Sơn cất nhà tạm chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Bà Nguyễn Thị Bích Lệ (sinh năm 1963, con người cô của ông Sơn) có đất liền kề phần đất hương hỏa của ông Sơn cho biết: “Đất của ông bà ngoại tôi khai phá, tạo dựng từ rất lâu. Ông bà ngoại có 6 người con, chỉ cậu Nguyễn Hữu Hiền (cha của cậu Nguyễn Hoàng Sơn) là con trai, được ông bà ngoại làm tờ chúc ngôn lập (lập ngày 22-10-1964) giao nhà đất làm hương hỏa, không được sang nhượng cho ai. Sinh thời, số đất tạo dựng đã được ông bà ngoại phân chia cho các dì. Hiện phần đất hương hỏa được giao cho cậu Sơn, nhưng nay mỗi lần về quản lý đất, viếng mồ mã của ông bà cũng gặp khó. Hiện, ông Nguyễn Văn Hòa (Rẫy) trước đây được ông bà tôi cho ở nhờ trên đất nay đã tranh chấp. Ông tự cắm mốc ranh ra phía sau khá xa, nói đã được sang nhượng, đề nghị trưng dụng, quản lý đất. Liên quan đến việc này, tranh chấp QSDĐ đã được khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Chợ Mới và đã bị đình chỉ vụ án. Cậu Sơn xin cất nhà ở tạm để quản lý đất, tu bổ, chăm sóc mồ mả ông bà, cha mẹ nhưng bị ngăn cản là điều không nên có”.

Bổ sung về việc này, ông Nguyễn Hoàng Sơn nói: “Đất của tôi quản lý, không một ai tranh chấp, đặc biệt tôi cất nhà tạm, giống như trại trông giữ vườn cây nên không làm đơn xin phép xây dựng. Ngày 24-2, các anh tên Thái, Nhịn - cán bộ của UBND thị trấn Chợ Mới đến nói cất nhà không xin phép là vi phạm, đề nghị tháo dỡ. Tôi nói cất nhà là ở tạm, chỉ thời gian ngắn, đến khi địa phương yêu cầu tháo dỡ là tôi chấp nhận. Tôi đề nghị như vậy nhưng các anh không đồng ý và họ gửi thư mời tôi đến xem xét giải quyết. Sau đó, có người anh tên Trung đến thương thuyết, rồi cùng một số người tháo dỡ khung sườn cây nhà tôi chưa dựng lên. Mục đích cất nhà tạm của tôi là quản lý phần đất hương hỏa, giữ gìn mồ mã ông bà, rất mong được cơ quan chức năng và địa phương xem xét, chấp thuận”.

Trả lời việc này, UBND thị trấn Chợ Mới cho biết, gia đình ông Nguyễn Hoàng Sơn ở đây đã lâu, có nhiều người rời khỏi địa phương, trong đó có ông Sơn. Vừa qua, khi phát hiện ông Sơn tự cất nhà không xin phép xây dựng, nên cán bộ đến xem xét, phân tích, giải thích, đồng thời đề nghị ông tạm ngưng việc này. Về phần đất ông Sơn cất tạm nhà chưa có GCNQSDĐ, đang có tranh chấp về QSDĐ, trong đó có phần đất đương sự xin cất nhà tạm. Địa phương phân tích, giải thích và động viên ông trả lại nguyên trạng phần đất tranh chấp, không có làm khó việc xây nhà tạm như đương sự phản ánh” .

Luật sư Trần Ngọc Bản (Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) cho biết, chỉ khi việc xây nhà tạm mà theo quy định Luật Xây dựng 2014 yêu cầu phải xin giấy phép xây dựng có thời hạn hay gọi là giấy phép tạm thì mới tiến hành thủ tục xin phép. Hiện nay, việc xây dựng nhà tạm diễn ra khá nhiều, khiến việc quản lý của nhà nước gặp khó khăn, dẫn đến nhiều bất cập, xảy ra thiệt hại lớn cho cá nhân, tổ chức khi bị xử lý, yêu cầu phá dỡ. Qua vụ việc trên cho thấy, việc xây nhà tạm không thuộc trường hợp phải làm thủ tục xin phép xây dựng theo quy định. Về việc này có thể linh động giải quyết nhưng đề nghị người cất tạm nhà phải làm cam kết, thực hiện các yêu cầu của địa phương.

Bài ảnh: N.R

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/khieu-nai-chinh-quyen-lam-kho-viec-cat-nha-o-tam-a265450.html