Khiếu nại liên quan căn nhà 118 Triệu Việt Vương (Hà Nội): Người khiếu nại cho rằng địa phương xử lý, trả lời chưa thỏa đáng
Luật sư Ngô Kim Lan cho rằng, các văn bản của UBND các cấp liên quan đến diện tích nhà này cần được chính quyền làm rõ, vì chính các cơ quan hữu quan còn có những nhận định không thống nhất về nguồn gốc, quá trình sử dụng.
Phản ánh đến Báo PLVN, bà Nguyễn Thị Mai Anh (ngụ 118 Triệu Việt Vương, phường Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), cho biết: Ngôi nhà 118 là của ông bà ngoại bà. Năm 1960, bà ngoại bà là cụ Lê Thị Mùi đã cho lớp bình dân học vụ mượn căn buồng 27m2 tại mặt tiền tầng 1 căn nhà phục vụ phong trào dạy chữ cho nhân dân. Sau khi lớp bình dân học vụ kết thúc khóa học, cụ lại cho Phòng Giáo dục quận mượn làm lớp mẫu giáo, đến 2008 nhà trẻ đã không sử dụng diện tích này làm lớp học nữa.
“Căn phòng 27m2 bà ngoại tôi cho mượn làm lớp bình dân học vụ chứ không hiến, không tặng, không giao Nhà nước quản lý và Nhà nước cũng không thực hiện bất kỳ thủ tục thu hồi hay quản lý căn buồng này. Sau khi bà ngoại tôi chết, các anh chị em của mẹ tôi đã nhường quyền thừa kế cho mẹ tôi là Phạm Tuyết Mai và từ đó mẹ tôi đã liên tục đi đòi nhà. Ròng rã hàng chục năm trời đến năm 2016, khi mẹ tôi qua đời, vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ các cơ quan hữu quan”, bà Anh nói.
Thực hiện theo di chúc và lời dặn dò của mẹ, bà Anh từ đó đến nay liên tục đi đòi lại nhà, nhưng vẫn chưa có kết luận của cơ quan thẩm quyền. Ngày 13/8/2019, bà bất ngờ nhận được Biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai số 14/BB – VPHC và Thông báo số 62/TB- UBND của phường Bùi Thị Xuân với nội dung: Yêu cầu gia đình bà Mai Anh tự giác chuyển đồ và các vật dụng đang sử dụng ra khỏi căn buồng 27m2 tại tầng 1 số nhà 118 Triệu Việt Vương, nếu không sẽ bị cưỡng chế.
Cho rằng, việc làm của UBND phường Bùi Thị Xuân là không thỏa đáng, bà Anh đã có đơn kiến nghị gửi UBND phường và quận, đề nghị cho biết hồ sơ thể hiện Nhà nước đã quản lý diện tích nhà đất này như thế nào?
Ngày 16/8/2019, UBND phường có Thông báo số 63/TB-UBND, cho biết: “Tầng 1 trước đây là lớp học của trường mẫu giáo Bùi Thị Xuân quản lý và sử dụng. Ngày 23/11/2016, UBND quận Hai Bà Trưng có Văn bản số 1383/UBND-TCKH về việc bố trí sắp xếp cơ sở nhà đất dôi dư, trong đó giao cơ sở nhà đất 118 Triệu Việt Vương cho UBND phường Bùi Thị Xuân quản lý và sử dụng làm nhà sinh hoạt cộng đồng địa bàn dân cư…”.
Bà Anh cho rằng, trả lời của phường không liên quan đến các nội dung bà kiến nghị. “Tôi mong muốn các cơ quan cung cấp cho tôi các tài liệu thể hiện việc Nhà nước đã quản lý cải tạo diện tích nhà đất của bà ngoại tôi chứ không thể nói chung chung như vậy”, bà Anh nói.
Luật sư Ngô Kim Lan (Văn phòng luật sư Đồng Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), nhận định: Các văn bản của UBND các cấp liên quan đến diện tích nhà này cần được chính quyền làm rõ, vì chính các cơ quan hữu quan còn có những nhận định không thống nhất về nguồn gốc, quá trình sử dụng.
“Ngày 3/6/2014, UBND Hà Nội có Văn bản số 2938/QĐ-UB giao UBND quận Hai Bà Trưng quản lý tại số nhà 118 phố Triệu Việt Vương diện tích gồm 35,5m2 đất và 56 m2 nhà. Tuy nhiên, trong thực tế căn phòng cụ Mùi cho mượn làm lớp bình dân học vụ năm 1960-1961 (sau này là nhà trẻ Bùi Thị Xuân) chỉ khoảng 27m2. Cụ Mùi không hiến, tặng, giao Nhà nước quản lý. Đồng thời Nhà nước cũng không thực hiện bất kỳ thủ tục thu hồi hay quản lý căn buồng này. Vậy thì diện tích đất và nhà nói trong Quyết định này hoàn toàn không liên quan đến căn phòng bà Anh đang quản lý sử dụng”, LS Lan nói.
Cũng theo LS Lan, cơ quan chức năng cần xác định rõ nguồn gốc căn nhà này trước khi thực hiện việc xử lý vi phạm như các văn bản mà UBND phường Bùi Thị Xuân đã ban hành.
PV đã nhiều lần liên hệ với UBND quận Hai Bà Trưng tìm hiểu sự việc, nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi của cơ quan này.