Kho bạc Nhà nước đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Kho bac Nhà nước kịp thời thanh toán khối lượng ngay khi có khối lượng hoàn thành của các dự án, tránh tình trạng có khối lượng hoàn thành nhưng chưa thể thực hiện thanh toán.
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, từ đầu năm đến nay Kho bạc Nhà nước cho biết đã có nhiều văn bản chỉ đạo các kho bạc tại các tỉnh, thành phố đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi tối đa cho thanh toán vốn, phấn đấu thời hạn giải quyết hồ sơ sớm hơn quy định.
Theo đó, Kho bạc Nhà nước phối hợp với chủ đầu tư, cơ quan tài chính đồng cấp trong thực hiện nhập, phê duyệt kế hoạch vốn vào hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) theo quy định, làm cơ sở để triển khai, thực hiện, kiểm soát thanh toán các dự án đầu tư đảm bảo kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong việc đẩy mạnh giao dịch điện tử qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước, kịp thời thanh toán khối lượng ngay khi có khối lượng hoàn thành của các dự án, tránh tình trạng có khối lượng hoàn thành nhưng chưa thể thực hiện thanh toán.
Trong quá trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư công, các đơn vị Kho bạc Nhà nước phải kịp thời nắm bắt và xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện giải ngân vốn của từng gói thầu, dự án theo đúng thẩm quyền. Đối với các vướng mắc vượt thẩm quyền, phải khẩn trương tổng hợp và đề xuất các giải pháp tháo gỡ với cấp có thẩm quyền để xem xét, giải quyết.
Theo báo cáo từ Kho bạc Nhà nước tính đến ngày 31/5, lũy kế thanh toán vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024 là 147.947,7 tỷ đồng; bằng 22,3% kế hoạch năm 2024 Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao (663.806,9 tỷ đồng); bằng 20,9% kế hoạch vốn đầu tư công thuộc kế hoạch năm 2024 giao (706.206,5 tỷ đồng).
Tại Cần Thơ, số liệu tổng hợp từ Kho bạc Nhà nước tỉnh này cho thấy, đến ngày 7/6, số vốn đã giải ngân là 2.574,529 tỷ đồng, đạt gần 29,09% kế hoạch vốn được HĐND thành phố giao chi tiết và đạt 24,59% kế hoạch Thủ tướng giao, tăng 1,13 lần về giá trị và tăng 1,19% về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2023.
Ước giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công của TP. Cần Thơ đến ngày 30/6/2024 là 3.100 tỷ đồng, đạt 29,61% kế hoạch Thủ tướng giao và đạt 35,03% kế hoạch HĐND thành phố giao.
Kho bạc Nhà nước Cần Thơ cho biết, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ngay từ đầu năm, Kho bạc Nhà nước tỉnh đã chủ động phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện quyết liệt thực hiện các giải pháp, cũng như thường xuyên kiểm tra đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phấn đấu đưa tỷ lệ giải ngân đạt kết quả cao nhất khi kết thúc năm.
Đồng thời, Kho bạc Nhà nước Cần Thơ đã chỉ đạo Phòng Kiểm soát chi phối hợp cung cấp báo cáo tình hình giải ngân, chi tiết đến từng dự án theo từng chủ đầu tư; dự án chưa giải ngân; dự án có tỷ lệ giải ngân thấp; dự án có số dư tạm ứng lớn, tạm ứng quá hạn kéo dài; dự án được giao kế hoạch vốn nhưng chưa nhập dự toán lên Tabmis...
Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà nước Cần Thơ đã tổng hợp khó khăn, vướng mắc và đề xuất biện pháp xử lý cụ thể để lãnh đạo thành phố chỉ đạo trực tiếp các đơn vị, tạo thuận lợi đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Đặc biệt, với mục tiêu lấy khách hàng là trung tâm, là đối tượng phục vụ, nên Kho bạc Nhà nước Cần Thơ luôn đôn đốc, nhắc nhở chủ đầu tư lập hồ sơ giải ngân kịp thời, tránh để dồn nhiều hồ sơ vào cùng một thời điểm hoặc vào cuối quý, cuối năm.
Khi hồ sơ được gửi đến, Kho bạc Nhà nước Cần Thơ luôn nỗ lực giải quyết thanh toán vốn nhanh gọn, đúng quy định. Trường hợp yêu cầu bổ sung hồ sơ (nếu có) chỉ thực hiện một lần trong suốt quá trình giải ngân, tuyệt đối không để hồ sơ tồn đọng mà không có lý do…
Tuy nhiên, kết quả giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công những tháng đầu năm 2024 vẫn chưa đáp ứng được như kỳ vọng.
Nguyên nhân vẫn là do công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gặp khó khăn, người dân vẫn còn khiếu nại về giá và chính sách hỗ trợ tái định cư; khan hiếm nguyên vật liệu cát để san lấp, đắp nền đường đối với các công trình lớn.
Đồng thời, việc khảo sát, thu thập số liệu để lập chủ trương đầu tư, dự án đầu tư chưa chuẩn xác, đặc biệt là việc khái toán kinh phí hỗ trợ, bồi thường và tái định cư còn thấp so với giá thị trường, dẫn đến khi triển khai thực hiện rất nhiều dự án có kinh phí bồi thường thực tế tăng rất nhiều so với quyết định đầu tư đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và làm vượt tổng mức đầu tư được duyệt. Từ đó, phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, mất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến quá trình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.
Một số chủ đầu tư chưa lường được hết các vướng mắc trong khâu lập dự án đầu tư, lập thiết kế kỹ thuật - dự toán, dẫn đến chậm phê duyệt dự án, đấu thầu không kịp theo kế hoạch đã được duyệt…