Kho bạc Nhà nước Hải Lăng đồng hành với sự phát triển của quê hương

Kho bạc Nhà nước (KBNN) Hải Lăng được thành lập ngày 8/10/1990 theo Quyết định số 360/QĐ-TCCB của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, KBNN Hải Lăng đã từng bước trưởng thành vững mạnh, làm tốt vai trò 'tay hòm chìa khóa' cho kế hoạch- tài chính địa phương, đồng hành với sự phát triển của quê hương.

 Xây dựng hệ thống giao thông qua hồ Khe Chè, Hải Lăng. Ảnh: PV

Xây dựng hệ thống giao thông qua hồ Khe Chè, Hải Lăng. Ảnh: PV

Huyện Hải Lăng có diện tích đất tự nhiên 42.479 ha, dân số 84.617 người; toàn huyện có 16 đơn vị hành chính (gồm 15 xã và 1 thị trấn), trong đó phân bố ở cả vùng đồng bằng, vùng cát, vùng gò đồi và vùng biển bãi ngang. Hải Lăng có vị trí địa lý thuận lợi do nằm trên trục Quốc lộ 1, có chiều dài bờ biển 14 km, thuộc Khu kinh tế Đông Nam của tỉnh.

Sau ngày lập lại tỉnh, tháng 7/1989 và tách ra từ huyện Triệu Hải, Hải Lăng lúc bấy giờ là một huyện nghèo về tài nguyên, cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì, nhiều diện tích đất là bãi cát trắng bỏ hoang, đồng ruộng nhiều nơi bị úng ngập, nhiều xã thường bị chia cắt khi có bão lụt, thiên tai thường xuyên đe dọa. Qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, KBNN Hải Lăng đã sát cánh cùng với Đảng bộ, chính quyền làm tốt nhiệm vụ tài chính- ngân sách trên địa bàn; triển khai nhiều chương trình, dự án như chương trình “phủ xanh đất trống đồi núi trọc”, dự án “chống cát bay, cát lấp”, tạo lập màu xanh trên vùng đất cát; nhiều dự án phát triển kinh tế biển, chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nông thôn mới...

Trong những năm qua, tình hình kinh tế- xã hội của huyện đã có bước phát triển vượt bậc; bộ mặt đô thị đã được chỉnh trang, nhiều tuyến đường nội thị, khu đô thị mới được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại. Vùng gò đồi đã được phủ xanh với nhiều loại cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị cao, nhất là cam, hồ tiêu; vùng đất cát trắng đang được quy hoạch để xây dựng Khu kinh tế Đông Nam của tỉnh với nhiều dự án động lực, quan trọng. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã thổi một “làn gió mới” vào vùng nông thôn của huyện, góp phần làm cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Nhiều vùng nông thôn Hải Lăng thực sự là “miền quê đáng sống”.

Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, KBNN Hải Lăng đã bám sát sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, KBNN, KBNN tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt hoạt động nghiệp vụ quản lý quỹ ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn, với những giải pháp đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. KBNN Hải Lăng nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu NSNN. Năm 2014 tổng thu NSNN đạt 81.100 triệu đồng, đạt 105,3% dự toán; đến năm 2018 tổng thu NSNN 649.500 triệu đồng, đạt 108,06% dự toán. Đặc biệt năm 2019 tổng thu NSNN 833.880 triệu đồng, đạt 160,36% dự toán. Sau 5 năm nhiệm vụ thu NSNN đã tăng thu 102,8% so cùng kỳ năm 2014.

Đối với công tác kiểm soát chi NSNN, với mục tiêu chi đúng, chi đủ, chi kịp thời, nhiều năm qua hoạt động chi NSNN luôn đem lại hiệu quả thiết thực cho địa phương, đặc biệt là kiểm soát chi đầu tư xây dựng cơ bản hằng năm đều giải ngân gần đạt 100% kế hoạch vốn được giao, chi NSNN bình quân hằng năm 842.800 triệu đồng, năm 2019 tổng chi NSNN 1.171.660 triệu đồng, đạt 99,12% dự toán được duyệt, trong đó chi đầu tư xây dựng cơ bản của 306 dự án giải ngân 126.000 triệu đồng, đạt 97,7% so kế hoạch vốn được giao, với những công trình trọng điểm như: Cầu vượt hồ Khe Chè (26 tỉ đồng); đường Nguyễn Huệ (7 tỉ đồng)... Thông qua công tác kiểm soát chi NSNN, KBNN Hải Lăng đã từ chối hơn 30 hồ sơ với tổng số tiền hơn 700 triệu đồng do đơn vị sử dụng ngân sách đã chi chưa đủ thủ tục hồ sơ, sai định mức chế độ quy định.

Trong công tác cải cách hành chính, KBNN Hải Lăng luôn là đơn vị thực hiện nghiêm túc các chương trình, đề án cải cách hành chính do Bộ Tài chính và KBNN tổ chức, như khai thác và vận hành tốt hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS); chương trình tổng hợp báo cáo, an ninh- quốc phòng, cảnh báo rủi ro... Đã ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn; thực hiện tốt quy trình kiểm soát chi NSNN, niêm yết công khai quy trình nơi giao dịch nhằm giảm thủ tục kiểm soát chi, đồng thời gắn trách nhiệm chủ động thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sử dụng NSNN.

Đặc biệt để giải quyết nhanh, gọn, tinh giản thủ tục và hạn chế các đơn vị đến kho bạc giao dịch, cuối năm 2018 đầu năm 2019, KBNN Hải Lăng đã triển khai chương trình dịch vụ công trực tuyến qua kho bạc, đã triển khai tốt đến các đơn vị khối huyện và các xã. Đến nay có 120 đơn vị trên tổng số 123 đơn vị (tính số đơn vị có hưởng kinh phí chi thường xuyên), đạt tỉ lệ 97% đơn vị đã đăng ký và sử dụng dịch vụ công trực tuyến kho bạc. Đây là bước đột phá của hệ thống KBNN thực hiện cải cách hành chính trong công tác kiểm soát chi và giải ngân vốn NSNN, tạo tiện ích và sự thuận lợi rất lớn đối với các đơn vị đến giao dịch với kho bạc, nhất là các đơn vị xã ở xa trung tâm huyện.

30 năm xây dựng và trưởng thành, lãnh đạo, cán bộ, công chức KBNN Hải Lăng nhận được nhiều danh hiệu thi đua “Tập thể lao động tiên tiến và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” của các Bộ, ngành trao tặng; 3 năm (2014, 2016, 2018) được Bộ trưởng Bộ Tài chính tặng bằng khen; năm 2019 đơn vị được Hội đồng thi đua KBNN tỉnh duyệt và đang trình Hội đồng thi đua KBNN và Bộ Tài chính đề nghị tặng cờ thi đua của Bộ Tài chính cho KBNN Hải Lăng do có thành tích xuất sắc trong hoạt động kho bạc và quản lý quỹ NSNN.

Võ Xuân Tịnh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=146710