'Kho báu' khổng lồ ẩn dưới biển hồ đang chết mòn ở California

Nằm dưới biển hồ Salton đang dần bị đất liền xâm chiếm ở bang California là mỏ lithium khổng lồ, có thể đáp ứng đủ nhu cầu của toàn bộ nước Mỹ trong những năm tới.

Maria Nava-Froelich, Thị trưởng thành phố Calipatria thuộc bang California, đang chăm chú theo dõi những bong bóng bùn nổi lên ở rìa biển hồ Salton - nơi lấy nước từ dòng sông Colorado đang dần cạn.

Theo South China Morning Post, diện tích của hồ Salton - hồ nước mặn lớn nhất của bang California đang dần thu hẹp lại, khiến lượng thuốc trừ sâu độc hại được tích tụ trong nước bị lan tỏa ra ngoài, đe dọa hủy hoại các loài cá và chim trong khu vực cũng như tăng nguy cơ mắc ung thư của người dân.

"Kho báu" dưới lớp bùn địa nhiệt

Nhưng dưới lòng hồ là một "kho báu" lớn. Lượng lithium khổng lồ, từng được coi là vô giá trị, nằm ở độ sâu hơn 1,6 km dưới lớp bùn địa nhiệt ở sa mạc phía bắc Mexico và phía tây thành phố San Diego.

Nếu được khai thác ở quy mô lớn, trữ lượng lithium dưới lòng hồ đủ để đáp ứng nhu cầu của toàn bộ nước Mỹ và thậm chí là có thể xuất khẩu.

Trong bối cảnh Mỹ khó có thể thuyết phục Trung Quốc nới hạn chế về xuất khẩu lithium, viễn cảnh này đủ để khiến bà Nava-Froelich và những cư dân khác đang sống trong cảnh nghèo khó tại hạt Imperial mơ về một "cơn sốt vàng" mới tại California.

"Chúng tôi phấn khích vì lượng lithium dưới lòng đất. Tài nguyên này có thể giúp các quốc gia khác, cải thiện cuộc sống của chúng tôi và giúp Mỹ không còn phụ thuộc", Nava-Froelich trả lời South China Morning Post.

"Tuy nhiên, chúng tôi từng có những lần hy vọng trong quá khứ nhưng không thành hiện thực", bà bổ sung. Nhu cầu toàn cầu đối với lithium - chất được dùng để sản xuất pin cho máy bay phản lực hay xe điện - được dự đoán tăng gấp 5 lần vào năm 2030.

 Dưới lòng biển hồ Salton là một lượng lithium khổng lồ, đủ để đáp ứng nhu cầu chuyển dịch năng lượng của cả nước Mỹ. Ảnh: Reuters.

Dưới lòng biển hồ Salton là một lượng lithium khổng lồ, đủ để đáp ứng nhu cầu chuyển dịch năng lượng của cả nước Mỹ. Ảnh: Reuters.

Vào năm 2022, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm đã đến Calipatria, thành phố có dân số chỉ khoảng 6.515 người - bao gồm 4.000 phạm nhân tại một nhà tù trong khu vực.

Vào tháng 3, Thống đốc California Gavin Newson, trong chuyến thăm đến Calipatria, đã gọi thành phố này là "Saudi Arabia mới về trữ lượng lithium".

Việc chính phủ Mỹ đang có những bước đi đầu tiên nhằm chấm dứt bán xe chạy bằng xăng và bang California - thị trường ôtô lớn nhất cả nước - đặt mục tiêu áp dụng quy định này vào năm 2035, đã khiến giá lithium tăng cao.

Theo Đạo luật Giảm Lạm phát năm 2022, Washington đã dành ra nguồn ngân sách khoảng 369 tỷ USD để phát triển năng lượng sạch. Khoản tiền này phụ thuộc vào nguồn cung cấp lithium và một số tài nguyên khác.

Do nhu cầu lớn từ thị trường xe điện Trung Quốc, giá lithium carbonate vào tháng 11/2022 đã đạt kỷ lục là 86.000 USD/tấn, tăng mạnh so với mức 6.000 USD vào một thập kỷ trước đó.

Nhiều khu vực tập trung quặng lithium đã được phát hiện tại các bang Arkansas, Nevada, Bắc Carolina và Utah. Tuy nhiên, mỏ duy nhất đang hoạt động, nằm tại bang Nevada, chỉ chiếm ít hơn 1% sản lượng toàn cầu.

Chính vì vậy, với trữ lượng lên tới 15 triệu tấn lithium, thung lũng Imperial là khu vực có dự trữ lithium lớn nhất trên thế giới ở thời điểm hiện tại, giúp đáp ứng hoàn toàn nhu cầu của Mỹ,

Tìm thấy quặng chỉ là bước khởi đầu

Tìm thấy lượng quặng lithium lớn trong nội địa Mỹ chỉ là bước khởi đầu. Nước này sẽ phải đối mặt nhiều thách thức khi xây dựng một ngành công nghiệp mới, bao gồm phát minh công nghệ, đầu tư vào chương trình trợ cấp liên bang và địa phương, đưa ra ưu đãi thuế.

Theo ước tính của hãng tư vấn Benchmark Mineral Intelligence, thế giới sẽ cần đầu tư khoảng 514 tỷ USD vào năm 2030 để xây dựng chuỗi cung ứng sản xuất pin hoàn chỉnh, đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây khác cũng tồn tại nhiều quy định về bảo vệ môi trường khắt khe hơn so với Trung Quốc, quốc gia tinh chế lượng lithium hàng đầu trên thế giới.

Mặc dù vậy, các kỹ sư tin rằng thung lũng Imperial có lợi thế đặc biệt để giải quyết thách thức này của Mỹ. Theo đó, việc khai thác lithium dưới lòng thung lũng sẽ không gây tác hại đáng kể đến môi trường, đồng thời sử dụng ít nước và điện hơn so với các mỏ lộ thiên hoặc sử dụng phương pháp bay hơi nước muối trong hồ.

 Bà Maria Nava-Froelich, Thị trưởng Calipatria, đứng trước một nhà máy điện địa nhiệt trong khu vực. Ảnh: South China Morning Post.

Bà Maria Nava-Froelich, Thị trưởng Calipatria, đứng trước một nhà máy điện địa nhiệt trong khu vực. Ảnh: South China Morning Post.

Việc khai thác lithium tại thung lũng này dễ dàng hơn do quá trình trích xuất tài nguyên từ dưới lòng đất đã được thực hiện bởi các nhà máy điện địa nhiệt trong khu vực - nằm ở phía nam hồ biển Salton, gần điểm đứt gãy San Andreas. Tuy nhiên, việc trích xuất lithium trên quy mô lớn vẫn chưa được thử nghiệm.

Các công ty năng lượng địa nhiệt trong khu vực, gồm Berkshire Hathaway Energy (BHE), Controlled Thermal Resources và EnergySource Minerals đang cố gắng thay đổi điều này.

EnergySource, doanh nghiệp dẫn đầu quá trình này, dự kiến khởi công xây dựng một nhà máy chiết xuất lithium quy mô lớn trong năm 2023. Trong khi đó BHE, được sở hữu một phần bởi tỷ phú Warren Buffett, có quy mô lớn nhất với 10 nhà máy điện địa nhiệt đang hoạt động.

Các dự đoán ước tính 3 doanh nghiệp trên sẽ sản xuất khoảng 100.000 tấn lithium mỗi năm vào 2027, đủ để cung cấp năng lượng cho 50.000 ôtô điện và hướng tới mục tiêu khai thác hàng năm được chính phủ Mỹ đặt ra là 600.000 tấn.

"Tôi sẽ không cảm thấy ngạc nhiên nếu 5 năm sau, nước Mỹ là một trong những nhà sản xuất lithium hàng đầu thế giới", Michael McKibben, nhà địa hóa học tại Đại học bang California ở Riverside nhận định.

Tương lai tươi sáng cho người dân Calipatria?

Sự quan tâm và các khoản đầu tư tiềm năng đang khiến người dân tại Calipatria mơ về tương lai tốt đẹp hơn với những khu công nghiệp mới, thành phố được nâng cấp bằng những công nghệ cao và các khu nhà mới được xây dựng bằng khoản lợi nhuận thu được từ việc bán tài nguyên.

Được thành lập vào năm 1919, Calipatria trải qua thời kỳ hoàng kim trong những năm 1950 và 1960 khi hệ thống cấp nước, tưới tiêu phát triển giúp biển hồ Salton trở thành nơi thu hút khách du lịch, gồm cả những ngôi sao từ Hollywood.

Nông nghiệp vẫn là động lực phát triển kinh tế chính của khu vực, nhưng hạt Imperial đang đối diện với tình trạng cạn kiệt nguồn nước. Trong khi đó cơ sở hạ tầng, khách sạn, đường xá của thành phố xuống cấp nghiêm trọng. Dân số của thành phố Calipatria giảm 15% trong năm 2010-2020.

 Một hố bùn địa nhiệt tại biển hồ Salton đang dần cạn nước. Phía xa là một nhà máy điện địa nhiệt. Ảnh: South China Morning Post.

Một hố bùn địa nhiệt tại biển hồ Salton đang dần cạn nước. Phía xa là một nhà máy điện địa nhiệt. Ảnh: South China Morning Post.

Người dân Calipatria cũng từng nhiều lần vỡ mộng khi các dự án lớn được xây dựng trong khu vực này. Chẳng hạn, một nhà tù an ninh tối đa của bang được mở cửa vào năm 1992 đã khiến nhiều người hy vọng về làn gió mới cho nền kinh tế địa phương. Nhưng phần lớn những người làm việc tại cơ sở này chọn sống ở phía nam.

Điều tương tự cũng xảy ra khi một trang trại điện Mặt Trời, nhà máy chế biến thịt bò, đường ống nước được xây dựng trong khu vực.

Để việc này không tái diễn, chính quyền bang đã thành lập Ủy ban Lithium của Thung lũng vào năm 2020 để thiết lập các loại thuế đối với hoạt động khai thác lithium trước khi "cơn sốt tài nguyên" quét qua nơi này.

Trong đó, 80% nguồn tiền thu được sẽ tài trợ cho các dự án địa phương. Phần còn lại sẽ giúp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại biển hồ Salton cũng như giải quyết các vấn đề sức khỏe mà người dân địa phương gặp phải.

Giới chức tại thung lũng Imperial cũng muốn một chuỗi cung ứng toàn diện được xây dựng trong khu vực này, bao gồm các cơ sở khai thác, xử lý lithium cho đến nhà máy sản xuất pin và ôtô điện.

Theo họ, việc xây dựng chuỗi cung ứng toàn diện tại địa phương sẽ giúp giảm chi phí, tiết kiệm năng lượng, tránh phụ thuộc vào các quốc gia khác và cải thiện sinh kế của người dân địa phương.

"Mọi người đều cảm thấy lạc quan. Tiềm năng của hoạt động khai thác lithium đã tạo ra bất đồng về cách phân chia lợi ích nhưng đó là điều dễ hiểu. Đây là những cơn đau đầu mà chúng ta nên thấy vui khi gặp phải, thay vì cứ phải tranh giành những lợi ích nhỏ nhoi", Ryan Kelley, một quan chức tại hạt Imperial, chia sẻ.

An Bình

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/kho-bau-khong-lo-an-duoi-bien-ho-dang-chet-mon-o-california-post1445966.html