Khó chọn chính sách phù hợp: Bước ngoặt nào giúp Mỹ định hình lại vị thế?
Theo Newsweek, Mỹ gần đây bắt đầu định hình lại chính sách tập trung nguồn lực và nhân sự để gia tăng ảnh hưởng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Trước ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc, Mỹ, quốc gia từng giữ ngôi cường quốc thế giới trong nhiều năm, bắt đầu lo ngại về vị thế trên trường quốc tế. Sau một thời gian dài theo đuổi chính sách về Trung Đông, Mỹ dường như bắt đầu định hình lại chính sách tập trung nguồn lực và nhân sự để gia tăng ảnh hưởng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và đối phó với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Bắc Kinh.
Giới quan sát cho rằng, hướng tập trung như vậy được xem là một nỗ lực thực tế và có trách nhiệm nhằm dõi theo một đối thủ cạnh tranh đang đi lên. Hiện trạng này đang nhìn thấy rõ trong cán cân quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo trang Newsweek, Mỹ đang dõi theo Trung Quốc khi nhìn thấy rõ sự lớn mạnh của Bắc Kinh. Chương trình phát triển quân sự và tăng ngân sách cho quốc phòng của Trung Quốc được đánh giá là tăng mạnh trong những năm gần đây. Nền kinh tế Trung Quốc cũng nhìn thấy rõ sự tăng trưởng mạnh, gấp 12 lần so với hồi đầu thế kỷ này.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là đối tượng được quan tâm trong các tranh luận nội bộ của nước Mỹ. Thảo luận về vấn đề này, các ý kiến nhấn mạnh tính cần thiết phải cải thiện năng lực của Washington trong lĩnh vực kinh tế cũng như chiến lược. Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký đạo luật cải tạo cơ sở hạ tầng trị giá 1,2 nghìn tỷ đô la cho nước Mỹ. Đạo luật này được xem như một chiến thắng lớn của chính quyền Mỹ hiện tại thúc đẩy tăng cường cạnh tranh với Trung Quốc.
"Chúng ta sắp xoay chuyển tình thế theo hướng đi lớn. Với đạo luật này, năm sau sẽ là năm đầu tiên trong 20 năm qua Mỹ có thể tập trung đầu tư hạ tầng mạnh và nhanh hơn Trung Quốc", Tổng thống Biden nhấn mạnh.
Giới quan sát cho rằng, đầu tư vào khoa học, nghiên cứu và phát triển nhằm phát triển công nghệ cho Washington là mục tiêu đáng theo đuổi. Tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng vừa để cung cấp cho các nhà sản xuất sự linh hoạt, giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các nguồn cung quan trọng là cách thông thường mà Mỹ có thể làm. Liên minh châu Âu cũng đang làm như vậy. Tuy nhiên, sự tách biệt hoàn toàn giữa hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc, với tổng giá trị 35,6 nghìn tỷ đô la (chiếm 42% tổng tài sản thế giới) sẽ khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về một sự hỗn loạn trong thị trường tài chính toàn cầu.
Việc tổ chức lại bộ phận tình báo Mỹ và thành lập Trung tâm về Trung Quốc như Giám đốc CIA William Burns đã làm là cách mà Washington muốn sốc lại hoạt động tình báo và tăng cường hoạt động áp sát hơn với Trung Quốc. Tuy nhiên, việc sử dụng thông tin tình báo và phản ứng của Mỹ đối với Hiệp định CPP cũng có thể gây phản tác dụng và hạn chế cơ hội tồn tại mối quan hệ mang tính chất xây dựng giữa Washington và Bắc Kinh.
Mỹ tăng cường liên minh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Các quan chức Mỹ nên tiếp tục khuyến khích các đồng minh và đối tác của mình ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nắm quyền làm chủ an ninh riêng của họ, tăng cường khả năng giám sát các hoạt động ở khu vực. Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines nên tiếp tục tìm cơ hội mua vũ khí của Mỹ, chẳng hạn như radar ven biển, hệ thống phòng không, tên lửa chống hạm và thiết bị trinh sát chống tàu ngầm để đối phó với các thách thức quanh khu vực.
Trong gần 1 năm kể từ khi ông Biden nhậm chức, cạnh tranh về kinh tế, thương mại và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục gay gắt, thậm chí Washington đang tăng cường xây dựng quan hệ liên minh nhằm kiềm chế sự phát triển của Bắc Kinh trong các lĩnh vực như mạng 5G.
Cạnh tranh về địa chính trị giữa hai nước tại các khu vực chiến lược chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, cả hai nước vẫn cố gắng để sự cạnh tranh này không vượt tầm kiểm soát.
Tại cuộc hội đàm kéo dài hơn 3 giờ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh hai nước cần tuân thủ 3 nguyên tắc gồm tôn trọng nhau, cùng tồn tại hòa bình, theo đuổi hợp tác cùng có lợi, qua đó giải quyết tốt các vấn đề nội bộ và gánh vác trách nhiệm quốc tế. Trong khi đó, Tổng thống Biden khẳng định sự "cạnh tranh thẳng thắn" và trách nhiệm của Mỹ và Trung Quốc phải đảm bảo rằng sự cạnh tranh này không dẫn tới xung đột, cho dù là trong dự định hay ngoài ý muốn.
Truyền thông quốc tế nhận định cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến lần này dù mang tính biểu tượng hay ý nghĩa thực tế thì cũng đóng góp vai trò quan trọng. Cho dù đang ở thời điểm cạnh tranh gay gắt, cả Mỹ và Trung Quốc vẫn chủ động đẩy mạnh hợp tác hướng đến mục tiêu và lợi ích chung, điển hình là tuyên bố chung về tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu mà hai nước đưa ra tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow (Vương quốc Anh).
Giới quan sát cho rằng, Mỹ không thể có được một chính sách phù hợp với tất cả để giải quyết mọi tình huống khác biệt. Phản ứng ở mỗi thời kỳ, mỗi diễn biến sẽ khác nhau./.