Khó đạt 25m2/sinh viên, CSGDĐH đề xuất công nhận đất thuê vào diện tích sở hữu
Nếu diện tích đất đi thuê có hợp đồng dài hạn, đảm bảo nhiệm vụ đào tạo thì có thể xem xét công nhận diện tích đất đi thuê là diện tích mà nhà trường sở hữu.
Đến thời điểm hiện tại, không ít cơ sở giáo dục đại học đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu về diện tích đất/sinh viên. Cụ thể, Tiêu chí 3.1, Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học quy định: “Từ năm 2030, diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25 m2”.
Hệ số vị trí của khuôn viên đối với các khuôn viên nằm trong địa giới các quận của các thành phố trực thuộc Trung ương được tính bằng 2,5 lần và các vị trí còn lại được tính bằng 1 lần.
Đáng nói, khó khăn về diện tích đất khiến cơ sở giáo dục đại học đặt ra lo ngại về sự tồn tại của nhà trường khi quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu: “chấm dứt hoạt động trước năm 2028 và giải thể trước năm 2030 đối với cơ sở giáo dục đại học, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học không đạt chuẩn hoặc không hoàn thành xác lập vị trí pháp lý theo quy định của pháp luật".
Theo ghi nhận của phóng viên, một số lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học đề xuất cần có cơ chế linh hoạt hơn trong quy định về diện tích đất, chẳng hạn như cho phép tính cả cơ sở vật chất dùng chung, diện tích đất đi thuê vào diện tích đất theo chuẩn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các trường.
Diện tích đất 25m2/sinh viên là thách thức mà trường đại học khó có thể tự vượt qua
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hải Đăng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội chia sẻ, việc yêu cầu chấm dứt hoạt động trước năm 2028 và giải thể trước năm 2030 đối với cơ sở giáo dục đại học không đạt chuẩn là một thách thức chung đối với cơ sở giáo dục đại học khi phải đạt tất cả các chuẩn quy định.

Sinh viên ngành Khoa học Môi trường Ứng dụng, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội tham gia buổi học ngoại khóa tại Nhà máy Nước mặt Sông Đuống – AQUAONE. (Ảnh: website nhà trường)
Căn cứ theo Thông tư số 01, thực tế tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, thầy Đăng cho biết, nhà trường không quá khó khăn khi thực hiện các quy định. Tuy nhiên, cũng có một số tiêu chí chưa phù hợp hoàn toàn so với thực tiễn nên có thể xem xét điều chỉnh (ví dụ như quy định về diện tích đất, tỷ lệ giảng viên toàn thời gian trình độ tiến sĩ) để bảo đảm sự phát triển chung của hệ thống.
“Việc yêu cầu cơ sở giáo dục đại học đạt tất cả các tiêu chí, tiêu chuẩn thì không phải là điều dễ dàng đối với hầu hết các trường”, thầy Đăng chia sẻ.
Cùng đánh giá về nội dung này, chia sẻ với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Thái Bá Cần - Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định bày tỏ, yêu cầu chấm dứt hoạt động trước năm 2028 và giải thể trước năm 2030 đối với cơ sở giáo dục đại học không đạt chuẩn là một thách thức mà nhà trường khó có thể tự vượt qua. Bởi, từ nay đến năm 2028 không còn nhiều thời gian. Trong khi đó, hiện nay, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học (nhất là trường nằm trong khu vực thành phố lớn, nơi có mật độ dân số đông, quỹ đất gần như hạn hẹp) đều đang gặp nhiều khó khăn trong thực hiện quy định diện tích đất tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo.
“Ngoại trừ hai đại học quốc gia và một số đại học vùng được quy hoạch sau này có khả năng đủ đáp ứng phần nào yêu cầu về diện tích đất, thì hầu hết các trường đại học đều đang gặp khó khăn trong việc thực hiện tiêu chí về diện tích đất theo chuẩn Thông tư số 01. Và có thể khẳng định đây là một tiêu chí khiến cho cơ sở giáo dục đại học không dễ dàng đạt được”, thầy Cần chia sẻ.
Đối với cơ sở giáo dục đại học, để có thêm một diện tích đất mới là việc hết sức khó khăn, không thể một sớm một chiều có thể giải quyết ngay được.
Trường Đại học Gia Định là cơ sở giáo dục đại học nằm trong khu vực nội đô (địa chỉ tại phường 3, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh). Thầy Cần cho biết nhà trường may mắn khi có diện tích đất khá tốt. Tuy nhiên, so với yêu cầu của Thông tư số 01 thì Trường Đại học Gia Định cũng như nhiều cơ sở giáo dục đại học khác, khi đối chiếu với quy định thì chưa đạt tiêu chí về diện tích đất/sinh viên.
Công nhận diện tích đất thuê vào diện tích đất của trường là hợp lý
Trên thực tế, để đạt tiêu chí về diện tích đất, không ít trường đại học ở thành phố lớn đang tìm kiếm quỹ đất mới ở các khu vực, tỉnh thành lân cận để tính vào diện tích đất của trường. Song, nhiều ý kiến cho rằng, thay vì để trường đại học phải chật vật tìm kiếm quỹ đất thì có thể cho phép các trường được tận dụng hệ thống cơ sở vật chất dùng chung (như khu tập thể thao, sân vận động lớn,... ở nội đô) và tính diện tích dùng chung này vào diện tích đất của nhà trường.
Bàn về ý kiến trên, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Thái Bá Cần, việc linh hoạt trong quy định về cơ sở vật chất là áp dụng hệ thống cơ sở vật chất dùng chung sẽ mang lại hiệu quả tích cực.
“Sử dụng hệ thống cơ sở vật chất dùng chung giữa trường đại học với trường đại học, viện nghiên cứu, các đơn vị có phòng thí nghiệm hiện đại,... là ý tưởng rất tốt và nên được đẩy mạnh áp dụng. Và giải pháp bảo đảm cho ý tưởng này trở nên khả thi là cần có cơ chế cho phép các cơ sở giáo dục đại học được tham gia cơ sở vật chất dùng chung”, thầy Cần chia sẻ.

Sinh viên Trường Đại học Gia Định. (Ảnh: website nhà trường)
Từ góc độ chuyên gia giáo dục, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, trường đại học không đủ diện tích đất theo chuẩn thì có thể tìm kiếm thêm quỹ đất nhưng chúng ta cần phải phản đối cách làm hình thức đối với trường hợp đã tìm được đất nhưng không sử dụng hoặc chỉ ghi nhận diện tích này trên giấy tờ.
Nếu các trường đại học đi thuê đất theo hợp đồng ngắn hạn hoặc mang tính tạm bợ thì không thể cho phép đưa vào diện tích đất mà trường sở hữu. Ngược lại, nếu diện tích đất đi thuê có hợp đồng dài hạn (từ 10-20 năm), cơ sở vật chất đầy đủ, đảm bảo yêu cầu và nhiệm vụ đào tạo thì có thể xem xét công nhận diện tích đất đi thuê là diện tích mà nhà trường sở hữu.
Theo Tiến sĩ Khuyến, với mô hình giáo dục tại Mỹ - nơi có chính sách cho phép các trường đại học sử dụng đất do nhà nước cấp để phát triển theo lộ trình dài hạn, nếu chưa sử dụng đến, nhà trường có thể cho thuê lại để tạo nguồn kinh phí xây dựng cơ sở giáo dục của mình. Điều này minh chứng rằng chính sách đất đai dành cho giáo dục cần có sự linh hoạt để đảm bảo cả phát triển lâu dài và chất lượng đào tạo.
Cũng có trường khi mới thành lập chỉ được nhà nước cấp đất ở mức tối thiểu. Sau đó, bản thân trường này huy động được thêm nguồn lực để tận dụng đất đai dư thừa một cách hiệu quả thì việc sử dụng đất thuê là khả thi nhưng cần có chiến lược rõ ràng.
“Việc tính diện tích đất thuê vào tổng diện tích của trường để đạt chuẩn theo Thông tư số 01 cần được xem xét dựa trên các tiêu chí cụ thể như thời gian thuê dài hạn, hợp đồng rõ ràng và cơ sở vật chất đảm bảo. Nếu những điều kiện này được đáp ứng, việc công nhận diện tích đất thuê vào diện tích đất của trường là hợp lý và nên được ủng hộ nhằm giúp các trường có đủ không gian phát triển, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến bày tỏ.
Chia sẻ thêm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Thái Bá Cần cho biết, với Thông tư số 01, nhà trường gặp khó trong thực hiện tiêu chí về đội ngũ giảng viên trình độ tiến sĩ toàn thời gian. Đối với trường đại học tư thục, việc xây dựng đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm, học hàm, học vị cao mà từng công tác tại trường công lập nhưng đã nghỉ hưu là cách sử dụng lao động rất hiệu quả. Do đó, nếu quy định trong Thông tư số 01 quá quan tâm đến việc giảng viên cơ hữu trong độ tuổi lao động là giảng viên cơ hữu chưa quá tuổi nghỉ hưu tính cả thời gian kéo dài đối với giảng viên cao cấp, phó giáo sư, giáo sư thì sẽ gây khó khăn cho trường.
Bên cạnh đó, quy định số lượng công bố khoa học cũng là khó khăn, chưa thể đáp ứng được ngay đối với trường đại học mới thành lập - nơi có đội ngũ giảng viên chưa thật sự mạnh về nghiên cứu khoa học.
Việc đưa ra tiêu chí về diện tích đất/sinh viên, số đầu sách giáo trình phải dựa trên thực tiễn và nhu cầu. Trong bối cảnh giáo dục đại học đang có nhiều thay đổi tiến bộ khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin vào trong đào tạo, đào tạo từ xa, thì việc giảng dạy trực tiếp tại trường đại học với một số yêu cầu của Thông tư số 01 có khi trở nên không cần thiết, hoặc chưa hẳn là những điều kiện mang lại chất lượng đào tạo tốt cho giáo dục đại học.
“Cũng cần xem xét đến những cách khác để đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học trong điều kiện mới. Những năm qua, chúng ta xem giáo dục là dịch vụ, dịch vụ này được đa số người tiêu dùng (sinh viên, doanh nghiệp sử dụng lao động) tin tưởng vào chất lượng. Hình thức giảng dạy ngày nay cũng khác nhiều so với trước đây như bằng hình thức online, không cần lên lớp trực tiếp quá nhiều. Giới trẻ hiện nay có thể đọc, tìm hiểu kiến thức ở bất cứ đâu bằng những phương tiện hiện đại khác nhau chứ không phải chỉ yêu cầu trường đại học có phòng thư viện lớn mới đáp ứng yêu cầu. Do đó, những quy định cứng về cơ sở vật chất nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo nên được xem xét lại sao cho phù hợp”, Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định chia sẻ.