Khó đạt mục tiêu 30% học nghề

Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông là quá trình hình thành khả năng tự chủ, tự quyết định khi lựa chọn nghề nghiệp của học sinh. Đây được xác định là công tác rất quan trọng nhằm tạo nguồn lực đáp ứng nhu cầu lao động của thị trường.

 Giáo dục nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng tạo việc làm

Giáo dục nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng tạo việc làm

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, công tác phân luồng học sinh sau bậc học trung học cơ sở (THCS) luôn được quan tâm, tuy nhiên, tỷ lệ học sinh sau THCS vào học các cấp trình độ trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN) vẫn còn hạn chế. Đến nay, tỷ lệ học sinh sau THCS vào trung học phổ thông (THPT) luôn chiếm 85%. Ở các thành phố lớn, tỷ lệ này còn cao hơn cho thấy, công tác phân luồng học sinh sau THCS vào học nghề trên cả nước còn nhiều thách thức.

Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020 đề ra mục tiêu, học sinh sau THCS vào GDNN chiếm tỷ lệ 30% vào năm 2020, có nghĩa là đến năm 2020, quy mô học sinh tốt nghiệp THCS vào hệ thống GDNN khoảng 320 - 330 nghìn học sinh. Đây được cho là nhiệm vụ khá nặng đối với hệ thống GDNN. Mặt khác, theo thống kê Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 10 CT/TW, giai đoạn 2011 - 2015, cả nước có khoảng 80 - 85% học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT. Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chủ trương khuyến khích học sinh vừa học chương trình bổ túc THPT kết hợp với học nghề nhưng chỉ có khoảng 8 - 10% học sinh sau THCS học nghề.

Từ thực tế về công tác phân luồng trong nhiều năm qua, đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, mục tiêu đến năm 2020 có 30% học sinh sau tốt nghiệp THCS học nghề là khó thực hiện được. Mặt khác, việc không đạt mục tiêu phân luồng học sinh sau THCS vào học nghề đã phần nào khiến cơ cấu nguồn lực của nước ta ngày càng bất hợp lý, không đáp ứng được yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế trong quá trình chuyển đổi từ chiều rộng sang chiều sâu và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, thách thức lớn hơn khi trong giáo dục hướng nghiệp, tư vấn học tập và tư vấn nghề cho học sinh còn nhiều hạn chế; chưa cung cấp đầy đủ thông tin về giáo dục nghề nghiệp như về các ngành, nghề xã hội đang cần nhân lực, thị trường và cơ hội việc làm, sự hấp dẫn của các ngành nghề đào tạo, cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm, xu thướng thị trường lao động và nhu cầu nhân lực của thị trường lao động…

Trước thực tế này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 522/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025" nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS với mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đến năm 2025 là 40%. Để thực hiện thành công mục tiêu, đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh, trước hết phải thay đổi nhận thức của cộng đồng và toàn xã hội, bản thân học sinh và phụ huynh về nghề nghiệp và giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, kết hợp các giải pháp chính sách, can thiệp và điều tiết của nhà nước, cùng các giải pháp trực tiếp của cơ sở giáo dục, đào tạo và sử dụng nhân lực sau đào tạo; sự điều tiết tự nhiên của thị trường lao động và việc làm.

Để thực hiện phân luồng, thu hút học sinh vào học các cơ sở GDNN, phải nâng cao sức hấp dẫn bằng việc tăng chất lượng, hiệu quả đào tạo; gắn đào tạo với doanh nghiệp, thị trường lao động; nâng tỷ lệ học sinh có việc làm và việc làm đúng ngành nghề đào tạo.

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kho-dat-muc-tieu-30-hoc-nghe-129643.html