Khó đến mấy vẫn phải tin

Phán quyết của tòa án ở Offenburg (Đức) trong vụ kiện tụng giữa hai người hàng xóm vừa dễ hiểu lại vừa khó hiểu đối với bên ngoài, đưa tới một tình huống pháp lý thú vị.

Chuyện xảy ra hồi năm 2020, người hàng xóm già phải đi bệnh viện chữa bệnh và vì thế nhờ người hàng xóm còn lại giữ hộ 5 kg vàng và tiền mặt, trị giá tổng cộng 280.000 euro. Khi khỏi bệnh và về nhà thì được người hàng xóm cho biết số của cải trên đã biến mất. Ông già kia khởi kiện người hàng xóm.

Cảnh sát tiến hành điều tra và cho biết trong thời gian ông già kia ở bệnh viện thì bản thân người hàng xóm cũng phải vào bệnh viện một thời gian. Khi người này từ bệnh viện về thì thấy số vàng và tiền đã biến mất. Người hàng xóm cất giữ số tài sản này trong một cái tủ ở dưới tầng hầm. Chìa khóa tủ được giấu tại một nơi trong tầng hầm và chìa khóa tầng hầm được giấu ở một nơi bên ngoài.

Theo kết quả điều tra của cảnh sát thì cả cửa vào tầng hầm lẫn cửa tủ đều được mở bằng chìa khóa vừa vặn chứ không bị cậy phá. Như thế phải hiểu là có ai đó đã lấy trộm rất chuyên nghiệp hoặc biết rất rõ 2 chìa khóa được cất giấu ở đâu và trong tủ có cất giữ số tài sản lớn. Người hàng xóm đương nhiên biết tất cả những điều này.

Tòa án phán quyết là người hàng xóm không phải chịu bồi thường gì cả vì chuyện nhờ vả này không phải giao kèo có văn bản làm chứng nên không đi cùng với những ràng buộc trách nhiệm về pháp lý. Biện luận này của tòa án thật đúng và nặng ký, không ai có thể phản bác được và ông già kia không thể không công nhận.

Về bản chất và xét trên phương diện pháp lý, nhờ vả và giao kèo bằng văn bản là hai việc hoàn toàn khác nhau. Nếu người hàng xóm có lợi dụng sai sót này của ông già kia để chiếm đoạt số tài sản được gửi gắm tạm thời giữ hộ thì ông gia cũng vẫn không thể đòi được bồi thường. Điều này, người ngoài ai cũng hiểu.

Nhưng đồng thời tòa án lại còn xác nhận là người hàng xóm hoàn toàn không hề có ý định lợi dụng cơ hội để chiếm đoạt số tài sản liên quan. Điều này lại khó hiểu đối với người ngoài. Thiên hạ không thể hiểu được tòa án dựa trên cơ sở nào mà chắc chắn rằng người hàng xóm không hề có tà ý. Rõ ràng ở đây tòa xử theo phỏng đoán chứ không theo bằng chứng. Tòa án có thể nói là không có bằng chứng để cho thấy người hàng xóm có tà ý, chứ không thể chắc chắn là người này không hề có tà ý.

Điều khó hiểu nữa là cảnh sát không điều tra ra được thủ phạm khi kẻ cắp chỉ có thể là một đạo tặc chuyên nghiệp hoặc người biết rất rõ 2 chiếc chìa khóa được cất dấu ở nơi đâu và trong tủ có để khối tài sản lớn. Theo đó thì người hàng xóm phải là nghi phạm số một. Tòa án phán xử đúng khi không bắt người hàng xóm bồi thường bởi không có đủ chứng cứ xác thực để kết tội người hàng xóm. Nhưng không khó hiểu sao được khi nghi phạm số một lại được tòa quả quyết là hoàn toàn không hề có tà ý.

Chuyện khó tin bởi có nhiều tình tiết ngẫu nhiên đóng vai trò quyết định như người hàng xóm cũng đi bệnh viện chữa bệnh hay có tận hai chìa khóa dấu ở hai nơi mà cửa tầng hầm và cửa tủ vẫn bị mở. Nhưng thiên hạ rồi vẫn phải tin bởi tòa đã đưa ra phán quyết theo cách phán xử riêng của tòa án.

Thảo Nguyên

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/kho-den-may-van-phai-tin-post441255.html