Khó điều tra, truy tố vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng
ĐBP - Thời gian qua, tình trạng chặt phá rừng, đốt rừng làm nương trên địa bàn huyện Nậm Pồ vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên việc điều tra, truy tố, xét xử vi phạm trong quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều khó khăn bất cập; việc xử lý hình sự còn thấp, chủ yếu dừng lại ở xử lý vi phạm hành chính.
Tang vật chưa được vận xuất ra khỏi rừng gây khó khăn cho công tác bảo vệ.
Từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng kiểm lâm huyện Nậm Pồ đã phát hiện, xử lý 38 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; trong đó, vi phạm về khai thác rừng trái phép 5 vụ; vi phạm các quy định của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy rừng 9 vụ; phá rừng trái pháp luật 12 vụ… Cơ quan chức năng đã khởi tố hình sự 4 vụ; trong đó, chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Nậm Pồ khởi tố bị can 1 vụ. Ðối tượng là ông Sùng A Tồng, bản Nà Bủng 3, xã Nà Bủng có hành vi khai thác rừng trái pháp luật; tang vật thu gồm 28 hộp gỗ xẻ, 19 khúc gỗ tròn, tổng khối lượng 12,630m3.
Chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn, ông Trần Ðức Quyền, Phó Hạt trưởng, Hạt Kiểm lâm huyện Nậm Pồ cho biết: Có nhiều khó khăn, song điều chúng tôi trăn trở đó là vấn đề làm sao để có thể điều tra và truy tố được rõ ràng các vụ việc, các đối tượng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Việc làm rõ được đối tượng vi phạm, xử lý triệt để cả về hành chính, hình sự thì sẽ có giá trị răn đe hơn rất nhiều. Thực tế thời gian qua, việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ liên quan đến quản lý bảo vệ rừng tại Nậm Pồ gặp nhiều khó khăn; nhất là vấn đề xác định đối tượng vi phạm; việc bảo vệ, thu hồi lâm sản khai thác trái phép.
Lực lượng kiểm lâm địa bàn quá mỏng; kiểm lâm phụ trách địa bàn phải kiêm nhiệm các xã, địa bàn rộng, nên việc phát hiện hành vi vi phạm chưa kịp thời. Một số vụ vi phạm về hành vi phá rừng, khai thác rừng, cất giữ, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, mặc dù đã hoàn chỉnh hồ sơ nhưng chưa xác định được đối tượng vi phạm để xử lý theo pháp luật. Một số vụ vi phạm hành chính đã ban hành quyết định xử phạt, nhưng không thu được tiền phạt vì điều kiện kinh tế của người vi phạm rất khó khăn, đa phần là hộ nghèo. Cùng với đó, phong tục tập quán làm nhà bằng gỗ, sống dựa vào rừng của đồng bào dân tộc thiểu số cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc người dân vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
Vừa qua trên địa bàn huyện xảy ra vụ vi phạm tại Tiểu khu 512, khoảnh 13, bản Sam Lang, xã Nà Hỳ. Tang vật gồm 28 hộp, tấm gỗ dâu khối lượng 4,235m3 và 29 hộp, tấm gỗ sấu, khối lượng 7,421m3, nằm cách đường 5 - 7km. Cho đến nay, Nậm Pồ vẫn chưa xác định được đối tượng vi phạm; tang vật vi phạm cũng chưa vận xuất được ra khỏi rừng. Hạt Kiểm lâm huyện đã giao cho trưởng bản, UBND xã Nà Hỳ, kiểm lâm phụ trách địa bàn có trách nhiệm trông coi, bảo quản số tang vật trên. Nhưng do mưa lũ, một phần tang vật đã bị đất đá vùi lấp và trôi xa khỏi hiện trường. Ðây là vụ việc điển hình, là một trong số nhiều nguyên nhân làm cho việc xử lý, đấu tranh làm giảm và chấm dứt tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đang là vấn đề khó với cơ quan chức năng huyện Nậm Pồ.
Anh Giàng A Vảng, bản Sam Lang, xã Nà Hỳ, người vừa làm nhà đầu năm 2019 chia sẻ với chúng tôi: Từ xưa đến nay người dân địa phương đều làm nhà bằng gỗ. Dù ai cũng tùy nhu cầu mà khai thác thì rừng sẽ khó giữ nhưng không lấy thì không có gỗ để làm nhà. Còn nếu xây thì làm gì có được số tiền hàng trăm triệu một lúc mà mua vật liệu; việc vận chuyển sắt thép, xi măng đến nơi làm nhà cũng rất khó khăn vì chưa có đường ô tô. Trong khi làm nhà bằng gỗ thì có thể tích góp dần, mỗi năm vài cây rồi 5 - 10 năm cũng đủ. Nhà gỗ cũng không mất tiền công dựng vì nhờ anh em đến giúp, chỉ lo tiền mời cơm thôi…
Phải nói rằng, việc quản lý, bảo vệ rừng thế nào cho hiệu quả; làm sao để chấm dứt vi phạm là “bài toán” khó ở Nậm Pồ vào thời điểm này. Nguyên nhân thì như đã chia sẻ ở trên, có cả khách quan và chủ quan, đến từ nhiều phía. Trong khi địa bàn rộng; phong tục tập quán của nhân dân dù chưa phù hợp cũng không thể thay đổi trong một sớm một chiều; nhân lực làm công tác bảo vệ, điều tra, xử lý vi phạm cũng không thể nói tăng là có thể tăng ngay... Hi vọng, trong thời gian tới sẽ có giải pháp quyết liệt cho vấn đề trên; nhất là giải pháp để điều tra, xử lý nghiêm, triệt để vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.