Khó do thiếu cơ sở vật chất, thiết bị dạy học

ĐBP - Xác định xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là một trong những mục tiêu quan trọng nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé, nhất là ngành Giáo dục và Đào tạo huyện đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế địa phương cũng như việc huy động các nguồn lực còn hạn chế... khiến cho việc xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện gặp không ít khó khăn. Đến nay, toàn huyện mới chỉ có 15/30 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 50%, thấp hơn tỉ lệ chung toàn tỉnh).

Nhân viên cấp dưỡng chuẩn bị cơm trưa cho học sinh bán trú.

Ông Phan Văn Uyên, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cho biết: Theo Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kiểm định chất lượng, công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường có nhiều cấp học thì để được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, các trường học phải đáp ứng đủ 5 tiêu chí: Tổ chức quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh; cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục. Trong số những tiêu chí trên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học vẫn là tiêu chí khó thực hiện nhất của các trường ở huyện Mường Nhé.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Pá Mỳ được đánh giá là một trong những đơn vị khó khăn trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Nguyên nhân chủ yếu là do hiện nay trường chưa đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học. Thậm chí nơi ăn, chốn ngủ cho học sinh cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Theo thầy Phạm Xuân Tuyến, Hiệu trưởng nhà trường, kể từ khi thành lập năm 2006, mặc dù được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm, tình yêu nghề của mỗi cán bộ, giáo viên, chất lượng giáo dục, đào tạo của nhà trường không ngừng được củng cố. Kết thúc mỗi năm học, tỷ lệ chuyển lớp của trường đều đạt từ 98% trở lên. Tuy nhiên, do cơ sở vật chất thiếu thốn, nhất là tại các trường điểm bản như: Pá Mỳ 1, Pá Mỳ 3 (nhóm 1) Huổi Pết 1… nhiều phòng, lớp học đã xuống cấp trầm trọng nên đến nay, trường vẫn chưa đủ điều kiện được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Nhiều trường học, cấp học trên địa bàn các xã, như: Huổi Lếch, Mường Toong, Nậm Kè, Chung Chải cũng gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất. Có những trường dù đã đạt chuẩn mức độ 1, khi cơ quan chức năng thẩm định lại để công nhận đạt chuẩn mức độ 2 lại không đạt nên vẫn chỉ duy trì ở mức độ 1 như Trường PTDTBT Tiểu học Trần Văn Thọ. Cô giáo Đồng Thị Thúy, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Chia tách thành lập từ năm 2006, đến năm 2014, trường được công nhận chuẩn quốc gia mức độ 1. Song cũng từ đó đến nay, vì thiếu rất nhiều cơ sở vật chất như: Phòng học, phòng thư viện, phòng đoàn đội, phòng hội đồng, phòng âm nhạc, phòng mỹ thuật, sân chơi bãi tập… nên trường vẫn chưa lên chuẩn mức độ 2. Thậm chí, với các phòng học hiện có, trường vẫn còn 4 phòng học tạm và nhiều phòng cũng đã xuống cấp.

Theo ông Phan Văn Uyên, trong lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia, việc gặp khó khăn về tiêu chí cơ sở vật chất là thực trạng không chỉ đối với huyện Mường Nhé mà là khó khăn chung đối với các địa phương vùng sâu, vùng xa. Để khắc phục tình trạng đó, thời gian qua, cùng với kinh phí đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như Phòng đã nỗ lực kêu gọi, huy động các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân hỗ trợ, đầu tư phát triển hạ tầng giáo dục. Riêng từ năm 2015 đến nay, huyện đã huy động gần 70 tỷ đồng xây dựng nhà, lớp học (xóa nhà tranh tre, nứa lá); tặng đồ dùng sinh hoạt, đồ dùng học tập cho học sinh, giáo viên, thiết bị dạy học cho các đơn vị trường. Tuy nhiên, theo Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, dù đã được đầu tư nhiều, nhưng hiện nay huyện vẫn còn hơn 40 phòng, lớp học là phòng tạm. Do vậy, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé đang nỗ lực huy động; đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí để huyện “xóa” phòng, lớp học tạm trong thời gian tới, giúp huyện từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Bài, ảnh: Quang Long

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/giao-duc/188399/kho-do-thieu-co-so-vat-chat-thiet-bi-day-hoc