Thêm ngành học trong phát triển và hội nhập quốc tế

Với Quyết định số 855/QĐ-XHNV của Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, ĐHQG TP HCM chính thức mở ngành đào tạo mới: Quốc tế học

Thêm một ngành mới vào 34 ngành bậc đại học đã có, không hẳn làm phong phú hơn tính đa ngành, đa lĩnh vực của một trường chuyên biệt duy nhất về khoa học xã hội và nhân văn trong ĐHQG ở phía Nam; điều quan trọng hơn cả là tính thực tiễn cấp bách của ngành học này trong điều kiện đất nước, nhất là ở phía Nam, đã và đang đẩy mạnh công cuộc phát triển và hội nhập quốc tế, đòi hỏi giáo dục và đào tạo phải tham gia trực tiếp vào giải quyết bài toán quốc sách phát triển.

Từ nhu cầu thực tế và phát triển đất nước

Khảo sát thực tế xã hội và yêu cầu của khoa học xã hội cho thấy: Sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ và sự chuyển biến không ngừng của đời sống xã hội quốc tế đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết hoặc làm sáng tỏ. Quốc tế học đang cần phải góp phần lý giải và định hướng sự vận động và phát triển đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu, đóng góp những cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoạch định chính sách, đường lối đối ngoại của nhà nước, góp phần nâng cao năng lực hội nhập cho thanh niên và lực lượng lao động xã hội hiện nay.

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM năm nay có thêm ngành Quốc tế học

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM năm nay có thêm ngành Quốc tế học

Ngay tại TP HCM và các tỉnh phía Nam hiện đang có "nhiều tập đoàn, công ty của nhiều quốc gia trên thế giới đang đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam. Vì thế, rất cần một số lượng lớn nhân lực tham gia hợp tác và làm việc trong các tập đoàn này". Trong một khảo sát thực tế tại nhiều cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu, trường ĐH, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tại TP HCM, có 93,3% trong tổng số 120 người được hỏi đã cho rằng ngành Quốc tế học là cần thiết và rất cần thiết, cho phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam (Đề án mở ngành Quốc tế học [2023], Phụ lục 5).

Việc mở ngành Quốc tế học bậc đại học ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM lẽ ra đã có từ lâu, thậm chí song song với với việc ngành này xuất hiện đầu tiên trong những năm 1990 ở ĐHQG Hà Nội - vào lúc Quốc tế học được giảng dạy ở nhiều trường ĐH trên thế giới, nhất là ở Mỹ, Úc, Nhật, Hàn, Liên minh châu Âu.

Dù sao, đến nay đã chín muồi để thích ứng và đáp ứng với thực tế một nhà trường vốn đã và đang có quan hệ đối tác với hơn 250 trường ĐH và viện nghiên cứu trên toàn thế giới; sinh viên của nhà trường đến từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tự tin về chất lượng và hiệu quả thực tiễn

Chương trình ngành Quốc tế học nhằm đạt tới các mục tiêu có kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và trách nhiệm - khá sát thực với yêu cầu nội dung phát triển và hội nhập quốc tế. Đặc biệt là việc trang bị kiến thức cơ bản về khoa học xã hội và nhân văn, kiến thức cơ bản về các vấn đề quốc tế đương đại, hiểu biết về các hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của các quốc gia và khu vực trên thế giới, kiến thức chuyên sâu về các lĩnh vực quan hệ quốc tế, kinh tế quốc tế, luật quốc tế, văn hóa quốc tế; kỹ năng phân tích thông tin, đánh giá các vấn đề quốc tế, dự báo các xu hướng phát triển, giao tiếp liên văn hóa (Việt, Anh…), thích ứng với môi trường làm việc đa văn hóa, tinh thần trách nhiệm và ý thức công dân toàn cầu.

Những mục tiêu ấy trong 4 năm đào tạo có đạt được không còn do nhiều yếu tố nhưng chương trình và chuẩn đầu vào (4 nhóm tổ hợp xét tuyển khối D), chuẩn đầu ra (về kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm) đã mở ra khả năng và điều kiện bảo đảm hiệu quả thực tiễn.

Chương trình đào tạo ngành Quốc tế học 128 tín chỉ vẫn có kết cấu 4 khối kiến thức (Giáo dục đại cương, Cơ sở ngành, Chuyên ngành, Bổ trợ) nhưng trong phần Chuyên ngành có 2 định hướng chuyên ngành sâu (Khu vực học hoặc Nghiên cứu phát triển quốc tế). Nhờ vậy Quốc tế học có khả năng liên thông với nhiều chương trình khác như Chính trị học, Kinh tế học, Lịch sử, Xã hội học, Luật học, Văn hóa học, Ngôn ngữ học, Quan hệ quốc tế, Du lịch…

Hơn nữa, kế hoạch đào tạo Quốc tế học còn gắn liền với cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức có hoạt động hội nhập quốc tế, có nghiên cứu ứng dụng khoa học trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là định hướng mới trong đào tạo Quốc tế học cũng như của nhiều khoa, ngành ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, giúp cho sinh viên được trang bị kiến thức, đồng thời được cập nhật thực tiễn, vận dụng vào thực tế, tăng thêm kỹ năng và khả năng thích hợp trong môi trường làm việc thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế.

Rộng hơn ngành Quan hệ quốc tế

Có thể có những băn khoăn khi so sánh Quốc tế học với Quan hệ quốc tế đã và đang còn "hot" trong chính nơi có Khoa Lịch sử sinh thành ra một số ngành học mới. Hai ngành học này đều mới và có mối quan hệ gần gũi về đối tượng, phạm vi nghiên cứu, đều tập trung vào các vấn đề toàn cầu và quan hệ giữa các quốc gia. Nhưng thực ra chúng có những khác biệt về phạm vi và trọng tâm, dẫn đến khác biệt trong cơ hội nghề nghiệp. Quốc tế học cung cấp một cái nhìn rộng hơn, đa dạng hơn về các vấn đề toàn cầu (trong khi Quan hệ quốc tế có xu hướng tập trung cụ thể hơn vào khía cạnh chính trị và ngoại giao). Quốc tế học do đó có cơ hội nghề nghiệp phong phú trong thời kỳ đất nước đang phát triển và hội nhập quốc tế: Nhiều cơ quan nhà nước và ngoài nhà nước liên quan đến các lĩnh vực ngoại giao, quan hệ quốc tế và phát triển chính sách, các tổ chức phi chính phủ (NGO), kinh doanh quốc tế, tư vấn chính sách và phân tích rủi ro, tư vấn và hỗ trợ nhập cư, quản lý dự án quốc tế dự án cộng đồng...

Bài và ảnh: PGS-TS Hà Minh Hồng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/them-nganh-hoc-trong-phat-trien-va-hoi-nhap-quoc-te-196240709213324766.htm