Nhân viên thư viện mòn mỏi chờ chế độ (bài 4): Nhân viên hay giáo viên?
Báo GD&TĐ đã nhận được hàng trăm ý kiến của đội ngũ nhà giáo bày tỏ tâm tư, nguyện vọng chế độ, đặc biệt là danh xưng 'giáo viên thư viện'.
Tuyến bài “Nhân viên thư viện trường học mòn mỏi chờ chế độ” đăng trên Báo Giáo dục và Thời đại số 160, 161, 162 (ra ngày 4 - 6/7) đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc.
Mong mỏi của đội ngũ
Bạn đọc Tạ Thị Yến thông tin: Trong suốt chiều dài lịch sử nghề thư viện, danh xưng “giáo viên thư viện” nhiều lần hiện hữu trong các quyết định.
Cụ thể, trong Quyết định 61/1998/QĐBGD&ĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động Thư viện trường phổ thông có nêu: “Giáo viên phụ trách công tác thư viện phải tốt nghiệp sư phạm từ trung học trở lên và được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ thư viện. Nếu là người phụ trách thư viện được đào tạo từ các trường nghiệp vụ thư viện, thông tin văn hóa thì phải được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm để trở thành giáo viên phụ trách công tác thư viện”.
Thông tư 16/2022/TT-BGDĐT ban hành Quy định tiêu chuẩn Thư viện cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông. Tại mục b, Khoản 1, Điều 13, Điều 18 về Tiêu chuẩn hoạt động thư viện quy định: “…tổ chức tiết đọc tại thư viện với nhiều hình thức khác nhau, sắp xếp linh hoạt trong thời khóa biểu hoặc lồng ghép trong các hoạt động giáo dục khác, tổ chức tiết đọc tại thư viện theo từng môn học…”, “hoạt động tiết đọc tại thư viện đảm bảo tối thiểu 2 tiết/học kỳ/lớp, xây dựng nội dung và tổ chức các tiết đọc tại thư viện, chuẩn bị tài nguyên thông tin và các thiết bị chuyên dùng…”.
“Thực tế công việc của nhân viên thư viện không khác nào giáo viên, chúng tôi cũng phải soạn nội dung cụ thể để tổ chức một tiết đọc như một giáo án trước khi đứng lớp. Người làm thư viện phải viết những bài tham luận chuyên môn để giới thiệu từ tổng quát đến chi tiết về vai trò của thư viện trường học trong việc phục vụ giảng dạy và học tập, và vô số bài giới thiệu sách về các môn ngành tri thức để giới thiệu đến độc giả, cũng cần có kỹ năng mô phạm.
Không những thế người làm thư viện còn tham gia các cuộc thi “Cán bộ, Giáo viên thư viện giỏi”. Qua đó, đội ngũ những người làm công tác thư viện trường học thiết nghĩ rằng, danh xưng “giáo viên thư viện” là phù hợp hơn là “nhân viên thư viện”, độc giả này đề xuất.
Bạn đọc Lê Văn Chương thì cho rằng: “Nếu không có các nhân viên trường học, các cơ cơ sở giáo dục không thể hoạt động, vận hành”. Do đó, độc giả đề nghị, trong dự thảo Luật Nhà giáo nên bổ sung nhân viên thư viện trường học cũng là nhà giáo. Bởi nhân viên trường học chính là lực lượng thầm lặng nhưng luôn thiệt thòi về các chế độ tiền lương, phụ cấp, thời gian làm việc, xét thi đua, khen thưởng…
Bạn đọc Phương Hoàng lại nêu quan điểm: Nhân viên thư viện phải là giáo viên thư viện vì Chương trình mới, buổi 2 của học sinh tiểu học có tiết thư viện/tuần/lớp.
Mong các cấp, ngành xem xét, phê duyệt cho nhân viên thư viện trường học là nhà giáo và được hưởng quyền lợi như đội ngũ này. Bởi để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, đội ngũ nhân viên thư viện trường học hiện nay phải là giáo viên thư viện đúng nghĩa, trách nhiệm đến quyền lợi phải song hành.
Ông Phạm Đăng Khoa – Trưởng phòng GD&ĐT Quận 3 (TP Hồ Chí Minh) tán đồng quan điểm, nhóm đối tượng nhân sự giáo dục khác như thư viện, thiết bị thư viện, tư vấn học sinh, hỗ trợ giáo dục khuyết tật trong trường học nên được coi là những “nhà giáo”.
Theo ông Khoa, dù đội ngũ này không đứng lớp giảng dạy nhưng vẫn mang tâm thế của nhà giáo dục, góp phần cùng hội đồng sư phạm nhà trường trong công cuộc giáo dục học sinh nên cần coi lực lượng này là “nhà giáo”. Để nhà trường hoạt động được tốt thì cần sự đóng góp của lực lượng nhân viên trường học, trong đó có bộ phận thư viện.
“Để trở thành giáo viên đứng lớp phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định về bằng cấp, trình độ đào tạo; nhưng đội ngũ nhân viên thư viện vẫn nên được coi là nhà giáo dục và hưởng những chế độ chính sách tương xứng tính chất công việc để họ yên tâm công tác, gắn bó với nghề”, đại diện Phòng GD&ĐT Quận 3 trao đổi thêm.
Phân định rõ ràng
Bày tỏ quan điểm về vấn đề trên, thầy Lê Văn Chương – Hiệu trưởng Trường THCS Giao Yến (huyện Giao Thủy, Nam Định) cho hay, nhà trường có một nhân viên thư viện nhưng phải kiêm thêm công tác y tế học đường, thủ quỹ của trường. Hiện tại, nhân viên thư viện của trường ngoài lương chính chỉ được nhận thêm phụ cấp 0,2. Về lâu dài, thầy Chương mong lãnh đạo cấp trên nghiên cứu để có phương án hỗ trợ về thu nhập cho đội ngũ nhân viên trường học nói chung, thư viện nói riêng.
Cùng quan điểm trên, cô Phan Thị Hằng Hải – Hiệu trưởng Trường THPT Kim Ngọc (Vĩnh Phúc) bày tỏ, mức lương cơ sở vừa được Chính phủ điều chỉnh tăng từ 1.800.000 đồng lên thành 2.340.000 đồng từ ngày 1/7/2024 là niềm vui lớn với các giáo viên. Tuy nhiên, đội ngũ nhân viên trường học không phải ai cũng vui vì điều này càng làm cho khoảng cách thu nhập của họ với giáo viên đứng lớp ngày càng xa.
“Trường tôi chưa có nhân viên thư viện do cô này vừa trúng viên chức quản lý thiết bị nên đang kiêm nhiệm. Sắp tới khi công bố vị trí việc làm thì không thể bố trí kiêm nhiệm mà phải có phương án khác. Tuy nhiên, để đưa đội ngũ này vào Dự thảo Luật Nhà giáo với danh xưng ‘giáo viên thư viện’ lại không phải là việc dễ dàng bởi còn phụ thuộc vào nhiều quy định khác”, cô Hải bày tỏ.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), để nhà giáo có vị trí đặc biệt nhằm tạo vị thế thì không nên đưa tất cả vị trí khác có liên quan trong trường học vào cùng một danh xưng “nhà giáo”. Những người làm công tác thư viện tại cơ sở giáo dục có thể được yêu cầu cập nhật kiến thức và chứng chỉ sư phạm để xây dựng lộ trình thăng tiến, đánh giá công việc theo trình độ năng lực.
“Cán bộ nhân viên hỗ trợ trong trường học cũng như vậy, hãy tìm cho họ những con đường phát triển nghề nghiệp theo ngạch bậc riêng. Ví dụ như cán bộ hỗ trợ công nghệ thông tin, cơ sở vật chất hay vị trí chuyên viên tham vấn học đường nếu cần phải xây dựng lộ trình phát triển nghề nghiệp riêng và hưởng lương theo ngạch bậc. Nếu họ làm việc trong các cơ sở giáo dục thì cần phải có chứng chỉ về sư phạm để đảm bảo sự an toàn và phát triển toàn diện cho người học”, PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ thêm.
Bài 1:
Bài 2:
Bài 3:
Bài cuối: