Khó đủ đường, doanh nghiệp rất cần tinh thần 'phụng sự doanh nghiệp'

Bất cập thực hiện quy định về phòng cháy chữa cháy, đăng kiểm, thủ tục để hưởng các gói hỗ trợ ưu đãi, hoàn thuế VAT… đang tạo ra những lo lắng với nhiều doanh nghiệp. Thúc đẩy cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế một lần nữa đang là vấn đề cấp bách được đặt ra.

Nhắc đến những bất cập trong giải quyết thủ tục hành chính thời gian qua không thể không kể tới quy định về phòng cháy chữa cháy. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đồng loạt phản ánh bất cập liên quan tới nội dung này.

Những quy định ‘đánh đố’ doanh nghiệp

Mới đây, góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định về phòng cháy chữa cháy của Bộ Công an, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị, để đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp (DN), cơ quan soạn thảo cần sửa đổi theo hướng phân thêm thẩm quyền cho Công an cấp tỉnh cấp các loại chứng chỉ tư vấn giám sát, chỉ huy thi công về phòng cháy, chữa cháy.

Bất cập trong thực hiện quy định phòng cháy chữa cháy là khó khăn mà nhiều doanh nghiệp gặp phải trong những tháng đầu năm nay.

Bất cập trong thực hiện quy định phòng cháy chữa cháy là khó khăn mà nhiều doanh nghiệp gặp phải trong những tháng đầu năm nay.

Trong thời gian vừa qua, VCCI cho biết đã nhận được các ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội phản ánh về các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị định 136/2020/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Phòng cháy chữa cháy. Một số ý kiến phản ánh rằng, mặc dù Nghị định 136/2020/NĐ-CP không áp dụng hồi tố, tuy nhiên một số DN vẫn bị yêu cầu phải làm lại các thủ tục, như lập lại phương án chữa cháy hoặc xin thẩm duyệt lại thiết kế phòng cháy chữa cháy (nếu có lắp đặt thêm hạng mục hoặc chỉ có cải tạo nhỏ)… hoặc phải thay thiết bị, phương tiện phòng cháy chữa cháy theo tiêu chuẩn mới. Việc này đã gây tốn kém thời gian, chi phí cho DN.

Do vậy, VCCI đề nghị, cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng cho phép các tổ chức kiểm định cấp giấy chứng nhận kiểm định và dán tem kiểm định với phương tiện phòng cháy và chữa cháy. Cơ quan nhà nước chỉ làm công tác hậu kiểm chứ không đảm nhận việc cấp phép tiền kiểm.

Được biết, đây chỉ là một trong rất nhiều quy định đang làm khó DN, kể cả các thủ tục để hưởng các gói hỗ trợ ưu đãi. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, mức độ sụt giảm đơn hàng của ngành trong 6 tháng đầu năm nay khoảng 30%. Tình hình khó khăn của ngành dự báo kéo dài tới hết quý II, nếu tốt sẽ phục hồi trong quý II, quý III.

"Dự báo tốt hơn so với quý I và quý II năm nay chứ không phải so với năm trước, mức độ suy giảm của ngành trong năm nay khoảng 10% so với kế hoạch đầu năm”, bà nhấn mạnh.

Gặp khó khăn là vậy nhưng theo bà Xuân, DN đang phải gồng lên lo cho người lao động từ vài nghìn đến vài trăm nghìn lao động/nhà máy. Vì vậy, Chính phủ hỗ trợ DN sẽ là hỗ trợ người lao động.

Tuy nhiên, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam cho rằng, việc tiếp cận các chương trình giảm thuế VAT, gói giãn hoãn, hỗ trợ thuế… còn thách thức lớn, như thủ tục quy định khá rườm rà, không cần thiết, tốn nguồn lực.

“DN nói cứu trợ là để cấp cứu DN, nên cần phải nhanh chóng và kịp thời, tránh tình trạng nguồn tiền về tới DN, có khi DN đã qua khó khăn”, bà Xuân đề xuất, cần triển khai hậu kiểm để DN tự chịu trách nhiệm về những khoản hỗ trợ.

Đề xuất không ban hành quy định mới trong 2 năm tới

Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhiều DN đang cảm nhận một số vướng mắc về pháp lý và thể chế khiến một số hoạt động kinh doanh bị đình hoãn, thậm chí xuất hiện một số lo lắng về phát sinh thêm chi phí như dự thảo quy định về định mức tái chế.

Theo đó, ông Hiếu nêu quan điểm, trong vòng 2 năm tới, cơ quan quản lý cần không ban hành thêm quy định làm khó DN, nếu buộc phải ban hành thì nên hỗ trợ chi phí để giúp DN tuân thủ quy định mới. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ nên có chỉ đạo, tập trung kiểm soát các quy định đang tạo thêm gánh nặng về chi phí. “Quy định không chỉ tạo ra thủ tục mà còn tạo ra chi phí. Đây là chi phí lớn với DN, có khi con số lên tới hàng chục tỷ đồng”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Tại Nghị trường Quốc hội vừa qua, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) nhấn mạnh: Chính phủ, các bộ ngành địa phương cần tiếp tục rà soát thể chế, đơn giản thủ tục hành chính một cách thực chất hơn và đặc biệt cần thay đổi văn hóa “DN phải đi xin, đi chạy”. Chính quyền, nhà quản lý cần thể hiện thái độ “phụng sự DN”, chủ động, thực tâm, thực lòng đến với DN để gỡ khó.

“Những việc gì cần làm để hệ thống DN phát triển thì nên làm ngay, quyết định ngay, bớt các khâu xin ý kiến, trao đổi lòng vòng giữa các cơ quan, bộ ngành, đến khi giải quyết được thì DN “đã gần đất xa trời”, đại biểu An nhấn mạnh và cho rằng, đối với những dự án pháp lý đầy đủ, làm đúng quy trình thì các địa phương cần ký đồng ý để triển khai ngay, tránh việc cứ rà soát mãi mà cả năm không ra đời được dự án nào.

Trong bối cảnh khó khăn, cơ quan quản lý cần bớt các nội dung kiểm tra, thanh tra làm khó DN để tránh tình trạng DN phải lao đao giải trình lên xuống. "Với tinh thần đó, các biện pháp gỡ khó cho DN cần thúc đẩy thị trường cả trong và ngoài nước, phải đồng bộ, thống nhất các chính sách tiền tệ và tài khóa, chủ trương xử lý đó là “nghẽn ở đâu thông ở đó, vướng ở đâu gỡ ở đó”, vị đại biểu nêu quan điểm.

“Thực tế thời gian qua, việc người dân, DN phải xếp hàng mua xăng, xếp hàng cả đêm để đăng kiểm xe ô tô, loay hoay với các quy định về phòng cháy chữa cháy, xếp hàng làm thủ tục xin lý lịch tư pháp cho thấy khâu phối hợp và trách nhiệm xử lý của các bộ, ngành chưa cao, chưa quyết liệt. Trong quản lý, chúng tôi mong rằng có những lúc cơ quan nhà nước phải tự nhận phần khó về mình để vất vả một chút nhưng xử lý được ngay vấn đề cho người dân và DN mong đợi”, đại biểu An nhấn mạnh.

Ông Đinh Tiến Dũng

Bí thư Thành ủy Hà Nội

Cải cách thủ tục hành chính và đổi mới phương cách phục vụ DN, người dân đang là nhiệm vụ mà TP.Hà Nội đẩy mạnh thực hiện. Thời gian qua, Thành ủy chỉ đạo rà soát quy chế làm việc, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, triển khai nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố. Đồng thời, Hà Nội đang nghiên cứu xây dựng và ban hành Chỉ thị tăng cường kỷ luật, kỷ cương của cấp ủy Đảng, địa phương, đơn vị thuộc Thành ủy Hà Nội, với mục tiêu chống đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.

Ông Thang Văn Thông

Đại diện Chi Hội Dăm gỗ Việt Nam

Cơ quan Thuế đưa ra các biện pháp quản lý chặt chẽ trong việc hoàn thuế VAT cũng có những lý do riêng, tuy nhiên, những lý do này chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay của DN. Hiện nay cơ quan Thuế đang yêu cầu truy xuất đến người trồng rừng, do đó, thời gian xác minh rất dài. Chi cục Thuế địa phương cũng không có chức năng, quyền hạn đi xác minh việc này, nên nếu xác minh phải nhờ đến đơn vị thứ 3 là cơ quan công an. Tôi đề nghị Tổng cục Thuế nên xem xét lại việc yêu cầu truy xuất thuế đến người trồng rừng. Những DN hoạt động không đàng hoàng thì đưa vào diện điều tra, còn những hồ sơ có kê khai, nộp thuế thì ưu tiên hoàn thuế, từ đó, có thể tháo gỡ cho DN được quay vòng vốn.

TS. Vũ Tiến Lộc

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

Việc Chính Phủ phải làm đốc công, Quốc hội phải ban hành nhiều cơ chế ngoại lệ, đặc biệt, đặc thù… đã cho thấy thể chế, chính sách chung của chúng ta có vấn đề, với nhiều vướng mắc, nhiều lỗ hổng… Thúc đẩy cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế lại một lần nữa đang là vấn đề cấp bách phải được đặt ra. Tôi đề nghị, từ năm 2024, Chính phủ nên khôi phục lại việc ban hành hàng năm Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, để có thể đóng vai trò là kim chỉ nam, chương trình tổng thể và thước đo cho hành động quốc gia nâng cao chất lượng thể chế với tiêu chí và mục tiêu cụ thể, cân đong đo đếm được, để tạo áp lực và động lực cho chương trình cải cách của Bộ ngành địa phương trong bối cảnh mới.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/kho-du-duong-doanh-nghiep-rat-can-tinh-than-phung-su-doanh-nghiep-1093236.html