Khó hiểu những cổng chào chục tỷ
Việc xây cổng chào trong điều kiện bình thường vốn đã khiến dư luận dị ứng, còn trong bối cảnh hiện nay, dư luận càng thêm khó hiểu.
Những ngày qua, dư luận ở tỉnh An Giang, đặc biệt là tại thành phố Châu Đốc bàn tán nhiều về việc địa phương vừa khởi công xây dựng cổng chào Khu du lịch Quốc gia Núi Sam có kinh phí 11,3 tỷ đồng.
Công trình được xây dựng trên tuyến Tân Lộ Kiều Lương - tuyến đường hoành tráng, đẹp nhất Châu Đốc.
Sẽ không có gì đáng nói khi ngay cuối tuyến Tân Lộ Kiều Lương đã có một chiếc cổng chào, trong khi tuyến đường chỉ dài hơn 1km.
Không chỉ có 2 chiếc cổng chào trên, trong nội ô TP Châu Đốc, trên tuyến QL91, cũng sừng sững một chiếc cổng chào bằng sắt vắt ngang đường. Cách đó hơn 500 mét, tiếp tục là một chiếc cổng chào nữa trên cùng tuyến đường, được xây bằng bê tông cốt thép vĩnh cửu.
Như vậy, chỉ tính riêng trên địa bàn Châu Đốc hiện đã có tới 4 chiếc cổng chào (kể cả cổng chào vừa khởi công)!
Không riêng thành phố Châu Đốc, mà các huyện Tri Tôn, Thoại Sơn, Tịnh Biên, An Phú mỗi huyện cũng đều có từ 1-3 chiếc cổng chào!
Trước đó, vào năm 2020, tại thành phố Long Xuyên- trung tâm của tỉnh An Giang, việc xây dựng cổng chào gần 7 tỷ đồng tại đây cũng gây tranh cãi. Nhiều người cho rằng cổng chào này vừa xấu, vừa đắt.
Và chuyện xây cổng chào gây tranh cãi không chỉ diễn ra ở An Giang.
Tại thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, năm 2021, địa phương này đã đầu tư xây dựng 13 cổng chào, cổng điện tử mới với tổng số vốn hơn 21 tỷ đồng.
Trong số này, có 5 cổng chào nằm trên đường Hồ Chí Minh được xây dựng khi chưa có sự chấp thuận của cơ quan chức năng. Nói cách khác, 5 cổng chào này xây trái phép.
Sau đó, Cục Quản lý đường bộ III đã ban hành 5 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với đại diện chủ đầu tư là Ban QLDA đầu tư xây dựng TP Kon Tum.
Giữa tháng 3 vừa qua, Tổng cục Đường bộ VN đã có văn bản đề nghị thành phố Kon Tum kiểm điểm, chấn chỉnh công tác xây dựng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, đồng thời nghiêm túc chấp hành các biện pháp xử phạt, cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
Điều đáng nói là việc phát hiện vi phạm đã được nhắc nhở, lập biên bản ngay từ khi cổng chào được đổ móng. Tuy nhiên, Ban QLDA đầu tư xây dựng TP Kon Tum không chấp hành.
Điều đó cho thấy những người có trách nhiệm không ý thức được (hoặc cố tình không hiểu?) vi phạm nói trên có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng và gây thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước nếu buộc phải tháo dỡ.
Dù vậy, đến nay 5 cổng chào vẫn sừng sững, “trơ gan cùng tuế nguyệt”!
Và nếu chẳng may có điều gì xảy ra với người tham giao thông (điều đã được cảnh báo), ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Có thể nói, việc xây cổng chào trong điều kiện bình thường vốn đã khiến dư luận dị ứng, nhưng trong bối cảnh cả nước vừa trải qua đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, ngân sách các địa phương phải chi quá lớn cho công tác phòng chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội, câu chuyện này càng khiến người ta thêm khó hiểu.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/kho-hieu-nhung-cong-chao-chuc-ty-d547506.html