Khó in ấn, phát hành do thiếu quy chuẩn

Là đơn vị đầu mối được giao nhiệm vụ triển khai chuyển đổi sách giáo khoa chữ nổi cho học sinh khiếm thị, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, GS.TS LÊ ANH VINH cho biết, hiện nay chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn sách giáo khoa chữ nổi nên không tiến hành được việc thẩm định giá, khiến công tác in ấn và phát hành gặp khó khăn.

Chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn sách giáo khoa chữ nổi

- Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã thực hiện chuyển đổi sách giáo khoa chữ nổi cho học sinh khiếm thị như thế nào, thưa ông?

- Căn cứ các kế hoạch được ban hành, từ năm 2021 tới nay, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam được sự hỗ trợ từ Quỹ Thiện Tâm, Tập đoàn Vingroup đã tiến hành tổ chức chuyển đổi chế bản sách giáo khoa chữ nổi các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 của 3 bộ sách: Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống, Cánh Diều.

Số lượng môn học đã chuyển đổi đến thời điểm hiện tại như sau: Lớp 1, lớp 2: Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên xã hội, Tiếng Anh, Hoạt động trải nghiệm, Đạo đức. Lớp 6: Ngữ Văn, Toán, Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh, Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục công dân, Công nghệ, Lịch sử và Địa lý. Lớp 3, 7, 10 đã chuyển đổi tất cả các môn.

- Thời gian qua, công tác chuyển đổi sách giáo khoa chữ nổi cho Chương trình giáo dục phổ thông mới có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?

- Trong quá trình chuyển đổi, chúng tôi luôn nhận được sự phối hợp chặt chẽ từ các đơn vị/cá nhân có nhiều năm kinh nghiệm về dạy học và chuyển đổi sách giáo khoa chữ nổi cho học sinh khuyết tật trên cả nước như Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập Thái Nguyên, Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập Đà Nẵng, Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập Tân Bình, Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu TP. Hồ Chí Minh, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội.

Tuy nhiên, công tác chuyển đổi cũng gặp một số khó khăn. Ví dụ như thiết bị phục vụ quá trình chuyển đổi và in sách mẫu quá cũ (được sử dụng 20 năm nay) nên hỏng hóc thường xuyên, ảnh hưởng đến tiến độ làm sách. Nguồn nhân lực làm sách là cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm tại các trường, trung tâm nên ảnh hưởng đến tiến độ triển khai. Sách được chuyển đổi xong nhưng chưa có nguồn kinh phí để in cấp phát, giá thành phẩm bộ sách cao, phụ huynh học sinh khó tự mua...

Đặc biệt, chưa có quy định cụ thể nào về tiêu chuẩn sách giáo khoa chữ nổi nên chưa thể thực hiện được việc in sách giáo khoa theo quy định vì không tiến hành được việc thẩm định giá.

Trong khi chờ các quy định từ cơ quan quản lý, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và các đơn vị/cá nhân đã chủ động chuyển đổi trên cơ sở tiến hành trao đổi và thống nhất chung về quy chuẩn sách; chủ động khắc phục, sửa chữa thiết bị, đồng thời gia hạn thời gian chuyển đổi; tiếp tục tìm kiếm nguồn ngân sách để có thể in, cấp phát cho học sinh.

Bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận sách giáo khoa cho trẻ khiếm thị

- Theo ông, việc không cung ứng kịp thời sách giáo khoa chữ nổi Braille cho học sinh sử dụng theo lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới ảnh hưởng như thế nào đến quá trình hòa nhập, phát triển của trẻ khiếm thị?

- Rõ ràng là chúng ta chưa bảo đảm được sự bình đẳng trong tiếp cận sách giáo khoa cho trẻ khiếm thị. Các con sẽ gặp khó khăn trong việc nghe giảng và theo học trong cả môi trường giáo dục hòa nhập và chuyên biệt.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận muộn với sách chữ nổi sẽ giảm cơ hội trải nghiệm phát triển tri giác xúc giác từ nhỏ đến lớn (thông qua việc sờ hình nổi và chữ nổi trong sách giáo khoa). Do đó, việc hình thành biểu tượng và tiếp nhận thông tin hạn chế, ảnh hưởng đến quá trình học tập ở trình độ cao hơn của học sinh.

Học sinh khiếm thị đọc sách chữ nổi Braille. Nguồn: gdhtte.thainguyen.edu.vn

Học sinh khiếm thị đọc sách chữ nổi Braille. Nguồn: gdhtte.thainguyen.edu.vn

- Có ý kiến cho rằng, thay vì chuyển đổi tất cả 132 đầu sách giáo khoa hiện có theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thì xây dựng một bộ sách chữ nổi riêng cho người khiếm thị. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

- Chúng ta không nên xây dựng bộ sách giáo khoa chữ nổi riêng vì phần lớn học sinh khuyết tật nhìn học hòa nhập trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Do đó, trong cùng một lớp học mà các con sử dụng sách giáo khoa khác so với toàn lớp sẽ là rào cản lớn trong việc tham gia học tập hòa nhập, đồng thời cũng gây khó khăn cho giáo viên trong yêu cầu học tập và truyền đạt nội dung bài học.

-Ở góc độ đơn vị đầu mối phụ trách, ông có đề xuất, kiến nghị gì để sớm giải quyết những khó khăn hiện nay, bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận sách giáo khoa cho trẻ khiếm thị?

- Trong bối cảnh hiện nay để bảo đảm đồng thời việc đáp ứng nhu cầu sách giáo khoa cấp bách cho học sinh khuyết tật nhìn và các yêu cầu đúng quy định về quy chuẩn sách giáo khoa, quy trình thẩm định và định giá sách giáo khoa, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam có một số đề xuất.

Trước hết, trên cơ sở các sách giáo khoa đã được chuyển đổi và tiếp tục chuyển đổi của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành rà soát và xác định đưa vào sử dụng chế bản đã được chuyển đổi, giao các nhà xuất bản tiến hành in và cấp phát theo nhu cầu số lượng của mỗi bộ sách từng năm học.

Song song là quá trình chuẩn hóa sách giáo khoa chữ nổi, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thẩm định, thẩm định giá sách giáo khoa chữ nổi. Căn cứ nội dung chuẩn hóa, các nhà xuất bản kết hợp với đơn vị chuyên môn về giáo dục học sinh khuyết tật sẽ tiến hành lựa chọn công nghệ chuyển đổi và in sách giáo khoa cho học sinh.

- Xin cảm ơn ông

Khải Minh thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/kho-in-an-phat-hanh-do-thieu-quy-chuan-i361804/