Khó khăn bủa vây chương trình tàu sân bay của Hải quân Mỹ

Dù được chế tạo với chi phí đầu tư đắt đỏ nhưng tàu sân bay hạt nhân USS John F.Kennedy (CVN-79) của Mỹ có thể không được đưa vào biên chế của Hải quân nước này nếu không có khả năng phóng và thu hồi máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35C.

Theo RT, Quốc hội Mỹ dự định sẽ không đưa tàu sân bay USS John F.Kennedy-tàu sân bay thứ hai thuộc lớp Gerald R.Ford vào sử dụng trong trường hợp Hải quân Mỹ không chứng minh được rằng, con tàu này tương thích với các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35C. Điều này được nêu ra trong dự thảo Đạo luật ủy quyền quốc phòng năm tài khóa 2020 do Ủy ban lực lượng vũ trang Hạ viện Mỹ soạn thảo.

Tàu sân bay USS John F.Kennedy đã được khởi đóng vào năm 2015 tại xưởng đóng tàu của công ty đóng tàu Huntington Ingalls Industries ở bang Virginia (Mỹ). Theo kế hoạch, tàu sân bay USS John F.Kennedy với mức giá 11,35 tỷ USD này sẽ được chuyển cho Hải quân Mỹ trong năm 2024. Dẫu vậy, nếu không triển khai được máy bay chiến đấu F-35C thì tàu sân bay USS John F.Kennedy sẽ phải đối mặt với tương lai u ám.

 Tàu sân bay USS Gerald R.Ford (CVN-78) thuộc lớp Gerald R.Ford. Ảnh: Getty Images.

Tàu sân bay USS Gerald R.Ford (CVN-78) thuộc lớp Gerald R.Ford. Ảnh: Getty Images.

Nguyên nhân chính của việc tàu sân bay USS John F.Kennedy không có khả năng triển khai F-35C được cho là chiếc máy bay chiến đấu thế hệ năm này không tương thích với hệ thống phóng máy bay điện từ (EMALS) và thiết bị bắt giữ tiên tiến (AAG). Vấn đề tương tự cũng xảy ra với USS Gerald R.Ford (CVN-78)-tàu sân bay đầu tiên lớp Gerald R.Ford. Tàu sân bay USS Gerald R.Ford được đưa vào hoạt động từ năm 2017, cũng không có khả năng triển khai máy bay chiến đấu F-35C. Theo The Drive, nguyên nhân dẫn đến điều này là do EMALS trên tàu sân bay không có đủ lực phóng máy bay chiến đấu F-35 đến tốc độ cần thiết. Tàu sân bay có giá 13 tỷ USD này hiện chỉ có thể triển khai máy bay F /A-18 E / F Super Hornet và EA-19 G Growler.

Trước đó, trong bài phát biểu tại căn cứ Hải quân Mỹ tại Yokosuka (Nhật Bản), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhắc đến vấn đề sử dụng EMALS trên tàu sân bay. Ông chủ Nhà Trắng đã đề nghị sử dụng hệ thống phóng máy bay bằng hơi nước (STEAM) thay cho EMALS. Theo Tổng thống Donald Trump, STEAM hoạt động hiệu quả hơn nhiều so với EMALS, vốn đắt đỏ và chưa chứng minh được độ tin cậy. Tuy nhiên, trao đổi với RT, chuyên gia quân sự Nga Mikhail Timoshenko nhận định, sẽ rất khó khăn khi thay thế EMALS trên một tàu sân bay đã được hạ thủy, vì để làm điều này cần phải tháo rời gần như toàn bộ con tàu.

Nâng cấp đội tàu sân bay là một trong những nhiệm vụ chính của Bộ Quốc phòng Mỹ trong bối cảnh các tàu sân bay thuộc thế hệ trước, được phát triển từ những năm 1960, sắp hết thời gian hoạt động. Đầu năm nay, Hải quân Mỹ đã ký hợp đồng trị giá 15 tỷ USD với Huntington Ingalls Industries để mua hai tàu sân bay lớp Gerald R.Ford số hiệu CVN-80 và CVN-81. Dự kiến, các tàu sân bay này sẽ được lần lượt chuyển giao cho Hải quân Mỹ vào năm 2028 và 2032.

Hải quân Mỹ cho biết, để có thể vận hành được F-35C, hai tàu sân bay USS Gerald R.Ford và USS John F.Kennedy cần phải được cải tiến sau khi bàn giao. Trong khi đó, Hải quân Mỹ cũng cam kết, hai tàu sân bay số hiệu CVN-80 và 81 sẽ được tiến hành sửa đổi từ lúc chế tạo và sẽ không cần phải cải tiến khi đã bàn giao. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ không đồng tình với kế hoạch chỉnh sửa sau khi bàn giao của Hải quân Mỹ và đã yêu cầu CVN-79 phải triển khai được F-35C trước khi bàn giao cho Hải quân. Giới chuyên gia quân sự Mỹ tỏ ra đồng tình với quan điểm của Quốc hội Mỹ. "Tôi cho rằng nên hoàn thiện tàu trước khi bàn giao vì sau bàn giao mới sửa chữa sẽ phức tạp hơn", chuyên gia quân sự Bryan Clark nhận định và cho rằng, Quốc hội Mỹ nên cấp kinh phí bổ sung để Hải quân có thể tiến hành những thay đổi cần thiết.

Các tàu sân bay lớp Gerald R.Ford được thiết kế với khả năng mang theo 75 máy bay các loại. Máy bay chiến đấu F/A-18E / F Super Hornet được triển khai ở giai đoạn đầu, nhưng sau đó sẽ được thay thế dần dần bởi máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35C. Thành phần nhóm máy bay tác chiến điện tử và phát hiện radar sẽ không thay đổi.

Trong khi đó, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Lockheed Martin F-35 Lightning II được phát triển vào những năm 2000 để nâng cấp phi đội không quân “già cỗi” của Mỹ. Chương trình F-35 là dự án quốc phòng đắt đỏ nhất trong lịch sử với chi phí hơn 1,5 nghìn tỷ USD. F-35 Lightning II có 3 phiên bản, bao gồm F-35A (cất và hạ cánh thông thường), F-35B (cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng), và F-35C (dùng trên tàu sân bay).

Các chuyên gia quân sự nhận định, với quy mô của cả hai chương trình trên, việc các tàu sân bay mới lớp Gerald R.Ford không tương thích với máy bay chiến đấu hiện đại F-35C là một vấn đề lớn đối với Hải quân Mỹ. Còn theo Business Insider, chương trình chế tạo tàu sân bay lớp Gerald R.Ford hiện gặp nhiều vấn đề do chi phí bị đội lên cao và chức năng của chúng chưa tương xứng với khoản tiền mà Mỹ chi ra.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/kho-khan-bua-vay-chuong-trinh-tau-san-bay-cua-hai-quan-my-580720