Khó khăn bủa vây HLV Philippe Troussier ở Vòng loại World Cup 2026

Vòng loại thứ hai World Cup 2026 bắt đầu vào tháng 11 này sẽ là kỳ sát hạch năng lực của huấn luyện Philippe Troussier và bóng đá Việt Nam.

Quang Hải (giữa) khởi động trước khi đấu trận Việt Nam gặp Uzbekistan ngày 13/10. Ảnh: INT.

Quang Hải (giữa) khởi động trước khi đấu trận Việt Nam gặp Uzbekistan ngày 13/10. Ảnh: INT.

Qua đó, chúng ta sẽ phần nào làm rõ vấn đề đội tuyển quốc gia có khả năng giành vé dự cúp thế giới không, và có thể là cả vị trí “thuyền trưởng” của chiến lược gia người Pháp.

Sức ép nặng nề

Hợp đồng giữa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và huấn luyện viên Philippe Troussier có thời hạn 3 năm, bắt đầu từ tháng 2/2023.

Ngay giai đoạn đầu của triều đại ông thầy người Pháp, đội tuyển U22 Việt Nam đã không bảo vệ thành công chức vô địch tại SEA Games 32, thua U22 Indonesia ở bán kết. Thất bại này một phần do lực lượng của U22 Việt Nam còn non kinh nghiệm, ít được rèn giũa ở sân chơi đỉnh cao và nhiều sai lầm cá nhân, đồng thời ông Troussier cũng cứng nhắc về chiến thuật, thiếu sự linh hoạt nhằm phù hợp với diễn biến thực tế trên sân.

U22 Việt Nam có hơn 30 phút thi đấu hơn người và 8 phút bù giờ trước U22 Indonesia. Thế nhưng, các học trò của ông Troussier chỉ mang về một bàn thắng từ pha đốt lưới nhà của hậu vệ đối phương.

Trong quãng thời gian đá hơn người, gần bằng hiệp đấu, các tuyển thủ trẻ Việt Nam cho thấy mình không được trang bị đủ kỹ năng để ứng biến cho tình huống phát sinh.

Lối chơi lúng túng, đơn điệu với những pha nhồi bóng từ 2 biên không thể làm khó U22 Indonesia, vốn chấp nhận lùi sâu vì thiếu người. Chúng ta cũng không đủ tỉnh táo đưa trận đấu vào hiệp phụ với nhiều lợi thế về con người, thể lực để rồi sụp đổ ở phút bù giờ.

Nhắc lại bài học từ SEA Games 32 để thấy rằng, huấn luyện viên Troussier đã vấp ngay từ vạch xuất phát và hệ quả tất yếu, sức ép về thành tích, tâm lý so sánh 5 năm hoàng kim trước đó với hiện tại nhanh chóng bủa vây ông thầy người Pháp.

Mặc dù vậy, trong hợp đồng 3 năm với VFF, vòng loại World Cup 2026 mới là mặt trận chính, nơi thử thách năng lực và tham vọng của ông Troussier.

“Tôi từng dẫn dắt 8 đội tuyển quốc gia trên thế giới, tham dự các giải đấu quốc tế như vô địch châu Âu, châu Á, châu Phi… World Cup qua 200 trận. Điều đó giúp tôi có thể đưa đội tuyển Việt Nam lên tầm cao mới. Số đội dự World Cup 2026 mở thêm thì đó là cơ hội của bóng đá Việt Nam”, ông Troussier phát biểu trong ngày trở thành tân huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam.

Vẫn biết, giao hữu là cơ hội cho chiến lược gia người Pháp thử nghiệm lối chơi và tìm kiếm nhân sự mới. Các đối thủ trong tháng 10 đều rất mạnh. Đội tuyển Trung Quốc và Uzbekistan là những ứng viên có khả năng cạnh tranh suất dự World Cup, trong khi Hàn Quốc đang là lá cờ đầu của châu lục tại đấu trường thế giới. Nhưng việc đội tuyển Việt Nam thua quá đậm đã ảnh hưởng không tốt đến tinh thần các tuyển thủ.

Dấu hiệu tích cực từ sự tiến bộ của các cầu thủ trẻ như Thái Sơn, Văn Khang… những pha phối hợp đường nét của lối chơi mới không đủ khỏa lấp những hạn chế của đội tuyển Việt Nam.

Huấn luyện viên Troussier đối mặt với nhiều khó khăn về nhân sự. Ảnh: INT.

Huấn luyện viên Troussier đối mặt với nhiều khó khăn về nhân sự. Ảnh: INT.

Bộ khung đan xen giữa lứa cựu binh và nhóm trẻ chưa có được sự chắc chắn cần thiết. Nhóm cầu thủ già manh nha xuất hiện dấu hiệu “thỏa mãn” sau nhiều năm thành công dưới thời huấn luyện viên Park Hang Seo. Những cầu thủ trẻ tiến bộ, giàu khát vọng nhưng chưa thực sự sẵn sàng cả về chuyên môn lẫn tâm lý gánh vác trọng trách ở sân chơi World Cup.

Lối chơi mới dưới thời ông Troussier sau 6 trận thử nghiệm, 3 thắng và 3 thua đến giờ vẫn còn là ẩn số. Không ai dám chắc đội tuyển Việt Nam sẽ vận hành nó trơn tru, như mong muốn khi bước vào thi đấu chính thức, trước những đối thủ rất khó chơi.

Bóng đá Việt Nam thành công rực rỡ dưới triều đại ông Park Hang Seo. Đó là cơ sở để tin rằng, chúng ta tiệm cận nhóm đầu châu lục và mục tiêu dự World Cup không phải là điều phi thực tế, nhất là khi số đội được đến sân chơi thế giới nâng lên thành 48.

Nhưng đội tuyển Việt Nam không thể đến ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh chỉ với chiến thuật phòng ngự - phản công, những con người đang bước qua giai đoạn đỉnh cao phong độ. Bằng chứng chính là kết quả ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Đội tuyển Việt Nam đứng bét bảng và còn khoảng cách rất xa vé dự World Cup.

Niềm tin sau đó được trao cho huấn luyện viên Troussier. Nhưng ông thầy mang biệt danh “phù thủy trắng” không thể mang đến sự khác biệt trong tương lai gần. Có ý kiến bảo vệ chiến lược gia người Pháp, cần cho ông ấy thêm thời gian để bồi đắp, xây dựng triết lý mới.

Nhưng cũng không ít người nêu quan điểm, lối chơi của đội tuyển hiện nay “viển vông”, không phù hợp với con người Việt Nam. Thậm chí nó chỉ đẹp về lý thuyết, không có tính thực chiến. Vậy nên, đã đến lúc ông Troussier phải gây dựng niềm tin bằng cách chứng minh được tính đúng đắn về những gì đang làm; đặt nền móng và những bước đi đầu tiên một cách bài bản cho giấc mơ World Cup của bóng đá Việt Nam.

 Hoàng Đức bị đau ở đầu gối trong trận Viettel gặp Thanh Hóa ngày 27/10. Ảnh: INT.

Hoàng Đức bị đau ở đầu gối trong trận Viettel gặp Thanh Hóa ngày 27/10. Ảnh: INT.

Khó khăn chồng chất

Theo kế hoạch, sau vòng 3 V-League 2023/2024, đội tuyển Việt Nam sẽ tập trung vào ngày ngày 5/11 nhằm chuẩn bị cho hai trận gặp Philippines (16/11) và Iraq (21/11), trong khuôn khổ vòng loại thứ 2 World Cup 2026.

Vấn đề nhân sự đội tuyển Việt Nam lúc này được quan tâm đặc biệt. Người ta chờ xem sau những trận thử nghiệm, trước nhiều đối thủ mạnh yếu khác nhau, bộ khung của đội tuyển sẽ được định hình như thế nào.

Trong gần 8 tháng qua, ông thầy người Pháp đã triệu tập số lượng cầu thủ có thời điểm lên tới gần 100 người. Quyết định sử dụng ai, ở vị trí nào đều phải tính toán thận trọng, không được phép mắc sai số.

Khó cho ông Troussier ở chỗ, phần lớn các gương mặt trẻ tiến bộ và được trui rèn qua các đợt giao hữu vừa qua đang rơi vào cảnh dự bị tại V-League. Điều đó tác động đáng kể đến chiến lược trẻ hóa đội tuyển của ông thầy người Pháp.

Liệu ông có dám mạo hiểm đưa nhiều cầu thủ trẻ vào đội hình trong đợt tập trung tháng 11, hay sẽ trở về với sự lựa chọn an toàn hơn với nhóm cựu binh? Ngay cả khi gọi một số cầu thủ trẻ lên tuyển thì khả năng ra sân, cũng như đóng góp của họ được dự báo không nhiều.

Đội tuyển Việt Nam cần những chiến binh, có khả năng thích ứng nhanh và chịu được sự va đập mạnh mẽ ở vòng loại thứ 2 World Cup 2026. Nếu thế ông Troussier phải thay đổi, không dùng các cầu thủ trẻ như các trận hữu vừa qua.

Ngoài ra, điều khiến huấn luyện viên Troussier đau đầu nhất là chấn thương của nhiều vị trí trụ cột. Hậu vệ Đoàn Văn Hậu đã vắng mặt trong 2 đợt đội tuyển quốc gia tập trung tháng 9 và 10, cũng như một số trận đầu mùa giải trong màu áo câu lạc bộ Công an Hà Nội.

Không có Hậu, hệ thống phòng ngự của đội tuyển Việt Nam thiếu đi mảnh ghép chất lượng, đặc biệt kỹ năng chống bóng bổng. Những giải pháp thay thế được tìm kiếm và thử nghiệm đều không thành công. Một phần do các đối thủ “quân xanh” quá mạnh. Ngay cả khi Văn Hậu trở lại, hậu vệ của Công an Hà Nội cũng khó bảo đảm được phong độ và cảm giác bóng sau một thời gian dài dưỡng thương.

Cũng ở hàng phòng ngự, ông thầy người Pháp không có trung vệ Quế Ngọc Hải. Tân binh của câu lạc bộ Bình Dương bị rách bắp chân trong trận đá giao hữu với đội tuyển Trung Quốc, đã vắng mặt trong cả 3 trận đầu V-League mùa này. Hiện trung vệ đội tuyển Việt Nam tích cực tập phục hồi.

Theo dự báo lạc quan nhất, Hải có thể thi đấu trở lại trong cuộc đối đầu với đội tuyển Iraq ở sân Mỹ Đình ngày 21/11. Ngoài ra, Nguyễn Quang Hải bị rách cơ bắp chân trong trận giao hữu gặp Uzbekistan và cần khoảng 4 tuần để bình phục. Nhiều khả năng tiền vệ này sẽ vắng mặt trong cả 2 trận đấu của đội tuyển quốc gia trong tháng 11 này.

Những chấn thương liên tiếp của các vị trí trụ cột khiến cho huấn luyện viên Troussier liên tục rơi vào tình trạng “chữa cháy” về nhân sự.

Mới đây nhất, tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức đã bị đau trong trận Viettel gặp Thanh Hóa. Mức độ không quá nghiêm trọng, song không ai dám chắc Hoàng Đức sẽ sung mãn và bảo đảm thể lực cho 2 trận chiến sắp tới, nhất là cầu thủ này đã cày ải cả 3 trận giao hữu cấp độ cao trong tháng 10. Nếu chẳng may tiền vệ của Viettel không thể ra sân, rõ ràng, ông thầy người Pháp gần như không có giải pháp nào thay thế xứng đáng. Hoàng Đức hiện là cầu thủ nắm giữ chìa khóa lối chơi của đội tuyển, thậm chí anh có vai trò quan trọng hơn cả Quang Hải.

Không chỉ là khó khăn chủ quan. Những đối thủ sắp tới của đội tuyển Việt Nam đều đang có sự chuyển biến mạnh mẽ. Đội tuyển Iraq được đánh giá khó chơi nhất với thầy trò huấn luyện viên Troussier.

Trong tháng 9 vừa qua, đội tuyển Iraq đã đánh bại chủ nhà Thái Lan trong trận chung kết King’s Cup; và đoạt hạng Ba giải giao hữu diễn ra vào tháng 10 với sự tham dự của đội tuyển Qatar, Jordan và Iran. Mới đây, đội tuyển Iraq đã nhập tịch Montader Madjed (sinh năm 2005), cầu thủ mang quốc tịch Thụy Điển nhưng có bố mẹ là người Iraq. Montader Madjed hiện khoác áo câu lạc bộ Hammarby (Thụy Điển) và có thể chơi tốt trong vai trò tiền đạo hoặc tiền vệ.

Indonesia được đánh giá là đối thủ chính của đội tuyển Việt Nam trong cuộc đua đến vị trí nhì bảng. Đội bóng này sau thành công của lứa U22 với tấm Huy chương Vàng SEA Games 32 rất quyết tâm đánh bại đội tuyển Việt Nam.

Nhằm tăng cường sức mạnh cho tham vọng vượt qua vòng loại thứ 2 World Cup 2026, đội tuyển xứ Vạn đảo đang tiến hành các thủ tục nhập tịch cho Jay Idzes và Nathan Tjoe-A-On, hai cầu thủ này sinh ra ở Hà Lan và có gốc gác Indonesia. Jay Idzes (23 tuổi, cao 1,91m) xuất thân từ lò đào tạo trẻ của câu lạc bộ danh tiếng Hà Lan PSV và hiện đang chơi cho câu lạc bộ Venezia (Italy). Nathan Tjoe-A-On (21 tuổi, cao 1,82m) chơi được vị trí trung vệ, hậu vệ trái và hiện khoác áo câu lạc bộ Swansea City, đội thuộc giải hạng 2 của Anh.

Đội tuyển Việt Nam dưới triều đại huấn luyện viên Troussier đã hết thời gian thử nghiệm. 2 trận gặp Philippines và Iraq sẽ là những cuộc chiến khốc liệt. Vậy nên, chiến lược gia người Pháp cần có những quyết định đúng đắn, sáng suốt về nhân sự và chiến thuật nhằm gây dựng niềm tin cho mục tiêu cao hơn, xa hơn.

Trung tuần tháng 10 vừa qua, Đại hội thường niên VFF năm 2023 đã thống nhất thông qua các nhiệm vụ trọng tâm và kế hoạch hoạt động năm 2024 của các đội tuyển quốc gia. Trong đó, đội tuyển nam Việt Nam có 2 giải đấu quan trọng là ASIAN Cup và vòng loại World Cup 2026, đồng thời mục tiêu cụ thể được đặt ra cho thầy trò huấn luyện viên Troussier sẽ vượt qua vòng bảng ASIAN Cup và lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2026.

Ở vòng loại thứ hai World Cup 2026, đội tuyển Việt Nam nằm cùng bảng Iraq, Philippines và Indonesia; tại ASIAN Cup 2023, đối thủ của thầy trò ông Troussier là Nhật Bản, Iraq và Indonesia.

Thành Nam

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/kho-khan-bua-vay-hlv-philippe-troussier-o-vong-loai-world-cup-2026-post660085.html