Khó khăn bủa vây kinh tế toàn câùTin khácChủ động giữ ấm cho trẻ mầm nonĐảm bảo an toàn tại các cơ sở lưu trú

Trong bối cảnh tình hình đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ sức ép giá dầu tăng cao và lạm phát. Giá dầu tăng mạnh khi các nước mở cửa trở lại. Ảnh: Getty Images

Ngày càng có nhiều dự báo cho rằng giá dầu sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022, vượt mốc 100USD/thùng, thậm chí còn cao hơn. Hãng tin Bloomberg nhận định giá dầu tăng cao sẽ giáng “đòn kép” vào nền kinh tế thế giới bằng cách thúc đẩy lạm phát và làm suy giảm triển vọng tăng trưởng.

Trên thực tế, các nhà sản xuất năng lượng sẽ được hưởng lợi từ sự bùng nổ giá dầu. Tuy nhiên, phần lớn các nước trên thế giới sẽ chịu tác động mạnh khi giá “vàng đen” leo thang làm gia tăng chi phí cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Họ sẽ phải thắt chặt hầu bao do giá cả hàng hóa, thực phẩm và cước vận chuyển tăng cao.

Việc cắt giảm chi phí tiêu dùng khiến đà tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu có thể chậm lại. Thêm vào đó, giá dầu tác động nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng, làm gián đoạn việc vận chuyển nguyên liệu thô hoặc sản phẩm. Bà Vivian Lau, CEO công ty logistics Pacific Air Holdings cho biết: “Giá dầu chắc chắn là điều đáng lo. Việc tăng giá đang diễn ra vào thời điểm giá vận chuyển hàng không rất cao”.

Một trong những nguyên nhân chính đẩy giá dầu tăng cao là nhu cầu năng lượng gia tăng khi các nước dần nới lỏng biện pháp kiểm soát dịch và mở cửa trở lại sau khi đẩy mạnh tiêm chủng cho người dân. Dù biến thể Omicron đang làm gia tăng số ca mắc mới, nhiều nước trên thế giới đang theo đuổi chủ trương mở cửa, sống chung và thích ứng an toàn, linh hoạt, đồng thời giảm tối đa việc áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt.

Do đó, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã nâng dự báo mức tiêu thụ của thế giới trong năm nay lên 100,6 triệu thùng dầu/ngày. Nguyên nhân khác là sự thiếu hụt về nguồn cung dầu. Có sự chênh lệch giữa sản lượng dầu thực tế của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+ và cam kết do nhóm này đề ra.

Thậm chí, IEA đã phải đưa ra cảnh báo rằng nếu tình trạng này kéo dài, căng thẳng về nguồn cung sẽ leo thang, làm tăng nguy cơ bất ổn, tạo thêm áp lực giá cả và ảnh hưởng lớn đến kinh tế. Ngoài ra, căng thẳng giữa Nga và phương Tây liên quan đến vấn đề Ukraine cũng phần nào khiến giá dầu tăng vọt.

Khi cơn sốt giá dầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trên biểu đồ giá dầu thế giới, các nhà kinh tế học đã vạch ra một vài kịch bản. Theo nghiên cứu của Bloomberg Economics, kịch bản giá dầu tăng từ khoảng 70USD/thùng vào cuối năm 2021 lên 100USD/thùng vào cuối tháng 2 này sẽ khiến lạm phát ở Mỹ và châu Âu tăng khoảng 0,5% trong nửa cuối năm.

Các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự đoán, giá dầu sẽ tăng lên 100USD trong quý III-2022. Theo ước tính của Goldman Sachs, điều này sẽ kéo lạm phát trung bình lên 0,6% và các nền kinh tế mới nổi sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Dự báo của ngân hàng JPMorgan Chase thậm chí còn bi quan hơn: Giá dầu tăng phi mã lên 150USD/thùng sẽ gần như chặn đứng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu và nâng lạm phát lên hơn 7%, cao gấp 3 mục tiêu của hầu hết các nhà hoạch định chính sách tiền tệ.

Tăng trưởng giảm sút và lạm phát phi mã là sự kết hợp đáng lo ngại đối với Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng Trung ương khác khi họ đang đau đầu tìm cách kiềm chế áp lực lạm phát mạnh nhất nhiều thập kỷ mà không kéo tụt đà phục hồi trong đại dịch.

Theo các nhà phân tích của hãng dự báo và phân tích tình hình kinh tế Oxford Economics, mỗi lần giá dầu tăng thêm 10USD/thùng, chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng thêm khoảng 0,3%. Còn theo ông Mark Zandi, chuyên gia kinh tế cấp cao tại công ty phân tích Moody’s Analytics, giá dầu cứ tăng thêm 10USD/thùng thì tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm 0,1% vào năm sau đó.

Các nhà kinh tế đánh giá, giá dầu tăng đặt ra thách thức lớn cho nền kinh tế toàn cầu đang chuyển mình phục hồi. Trong một báo cáo mới đây, ngân hàng HSBC nhận định, trong bối cảnh lạm phát hiện ở mức cao, giá năng lượng tăng sẽ là đòn chí mạng đối với nền kinh tế toàn cầu.

Về phần mình, ông Peter Hooper, cựu quan chức Fed và hiện đang là trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế toàn cầu tại Deutsche Bank, cho rằng rất có thể xảy ra khả năng tăng trưởng toàn cầu chậm lại đáng kể khi cú sốc giá dầu khiến lạm phát tăng cao.

Theo Quandoinhandan

HOÀNG TÙNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quoc-te/483101-kho-khan-bua-vay-kinh-te-toan-cau.html