Khó khăn bủa vây phim lịch sử, cổ trang Việt

Trao đổi với phóng viên Lao Động, nhiều đạo diễn khẳng định, làm phim lịch sử, đặc biệt phim cổ trang vừa tốn kém vừa khó khăn trăm bề.

Cảnh trong phim “Khát vọng Thăng Long”. Ảnh: Nhà sản xuất

Cảnh trong phim “Khát vọng Thăng Long”. Ảnh: Nhà sản xuất

Phim lịch sử, cổ trang Việt vắng bóng màn ảnh

Nếu phim cổ trang, phim lịch sử đã giúp điện ảnh Hàn Quốc, Trung Quốc có những bom tấn công phá màn ảnh lớn, màn ảnh nhỏ, ở Việt Nam, các dự án lịch sử, đặc biệt cổ trang xuất hiện nhỏ lẻ, non kém và thua lỗ.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nói, “Phim lịch sử, phim chiến tranh, hay phim cổ trang “ngốn” kinh phí rất lớn. Nếu phim hiện đại, bối cảnh gần như sẵn có, chỉ việc đi thuê mướn. Phim cổ trang cần tái dựng lại từng ngôi nhà, con đường, may toàn bộ phục trang cho hàng trăm nhân vật, chưa kể còn vũ khí, ngựa thồ... Chưa kể, nếu tái dựng lại cung đình, cung điện, mũ áo nhà vua, quan văn quan võ... sẽ tốn không biết bao nhiêu mà kể”.

Đồng quan điểm với đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, đạo diễn - NSND Trọng Trinh cũng chia sẻ: “Phim truyền hình thiếu vắng mảng lịch sử, cổ trang chính vì không đủ kinh phí sản xuất, không có trường quay, chưa kể thiếu tư liệu lịch sử, biên kịch đủ tầm gánh vác một kịch bản cổ trang không hề dễ”.

Cách đây hơn 10 năm, từ năm 2010, kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kêu gọi, đặt hàng nhiều dự án về triều Đinh, Tiền Lê, Lý ở cả điện ảnh và truyền hình. Nhiều dự án được đầu tư kinh phí “khủng” nhưng vướng ồn ào, đến mức tác phẩm “Đường tới thành Thăng Long” quay tại Hoành Điếm (Trung Quốc) đến nay vẫn gần như “đắp chiếu”, không được ra mắt.

“Đường tới thành Thăng Long” bị chỉ trích vì quá giống phim cổ trang Trung Quốc. “Thái sư Trần Thủ Độ” lên sóng nhưng không đủ hấp dẫn với khán giả.

Hơn 10 năm trôi qua, màn ảnh nhỏ gần như vắng bóng thể loại phim lịch sử cổ trang. Với điện ảnh, những tác phẩm lấy cảm hứng từ đề tài này xuất hiện nhỏ lẻ, thưa vắng và gây tranh cãi.

Gần nhất, ra mắt cuối năm 2022, bộ phim “Huyền sử vua Đinh” trở thành một trong những tác phẩm thua lỗ bậc nhất lịch sử màn ảnh Việt khi chỉ thu về hơn 42 triệu đồng tiền vé, phải rút sớm khỏi rạp.

“Huyền sử Vua Đinh” bị chê bai thậm tệ về chất lượng, kịch bản ôm đồm, trang phục, bối cảnh sơ sài.

Trước đó, năm 2020, bộ phim dã sử “Quỳnh Hoa Nhất Dạ” lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật trong lịch sử về Thái hậu Dương Vân Nga cũng bị chỉ trích vì cổ phục. Không ít khán giả phản đối phim vì cho rằng, nữ chính Thanh Hằng diện trang phục có hơi hướng cung đình Mãn Thanh.

Phim “Mỹ nhân” còn khiến khán giả giận dữ khi in hình “vua sư tử” (trong hoạt hình phương Tây) lên áo quan, họa tiết thủy ba ống tay cũng hoàn toàn sai lệch với lịch sử thời Lê.

Nỗi khổ “thập diện mai phục” phim cổ trang Việt

Hứng chịu chỉ trích từ khán giả, các nhà làm phim Việt từng giải thích: “Có quá ít tư liệu lịch sử, quá ít hình ảnh mô tả phục trang của người Việt ở các triều đại. Khi làm phim, chúng tôi đều phải tham khảo ý kiến các nhà nghiên cứu, các chuyên gia lịch sử, rồi mới đặt may, nhưng vẫn bị khán giả chỉ trích. Chúng tôi mong khán giả hiểu, có rất nhiều khó khăn cho các nhà làm phim dám đầu tư vào thể loại lịch sử, cổ trang”.

Giới làm phim nỗ lực giải thích về việc, ngoài phim chính sử, còn có phim dã sử, phim lấy cảm hứng từ các câu chuyện lịch sử, các biên kịch, đạo diễn có thể hư cấu, nhưng theo khán giả, dù hư cấu đến mấy, đã là phim dã sử của người Việt vẫn cần phải thuần Việt, không thể xem phim lịch sử, cổ trang Việt, nhưng mang đến cảm giác như đang xem phim Trung Quốc.

Cộng thêm những khó khăn về phim trường (trường quay), kinh phí sản xuất, các dự án lịch sử trở thành “nhiệm vụ bất khả thi” của nhiều nhà làm phim Việt.

Hiện, có 2 dự án phim cổ trang, lịch sử đang trong quá trình sản xuất là “Trưng Vương” (tên tiếng Anh: She Kings) do Trương Ngọc Ánh đảm nhận và tác phẩm “Anh hùng” xoay quanh thảm án Lệ Chi Viên có liên quan đến án oan của gia tộc Nguyễn Trãi do đạo diễn Lương Đình Dũng lên ý tưởng.

Cả đạo diễn Lương Đình Dũng và nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh đều cho biết, họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc may phục trang, đặt vũ khí, dựng bối cảnh, kinh phí lớn... Nhưng cả 2 đạo diễn đều khẳng định sẽ quyết tâm đưa lên màn ảnh những câu chuyện lịch sử vang danh sử xanh của dân tộc, dự kiến 2 tác phẩm sẽ ra rạp vào năm 2024.

Theo Mi Lan/báo Lao Động

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/kho-khan-bua-vay-phim-lich-su-co-trang-viet.html