Khó khăn của những người đàn ông mang bầu
Bị kỳ thị, nhầm lẫn danh tính và không có hệ thống y tế hỗ trợ phù hợp, nhiều người chuyển giới hay phi nhị giới gặp nhiều khó khăn khi quyết định mang thai, sinh nở.
Khi Kayden Coleman (34 tuổi, sống ở TP Houston, bang Texas) mang thai con thứ hai, không ai hay biết, quấy rầy hoặc khiến anh cảm thấy đặc biệt.
Đôi khi, Coleman cảm thấy mình dường như bỏ lỡ “đặc quyền” của việc mang bầu. Nhưng ở khía cạnh khác, anh nhẹ nhõm khi không ai biết sự thật.
Là người chuyển giới nam, Coleman cảm thấy an toàn hơn theo cách đó.
Anh nói với Today: “Mỗi khi ra ngoài, tôi không cần lo lắng rằng có ai đó muốn gây hấn với mình. Họ nghĩ rằng tôi có bụng bia”.
Coleman là một trong số người đang cố gắng nâng cao nhận thức và xóa tan định kiến của công chúng và cộng đồng y tế về việc người chuyển giới mang thai, sinh con.
Thực tế, người chuyển giới phải đối mặt với tỷ lệ bạo lực, phân biệt đối xử và quấy rối cao.
Người đàn ông 34 tuổi mô tả 2 lần mang thai của mình đều “rất kinh khủng”.
“Tôi phải chịu rất nhiều tổn thương, hầu hết đến từ nhân viên y tế. Họ nghi ngờ, nhầm lẫn về danh tính của tôi. Tôi từng được đề nghị phá thai nhiều lần một cách vô lý, đồng thời cho biết rằng khoa sản là không gian của phụ nữ”, anh kể.
Không hỗ trợ
Các nhân viên hộ sinh cho biết hệ thống y tế hiện tại ở Mỹ không được thiết lập để hỗ trợ người chuyển giới.
Ray Rachlin, nữ hộ sinh chuyên nghiệp ở bang Philadelphia, cho biết: “Tài liệu về thai kỳ hướng đến những người da trắng, dị tính luyến ái hay hợp giới. Ngay từ đầu, cộng đồng chuyển giới phải cố tham gia vào hệ thống không được thiết lập cho nhu cầu của họ”.
Đối với những người không xác định mình là phụ nữ, ngôn ngữ hướng về nữ giới xung quanh việc mang thai và sinh con có thể gây tổn thương.
Rachlin nói: “Giới tính thực sự ăn sâu vào cách chúng ta nhìn nhận về quá trình mang thai, sinh nở và làm cha mẹ. Tôi phải học hỏi rất nhiều và không ngừng nỗ lực để tránh mắc sai lầm”.
Davis Chandler (38 tuổi, sống ở TP Northampton, bang Massachusetts), người chuyển giới và phi nhị giới, cho biết ngôn ngữ xung quanh việc mang thai làm tăng thêm sự xa lạ về trải nghiệm đối với người chuyển giới.
Chandler nói với Today: “Tôi từng tải xuống một số ứng dụng để theo dõi thai kỳ. Tất cả đều cho rằng người mang thai là phụ nữ và được xác định là mẹ. Bạn đời của tôi cũng không thể tìm thấy danh tính phù hợp. Bởi cô ấy không phải là một người cha”.
Nhiều khía cạnh của trải nghiệm mang thai điển hình không phù hợp với người chuyển giới.
Gần 1/5 đối tượng trả lời Khảo sát Phân biệt Đối xử Chuyển giới Quốc gia cho biết họ bị từ chối phục vụ tại cơ sở chăm sóc sức khỏe do tình trạng chuyển giới hoặc không phù hợp về giới tính của mình.
28% cho biết họ từng bị quấy rối trong các cơ sở y tế, 2% thậm chí là nạn nhân của bạo lực ở phòng khám. Theo khảo sát, người chuyển giới cũng có nhiều khả năng trì hoãn việc chăm sóc y tế khi cần do sợ bị phân biệt đối xử hoặc không đủ khả năng chi trả.
“Người chuyển giới có nguy cơ bị tổn hại bất cứ khi nào bước vào cơ sở chăm sóc sức khỏe. Bởi vậy, ngày càng nhiều người chuyển giới chọn sinh con tại nhà”, Rachlin cho biết.
Theo một nghiên cứu quy mô nhỏ, 22% người chuyển giới và phi nhị giới chọn sinh tại nhà thay vì sinh đến bệnh viện, trong khi hình thức này chỉ chiếm 1% tổng số ca sinh của dân số Mỹ nói chung.
Điều đó nói lên rằng cho đến nay, sinh nở tại bệnh viện vẫn phổ biến đối với nhiều người chuyển giới. Động lực duy nhất của họ là: cơ hội được mổ lấy thai theo mong muốn.
“Trong quá trình vượt cạn, số lượng người tiếp xúc quá nhiều, những xâm lấn phải có với cơ thể để chuyển dạ và sinh con khiến tôi cảm thấy quá sức chịu đựng”, Chandler cho biết.
Tuy nhiên, một số người chuyển giới cho biết người cung cấp dịch vụ sinh sản từ chối khi họ bày tỏ mong muốn sinh mổ thay vì sinh thường. Điều đó đã xảy ra với Chandler. Vì vậy, anh quyết định tìm đến bác sĩ sản khoa mới.
Cần nhiều thời gian thay đổi
Trong trường hợp mổ lấy thai, ĐH Sản phụ khoa Mỹ yêu cầu bác sĩ khám phá “lý do đằng sau mong muốn của bệnh nhân” và thảo luận về “rủi ro, lợi ích”. Bản cập nhật vào tháng 1/2019 không đề cập đến giới tính.
Tiến sĩ Alson Burke, bác sĩ sản phụ khoa tại ĐH Washington ở Seattle, chăm sóc người chuyển giới mang thai, cho biết quyết định sinh con theo cách nào có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví như liệu bệnh nhân đã được phẫu thuật bộ phận sinh dục hay chưa; hoặc việc sinh nở sẽ tạo ra phiền muộn về giới tính cho bệnh nhân không.
Burke nói: “Tôi thường trò chuyện với bệnh nhân để lắng nghe nhu cầu của họ. Tôi cũng thực hiện nhiều bước để khiến họ cảm thấy an toàn”.
Cô lấy ví dụ việc siêu âm bụng hay qua đường âm đạo, bệnh nhân muốn được gọi với đại từ gì… đều được tìm hiểu kỹ càng. Burke tin rằng đây là những cách dễ dàng để cung cấp dịch vụ chăm sóc toàn diện hơn cho tất cả bệnh nhân.
Tuy nhiên, tìm được cơ sở y tế phù hợp để sinh nở chỉ là một nửa của cuộc chiến. Sự thay đổi thực sự phải có tính hệ thống, trong khi người chuyển giới có lịch sử bị phân biệt đối xử lâu dài trong giới y khoa.
Cho đến năm 2013, “rối loạn nhận dạng giới” vẫn có trong Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê về Rối loạn Tâm thần, được nhiều người coi là hướng dẫn dành cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe. “Chuyển đổi giới tính” không bị xóa khỏi sổ tay hướng dẫn về bệnh tật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho đến năm 2018.
Jenna “JB” Brown, người hỗ trợ sinh nở ở thành phố Austin, Texas, nói: “Phải mất nhiều thập kỷ để văn hóa thay đổi. Điều trị cho người chuyển giới trong các cơ sở y tế không được dạy ở trường y”.
Điều đó có nghĩa là bệnh nhân chuyển giới thường phải hướng dẫn bác sĩ về nhu cầu của họ. 50% người chuyển giới được khảo sát cho biết họ phải chỉ dẫn các nhà cung cấp dịch vụ y tế cách chăm sóc người chuyển giới.
Sự thiếu giáo dục và nhận thức ở cấp độ cao này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn ở cấp độ cá nhân: bản thân người chuyển giới đôi khi bị hiểu sai về cơ thể của họ.
Brown nói rằng khi những người chuyển giới thực hiện liệu pháp hormone, họ được yêu cầu ký vào giấy tờ chấp nhận họ có thể vô sinh trong tương lai. Nhưng thực tế, khi người chuyển giới nam dừng tiêm testosterone, kinh nguyệt của họ trở lại và hoàn toàn có thể mang thai.
Ngoài ra, còn có những kỳ thị từ xã hội như người chuyển giới không thích hợp để trở thành cha mẹ. “Khi mọi người nghĩ rằng bạn không nên có con vì bạn kỳ lạ, điều đó có thể ảnh hưởng đến bạn”, Brown nói.
Lấy cảm hứng từ cuộc đấu tranh của bản thân với quá trình mang thai, sinh nở, Coleman cùng với những người như Brown và Rachlin đang cố gắng nâng cao nhận thức của công chúng rằng những yếu tố cần thiết để tạo ra một đứa trẻ là tinh trùng, trứng, tử cung.
Họ hy vọng xã hội sẽ tách rời việc sinh sản và làm cha mẹ với bản dạng giới. Theo họ, điều này mang lại lợi ích cho tất cả, không chỉ người chuyển giới.
Tuy nhiên, cuộc đấu tranh không hề dễ dàng. Rachlin cho biết cô đã mất khách hàng do lên tiếng ủng hộ người chuyển giới.
Về phía Coleman, anh nhận định: “Chúng tôi không quan tâm đến sự chấp nhận của mọi người. Chúng tôi chỉ muốn sự công bằng và an toàn, chăm sóc toàn diện về sức khỏe”.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/kho-khan-cua-nhung-nguoi-dan-ong-mang-bau-post1223950.html