Khó khăn đã ở lại phía sau, Cao su Đà Nẵng (DRC) bắt đầu tăng tốc từ quý 4/2023
Theo các đánh giá mới nhất, hoạt động kinh doanh của Cao su Đà Nẵng (mã cổ phiếu DRC) đã qua giai đoạn khó khăn nhất và bắt đầu tăng tốc rõ rệt kể từ quý 4/2023 với biên lợi nhuận được cải thiện mạnh.
Hãng chứng khoán Rồng Việt Securities (VDSC) vừa có dự báo doanh thu thuần của Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã cổ phiếu DRC - sàn HoSE) trong quý 4/2023 sẽ tiếp tục tăng hơn 5% so với quý 3/2023, đạt 1.182 tỷ đồng. Con số này tương đương mức tăng trưởng 6,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo các chuyên gia phân tích của VDSC, trong bối cảnh nhu cầu lốp xe trong nước lẫn toàn cầu phục hồi, doanh số bán hàng lốp Bias lẫn lốp Radial của Cao su Đà Nẵng trong quý 4/2023 sẽ tiếp tục tăng từ khoảng 5% - 7% so với quý 3/2023.
Đồng thời, giá bán lốp Bias của Cao su Đà Nẵng trong quý 4/2023 kỳ vọng sẽ tăng thêm hơn 3% so với quý 3/2023 do tình trạng hàng tồn kho cao của các doanh nghiệp FDI sản xuất lốp xe tại Việt Nam và của các đối thủ tại Trung Quốc đã dịu bớt. Điều này cho phép Cao su Đà Nẵng không cần phải giảm giá hơn nữa để cạnh tranh.
Trong khi đó, đối với dòng lốp Radial, dự kiến giá bán sẽ được duy trì ổn định để gia tăng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay. Trong 3 quý đầu năm 2023, hoạt động xuất khẩu lốp Radial là động lực dẫn dắt tăng trưởng của Cao su Đà Nẵng, giúp bù đắp đáng kể sự sụt giảm doanh thu tại thị trường nội địa.
VDSC cũng đánh giá, biên lợi nhuận gộp của Cao su Đà Nẵng trong quý 4/2023 có thể tăng mạnh lên mức 17,9% nhờ chi phí nguyên liệu gốc dầu giảm (cao su tổng hợp, muội than đen…), giá cao su thiên nhiên tiếp tục duy trì ở mức thấp, và triển vọng cải thiện giá bán lốp.
Tính chung cả năm 2023, Cao su Đà Nẵng có thể ghi nhận doanh thu thuần 4.580 tỷ đồng và lãi ròng 235 tỷ đồng, lần lượt giảm 6,5% và 23,8% so với mức thực hiện của năm 2022, theo VDSC.
Bước sang năm 2024, kết quả kinh doanh của Cao su Đà Nẵng kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh nhờ nhu cầu lốp xe trong nước lẫn thế giới phục hồi.
Đáng chú ý, sản lượng tiêu thụ lốp Radial của Cao su Đà Nẵng dự kiến tăng thêm 8% nhờ việc đưa vào hoạt động Nhà máy Radial giai đoạn 3, giúp công suất tăng từ khoảng 0,7 triệu lốp/năm lên 1 triệu lốp/năm.
Đồng thời, với vị thế là nhà xuất khẩu lốp TBR hàng đầu Việt Nam, Cao su Đà Nẵng có thể hưởng lợi trực tiếp trong trường hợp Thái Lan bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng lốp TBR. Đây là trường hợp tương tự như vụ việc đối với mặt hàng lốp xuất xứ từ Trung Quốc vào năm 2019.
Hiện tại, Thái Lan đang chiếm thị phần xuất khẩu lốp TBR vào Mỹ lớn nhất với khoảng 28% tương ứng 6,8 triệu lốp TBR/năm và Việt Nam chiếm 12% thị phần tương đương 5,9 triệu lốp TBR/năm. Các dữ liệu cho thấy nhu cầu vận tải của Mỹ đang dần phục hồi từ mức thấp của năm 2023, kéo theo đó là nhu cầu lốp xe các loại hồi phục trở lại.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 29/12, thị giá cổ phiếu DRC đạt 26.600 đồng/cổ phiếu, tăng 43% so với hồi đầu năm nay.