Khó khăn dạy học tích hợp dần được tháo gỡ
Sau bỡ ngỡ ban đầu, đến nay, khó khăn, vướng mắc khi phân công giáo viên, tổ chức dạy học môn tích hợp đã cơ bản được tháo gỡ...
Triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW và Nghị quyết 88/2014/QH13, nội dung giáo dục Chương trình GDPT 2018 được thiết kế theo hướng tăng cường tích hợp cao ở các lớp học dưới, phân hóa dần ở lớp học trên; thực hiện lồng ghép những nội dung có liên quan của một số lĩnh vực giáo dục, môn học trong Chương trình GDPT 2006 để tạo thành môn học tích hợp. Cấp THCS, tinh thần tích hợp thể hiện rõ nhất trong 2 môn học Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.
Môn học mới, yêu cầu mới, đòi hỏi phải có những thay đổi trong tổ chức dạy học, bố trí giáo viên giảng dạy, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập. Chính bởi vậy, Bộ GD&ĐT đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn; đồng thời lắng nghe, theo sát thực tiễn triển khai để có những điều chỉnh hợp lý. Tổ chức dạy học môn tích hợp luôn được lưu ý cụ thể trong văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học hằng năm.
Những năm đầu, triển khai dạy học môn tích hợp không tránh khỏi khó khăn. Nguyên nhân cơ bản bởi đa số giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn nên một người không thể đảm nhiệm được cả môn học. Việc phải bố trí từ 2 đến 3 giáo viên cùng phụ trách một môn là chưa có tiền lệ khiến nhà trường lúng túng.
Để đảm bảo thời lượng dạy các mạch nội dung theo chương trình, có trường thay đổi thời khóa biểu nhiều lần, ảnh hưởng đến công tác điều hành, quản lý, quá trình dạy học của cả thầy và trò. Hai đến 3 giáo viên cùng phụ trách môn học cũng dẫn đến bất cập trong triển khai kiểm tra, đánh giá học sinh…
Sau bỡ ngỡ ban đầu, với một quá trình triển khai trong thực tiễn và từng bước điều chỉnh, đến nay, khó khăn, vướng mắc khi phân công giáo viên, tổ chức dạy học môn tích hợp đã cơ bản được tháo gỡ. Kết quả này đến từ nỗ lực của mỗi cơ sở giáo dục trong phát huy tính tự chủ khi xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường; từ quá trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; đặc biệt, sau khi Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị toàn quốc để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện các môn tích hợp và ban hành Công văn 5636/BGDĐT-GDTrH ngày 10/10/2023 hướng dẫn xây dựng kế hoạch dạy học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Việc xếp thời khóa biểu đã linh hoạt hơn, phù hợp chuyên môn của giáo viên, bảo đảm định mức giờ dạy/tuần…
Lưu ý dạy học Khoa học tự nhiên - một trong những môn thể hiện rõ nhất tinh thần tích hợp, PGS.TS Nguyễn Văn Khánh - Chủ biên Chương trình môn Vật lý 2018, thành viên Ban Phát triển Chương trình GDPT tổng thể đặc biệt nhấn mạnh đến tính thống nhất của môn học và tính thống nhất này được quyết định bởi cách dạy, chứ không phải số người dạy.
Còn GS.TS Đinh Quang Báo - Chủ biên Chương trình môn Sinh học 2018 thì cho rằng, giáo viên cần phát huy tinh thần đồng đội, bổ sung, giúp đỡ nhau; làm sao đạt được điều quan trọng và bắt buộc thể hiện được sự tích hợp theo tinh thần của môn học.
Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, triển khai Chương trình GDPT 2018 nói chung, môn tích hợp nói riêng thời gian tới, chắc chắn phải đặc biệt coi trọng nhận thức đúng, đầy đủ về nội dung, phương pháp dạy học và các yêu cầu về điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục của chương trình mới
Việc bám sát tình hình thực tế, kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ kịp thời cũng vô cùng quan trọng. Cùng đó là chú trọng rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn điều hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho địa phương, cơ sở giáo dục trong quá trình triển khai, bảo đảm thực hiện đúng quan điểm, mục tiêu đổi mới.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/kho-khan-day-hoc-tich-hop-dan-duoc-thao-go-post716024.html