Khó khăn ở ngôi trường vùng sâu
'Trường mẫu giáo Ánh Dương ở thôn 7, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập thành lập tháng 8-2016. Do tận dụng về cơ sở vật chất nên trường đang khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt. Hiện nguồn lực đầu tư cho giáo dục của huyện còn rất hạn chế, Đắk Ơ lại là xã biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, đời sống người dân phần lớn còn khó khăn nên việc xã hội hóa giáo dục ở đây gặp rất nhiều trở ngại. Ngành rất mong các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quan tâm hỗ trợ để nâng cao chất lượng dạy và học của trường' - thầy Đặng Hữu Khoái, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bù Gia Mập chia sẻ.
Điểm chính của trường thiếu sân chơi, đồ chơi cho các bé rất hạn chế
Trường mẫu giáo Ánh Dương hiện có 1 điểm chính và 4 điểm lẻ cách xa nhau. Điểm xa nhất ở thôn 10, cách trung tâm xã 12km. Một số điểm trường có diện tích sân chơi nhỏ, chưa được bê tông hóa nên khi mưa lớn, nước dồn về kéo theo bùn đất, các cô giáo phải thu dọn rất vất vả. Nhiều phòng học nhỏ không đúng quy định, mái bị dột, la phông hư hỏng, tường bong tróc; đồ chơi ngoài trời ít, chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu vui chơi của trẻ… Năm học 2019-2020, trường có 12 lớp học với 355 học sinh, trong đó 47,3% là con em đồng bào DTTS. Riêng điểm lẻ thôn 2 có 4 lớp với 135 học sinh nhưng có đến 98 em người DTTS. Trong tổng số hộ có con em theo học có 57 hộ nghèo, 15 hộ cận nghèo và 126 hộ khó khăn. Đa số con em đồng bào DTTS hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thuộc diện thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Cô Lưu Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Ánh Dương cho biết: Từ khi thành lập đến nay, mặc dù trường luôn nhận được sự quan tâm của các cấp và ngành chức năng của huyện nhưng do huyện nghèo, địa bàn rộng, lại có đông đồng bào DTTS sinh sống nên việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị đồng bộ cho trường gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp vẫn là hướng phát triển kinh tế chính của Đắk Ơ nhưng mấy năm gần đây, các loại nông sản chủ lực liên tục mất mùa, mất giá nên nguồn thu ngân sách giảm, dẫn đến việc đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục càng thêm khó khăn. Nguồn thu của trường cũng rất hạn chế vì học sinh thuộc diện miễn giảm nhiều nên việc vận động ủng hộ các nguồn quỹ từ cha mẹ học sinh cũng khó. Từ đó, dẫn đến việc đầu tư về cơ sở vật chất cũng như mua sắm đồ dùng, đồ chơi cho các em gặp nhiều khó khăn.
Cô Hương cho biết thêm, vừa qua trường được UBND huyện đầu tư xây dựng một dãy phòng học lầu để giảm bớt điểm lẻ. Tuy nhiên, huyện chỉ đầu tư xây dựng phòng học, không có khu vui chơi ngoài trời, trong danh mục đầu tư mua sắm không có trang bị đồ dùng trong lớp, đồ chơi, các thiết bị dạy học khác. Trong khi đồ chơi của các em hiện nay chủ yếu do giáo viên tự làm bằng vật liệu sẵn có nên mau hư hỏng và hiệu quả về phát triển tư duy cho trẻ không cao. Thậm chí, đến nay trường không có tivi hay máy vi tính giúp trẻ tiếp cận công nghệ thông tin.
Thực tế, vui chơi giải trí là nhu cầu tinh thần không thể thiếu của con người, nhất là với trẻ em ở lứa tuổi mầm non. Các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh ngoài rèn luyện cho trẻ những phẩm chất cơ bản về trí tuệ, đạo đức, thể chất còn đóng vai trò quan trọng trong việc bổ sung nguồn dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho trẻ tốt hơn. Từ những khó khăn, rất mong các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh quan tâm hỗ trợ, giúp trường có đầy đủ trang thiết bị dạy - học cùng khu vui chơi, giải trí để con em đồng bào các dân tộc nơi đây được học tập, vui chơi trong môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh.
Như Thảo
Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/kho-khan-o-ngoi-truong-vung-sau-8814