Khó khăn phía sau di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, lĩnh vực di sản văn hóa, trong đó có di sản văn hóa phi vật thể đã có những chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế thông qua phát triển các hoạt động du lịch. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai các chính sách, cơ chế tài chính cho công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể còn nhiều vướng mắc, hạn chế.

Đây cũng chính là một trong những bất cập, điểm nghẽn mà Hội thảo Văn hóa 2022 quan tâm, nhằm tìm kiếm giải pháp tháo gỡ.

Về làng Tiểu Than, xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh- nơi có dòng họ Nguyễn Thiết đã được ban đạo sắc phong của các triều đại phong kiến cho những cống hiến với ca trù. Tại đây, những người con của dòng họ Nguyễn Thiết vẫn đang miệt mài luyện tập trong điều kiện thiếu thốn và không được hưởng bất kỳ chế độ, chính sách nào từ nhà nước. Với các cụ ông, cụ bà này, hát ca trù như để níu giữ cái nghề của cha ông, như một níu giữ một di sản để lại.

Ông NGUYỄN HỒNG PHÚC, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Gia Bình- tỉnh Bắc Ninh:"Đối với tất cả các câu lạc bộ ca trù trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến nay chưa có nguồn kinh phí nào chính thức để hỗ trợ, đầu tư bảo tồn ca trù. Đây là cái khó. Nếu như không có cơ chế thì ca trù sẽ mai một rất nhanh."

Ông NGUYỄN THIẾT KHỞI, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù thôn Tiểu Than, xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh: "Khó khăn nhất về nhân lực con người là các em đi lấy chồng, đại học,có 2 bà già trên 80 tuổi. Về ngân sách, từ khi chúng tôi thành lập đến nay, ngân sách của nhà nước rót về là chưa được đồng nào, còn địa phương ủng hộ không thì có nhưng kinh phí rất hạn hẹp."

Đằng sau tiếng đàn, tiếng hát của các di sản văn hóa phi vật thể là một quá khứ lịch sử lâu đời, một tài sản văn hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta đang chậm trễ, thiếu trách nhiệm trong chính công việc bảo tồn những di sản do mình để xuất, do mình yêu cầu và được thế giới công nhận. Và theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân đó là cơ chế, chính sách tài chính cho công tác bảo tồn mới chỉ dừng lại ở những quy định chung chung, chưa đồng bộ.

Nhà nghiên cứu âm nhạc ĐÀM QUANG MINH: "Quan trọng là việc nó có hiệu quả. Cái mình muốn bảo tồn có đời sống trong đời sống văn hóa ngày hôm nay. Chứ không phải bảo tồn để nó trở thành phim ảnh, băng đĩa, rồi thành những thứ vô tri vô giác. Phải làm thế nào để cái phi vật thể trở thành vật thể, trở thành nhịp đập của trái tim, phải trở thành cái hơi của câu hát, thành cái gân của cái đàn. Đó là bảo tồn. Nó sống trong lòng dân, nó sông trong tay đàn trong miệng hát của người nông dân đồng bằng bắc bộ này."

Vốn di sản trong âm nhạc dân gian truyên thống là vô cùng lớn. Tuy nhiên cần phải hiểu đủ để bức tranh văn hóa phi vật thể không chỉ dừng lại ở việc được tư liệu hóa mà cần có những chính sách kịp thời, phù hợp như tôn vinh, hỗ trợ kinh phí cho người tham gia các lớp truyền dạy. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần coi di sản văn hóa là nguồn lực phát triển, là một chiến lược phát triển văn hóa bền vững cần được phát huy, nhân rộng.

Thực hiện : Việt Hòa Văn Thắng Cao Hoàng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/kho-khan-phia-sau-di-san-van-hoa-phi-vat-the-cua-viet-nam