Khó khăn, thách thức của các trường cao đẳng sư phạm hiện nay

Việc định hướng quy hoạch phát triển ngành Sư phạm chưa thật sự rõ ràng, dứt khoát làm cho các trường cao đẳng Sư phạm lúng túng trong phương hướng phát triển. Bản thân các trường cao đẳng Sư phạm phải chủ động, sáng tạo mới có thể vượt qua khó khăn, hoạt động hiệu quả.

Hội thảo “Những vấn đề đặt ra với các trường cao đẳng sư phạm hiện nay".

Hội thảo “Những vấn đề đặt ra với các trường cao đẳng sư phạm hiện nay".

Các trường cao đẳng Sư phạm của nước ta có tiền thân từ ngành học Sư phạm. Trường Sư phạm là loại trường đặc thù được hình thành và phát triển 78 năm qua. Đến ngày 21/3/1978 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 164-TTg công nhận 16 cơ sở giáo dục đào tạo giáo viên là trường cao đẳng sư phạm.

Vào đầu những năm 1990 ở Việt Nam có 61 trường cao đẳng Sư phạm ở 63 tỉnh và thành phố; (có 03 tỉnh không có trường cao đẳng Sư phạm là Lai Châu, Đắk Nông, Hậu Giang). Trong 61 trường cao đẳng Sư phạm có 3 trường cao đẳng Sư phạm trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Từ năm 1995 trong quá trình xây dựng trường đại học công lập của địa phương nhiều trường cao đẳng Sư phạm được nâng cấp hoặc sáp nhập với các trường khác để trở thành đại học địa phương. Một số trường cao đẳng Sư phạm khác trở thành trường cao đẳng cộng đồng hoặc sáp nhập hoặc bỏ chữ "Sư phạm" để trở thành trường cao đẳng đa ngành trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Đến cuối năm 2023, từ 61 trường cao đẳng Sư phạm trước đây, nay chỉ còn 18 trường cao đẳng Sư phạm.

Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế.

Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế.

Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình.

Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình.

Những khó khăn và thách thức của cao đẳng Sư phạm

Trước khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, cao đẳng Sư phạm có cơ cấu ngành đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên về cơ bản đã đảm bảo đủ để đào tạo giáo viên cần thiết cho các bậc học Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở của các tỉnh trên địa bàn cả nước.

Các trường cao đẳng Sư phạm đã thực hiện đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng các ngành học ngoài nhóm ngành đào tạo giáo viên theo quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Do đó quy mô đào tạo của nhiều trường cao đẳng Sư phạm có thời điểm gần 30 mã ngành đào tạo.

Từ khi triển khai Luật Giáo dục năm 2019, thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, nhiều chính sách thay đổi, ảnh hưởng trực tiếp đến các trường cao đẳng Sư phạm. Luật Giáo dục 2019 quy định trình độ chuẩn của nhà giáo được nâng lên, giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; giáo viên tiểu học, trung học cơ sở phải có bằng cử nhân tốt nghiệp đại học thuộc các ngành đào tạo giáo viên trở lên.

Các trường cao đẳng Sư phạm không còn có chức năng đào tạo giáo viên tiểu học và trung học cơ sở như trước. Vì vậy, cơ cấu ngành đào tạo trình độ cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên giảm mạnh chỉ còn lại duy nhất ngành Giáo dục Mầm non.

Những sự thay đổi này là hợp với xu thế, tuy nhiên đối với các trường cao đẳng Sư phạm là sự thay đổi bị động, không có sự chuẩn bị trước, chưa dự kiến được hậu quả, làm cho cao đẳng Sư phạm vô cùng khó khăn; quy mô đào tạo, bồi dưỡng, ngành đào tạo bị thu hẹp, chỉ tiêu tuyển sinh giảm nhiều; đội ngũ giảng viên dôi dư dẫn đến lãng phí nguồn nhân lực; tiền lương, thu nhập giảm ảnh hưởng đến đời sống của đội ngũ; cơ sở vật chất không được khai thác, sử dụng hết công suất, hiệu quả làm lãng phí nguồn vật lực.

Những khó khăn này đã làm cho các trường cao đẳng Sư phạm khó xác định phương hướng, lo lắng, chưa biết sẽ đi về đâu. Theo Quyết định số 209/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 17/02/2021 Phê duyệt "Nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" việc định hướng quy hoạch phát triển ngành Sư phạm chưa thật sự rõ ràng, dứt khoát làm cho các trường cao đẳng Sư phạm thêm bi quan.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo cả nước tính đến tháng 4/2024 còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông. Nguyên nhân do tình trạng giáo viên nghỉ việc vẫn còn cao; số lượng học sinh và trường, lớp các cấp học ngày càng tăng; chỉ tiêu tuyển sinh của các trường cao đẳng Sư phạm và các khoa Sư phạm của đại học địa phương bị thu hẹp, giảm sút nhiều; nguồn tuyển giáo viên một số môn học đặc thù còn thiếu; việc tuyển dụng giáo viên của các địa phương còn chậm, ...

Thực tế, số giáo viên các cấp học: Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở hiện nay của các tỉnh, thành phố đã qua đào tạo và tốt nghiệp từ cao đẳng Sư phạm chiếm khoảng hơn 75%. Mặt khác, hằng năm các tỉnh, thành phố có lượng giáo viên nghỉ hưu cần được tuyển dụng bổ sung, thay thế cũng không ít. Vì vậy tình trạng thiếu giáo viên các cấp học Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở sẽ tiếp tục diễn ra ở các tỉnh, thành phố ngày càng tăng.

Lớp mầm non của Trường Tiểu học, THCS và THPT Quách Đình Bảo trong Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình.

Lớp mầm non của Trường Tiểu học, THCS và THPT Quách Đình Bảo trong Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình.

Lớp mẫu giáo của trường Mầm non Hoa Hồng trong Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình.

Lớp mẫu giáo của trường Mầm non Hoa Hồng trong Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình.

Lớp Sư phạm Âm nhạc của Cao đẳng Sư phạm Thái Bình.

Lớp Sư phạm Âm nhạc của Cao đẳng Sư phạm Thái Bình.

Một số giải pháp cơ bản để ổn định, tồn tại và phát triển

Giải pháp tổng thể để ổn định, tồn tại, phát triển Sư phạm ngoài cơ chế, chính sách quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm của Nhà nước, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần có sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị các tỉnh, thành phố và đặc biệt bản thân các trường cao đẳng Sư phạm phải chủ động, sáng tạo, không tự ti, mặc cảm.

Một là, các trường cao đẳng Sư phạm phải "tự cứu" mình, không trông chờ, phải tích cực, chủ động vượt khó với cách làm sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình đào tạo phù hợp để tồn tại, ổn định và phát triển. Các trường cao đẳng Sư phạm đề xuất với các cấp quản lí nhà nước và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố được phép thành lập trường liên cấp: Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông trực thuộc trường cao đẳng Sư phạm. Việc phát triển mô hình Trường liên cấp (Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông) trong Trường Sư phạm vừa là một giải pháp tình thế, vừa là một giải pháp lâu dài để Sư phạm luôn luôn được gắn kết bền vững với thực tiễn giáo dục các cấp học.

Các trường cao đẳng Sư phạm cần được chủ động trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên theo nhu cầu của tỉnh, thành phố đáp ứng yêu cầu của Luật Giáo dục năm 2019. Chủ động trong việc đa dạng các loại hình đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực theo nhu cầu của tỉnh, thành phố nhằm phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, của đất nước.

Các trường cao đẳng Sư phạm phải là môi trường để các cán bộ khoa học, giảng viên trình độ cao được làm việc, nghiên cứu. Đây là nguồn lực chất lượng cao sẽ góp phần lớn vào sự phát triển khoa học, công nghệ, giáo dục của các địa phương; đồng thời thúc đẩy sự phát triển khoa học - kỹ thuật; chuyển giao khoa học, công nghệ từ nhà trường đến các tổ chức sản xuất, kinh doanh và xã hội trên các địa bàn.

Hai là, sự tồn tại của Sư phạm địa phương là tất yếu để các tỉnh, thành phố chủ động trong việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới và phát triển giáo dục. Bài học thiếu giáo viên trầm trọng cuối những năm 1980 là một minh chứng, để sau những năm 1990 các trường sư phạm phải đào tạo cấp tốc, đào tạo ngoài kế hoạch, hệ lụy làm mất nhiều năm phải đào tạo hoàn chỉnh (trình độ chuẩn) và nâng chuẩn trình độ theo lộ trình của Chính phủ.

Ngày nay, việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phụ thuộc vào chủ trương, chính sách trong từng thời kỳ, nếu tỉnh, thành phố không có cơ sở đào tạo giáo viên trình độ đại học sư phạm là rất khó chủ động nguồn giáo viên để tuyển dụng.

Ba là, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các trường cao đẳng Sư phạm cần ổn định quy mô đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, và là trung tâm văn hóa, khoa học giáo dục của địa phương.

- Trong khi chờ đợi sắp xếp, các trường cao đẳng Sư phạm cần được giao nhiệm vụ tham gia bồi dưỡng giáo viên, thực hiện các chương trình, dự án đổi mới, phát triển giáo dục địa phương như chuyển đổi số, giáo dục thông minh, quản lý giáo dục thông minh.

- Cần có cơ chế để các trường cao đẳng Sư phạm được phối hợp với các trường đại học đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trình độ đại học (tại cao đẳng Sư phạm), trước mắt là ưu tiên đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học để đáp ứng nhu cầu thiếu nhiều giáo viên hiện nay. Có thể thực hiện mô hình 3+1 (3 năm tại cao đẳng Sư phạm và 1 năm tại trường đại học sư phạm). Đây là mô hình được nhiều nước áp dụng và xem như một giải pháp quan trọng thực hiện quyền bình đẳng học tập cho học sinh, sinh viên là con em của các tỉnh, thành phố. Ngoài ra, có thể liên kết với các trường đại học tổ chức các chương trình bồi dưỡng tại tỉnh như bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng theo chuẩn nghề nghiệp.

Bốn là, các trường cao đẳng Sư phạm cần coi trọng nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng nguồn lực đáp ứng với yêu cầu phát triển của giáo dục - đào tạo và của xã hội; tranh thủ sự ủng hộ mạnh mẽ của các cấp quản lý nhà nước, của nhân dân để phát triển các trường cao đẳng Sư phạm trở thành trường đại học sư phạm khu vực/ vùng hoặc là thành viên của các trường Đại học địa phương.

Năm là, cùng với nền giáo dục, sự tồn tại của trường Sư phạm là tất yếu; củng cố, phát triển Sư phạm vừa là điều kiện, vừa là mục tiêu phát triển giáo dục của đất nước. Hệ thống các trường Cao đẳng Sư phạm rất cần các cấp có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ những bất cập, khó khăn, vướng mắc để các trường cao đẳng Sư phạm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, đồng thời tận dụng các nguồn lực cho sự nghiệp phát triển giáo dục, đào tạo góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Bùi Ngọc Sơn - Bùi Trọng Trâm

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/kho-khan-thach-thuc-cua-cac-truong-cao-dang-su-pham-hien-nay-179240914170626301.htm